Hướng tới Đại hội VIII Hội NDVN: Hải Dương tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp

Nguyễn Việt Thứ sáu, ngày 08/12/2023 10:36 AM (GMT+7)
Hướng đến Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023 – 2028), Phóng viên Báo Dân Việt đã phỏng vấn ông Phạm Đức Hội, Phó Chủ tịch TT Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam và kế hoạch của Hội Nông dân tỉnh Hải Dương trong nhiệm kỳ tới.
Bình luận 0
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hải Dương Phạm Đức Hội: Tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp - Ảnh 1.

-Thưa ông, xin ông đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam thông qua tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh Hải Dương?

-Ngay sau Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội đến cán bộ, hội viên nông dân, các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh. Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh Hải Dương.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đã đạt được một số kết quả quan trọng:

Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện sâu rộng và kịp thời, bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả, nhất là trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân vừa tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước; ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả công nghệ số trong công tác tuyên truyền, vận động.

Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội được chú trọng thực hiện; tổ chức bộ máy, cán bộ Hội được sắp xếp lại tinh gọn, hiệu quả; đội ngũ cán bộ Hội được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt. Chất lượng hội viên được nâng lên; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật được chú trọng; thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới. Các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp được quan tâm chỉ đạo xây dựng và nhân rộng.

Các phong trào thi đua do Hội phát động được lan tỏa sâu rộng, nhất là phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hải Dương Phạm Đức Hội: Tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp - Ảnh 2.

Ông Phạm Đức Hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hải Dương. Ảnh: Nguyễn Việt.

Các cấp Hội đã đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ nông dân, nhất là về vốn vay, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ đa lĩnh vực, sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ khép kín, ứng dụng chuyển đổi số.

Bước đầu phát triển sản xuất nông nghiệp đa giá trị, nhân rộng các mô hình "Cánh đồng không rác thải", "Nông dân phân loại, thu gom, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình", … góp phần tích cực nâng cao năng lực của đông đảo nông dân, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Phát huy tốt vai trò của tổ chức Hội trong tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân tỉnh đã hoàn thành 14/14 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội VII, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt cao so với Nghị quyết Đại hội như: kết nạp hội viên mới được 48.321 hội viên đạt 332% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội; 100% cơ sở, chi Hội có quỹ với bình quân 173.000 đ/hội viên, đạt 173% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội.

Hằng năm có trung bình 190.794 hộ hộ nông dân đăng ký phấn đấu SXKD giỏi các cấp, đạt 109% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội kết quả bình xét có 130.651 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, đạt 136,6% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. Toàn tỉnh xây dựng được 558 mô hình bảo vệ môi trường ở 229 cơ sở Hội, đạt 243,7% chỉ tiêu NQ Đại hội.

-Ông có thể nói rõ về việc xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp ở tỉnh Hải Dương cũng như có đề xuất, kiến nghị gì để việc xây dựng Chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn nữa?

-Thực hiện Nghị quyết số 04 - NQ/HNDTW ngày 05/8/2019 Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khoá VII) về đẩy mạnh xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HND ngày 05/9/2019 về đẩy mạnh xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp giai đoạn 2019-2023.

Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã vận động, hướng dẫn thành lập mới 72 chi Hội Nông dân nghề nghiệp và 199 tổ HND nghề nghiệp với 5.783 hội viên, nâng tổng số chi, tổ HND nghề  nghiệp toàn tỉnh hiện nay là 99 chi Hội và 259 tổ Hội với 7.995 hội viên.

Trong đó, Hội Nông dân tỉnh trực tiếp xây dựng 19 mô hình điểm chi, tổ HND nghề nghiệp sản xuất nông sản an toàn, sản phẩm có bao bì, tem truy xuất nguồn gốc; đã tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, hỗ trợ vật tư đầu vào, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc và kết nối, hỗ trợ tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hải Dương Phạm Đức Hội: Tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp - Ảnh 3.

Nhiều Chi tổ hội Nông dân nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương được thành lập và hoạt động hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Việt.

Một số mô hình Chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất một số sản phẩm đạt hiệu quả cao, như: Gạo Nếp cái hoa vàng an toàn tại phường Duy Tân (TX. Kinh Môn), Cà chua an toàn tại xã Nhân Huệ, Thanh long ruột đỏ an toàn tại phường Hoàng Tân, Táo an toàn phường Cộng Hòa (TP Chí Linh), Ổi lê an toàn tại xã Đồng Cẩm (huyện Kim Thành), Rau an toàn tại xã Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc), Cam an toàn tại xã Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện),...

Từ các mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp do các cấp HND thành lập, nay đã phát triển thành 19 Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao.

Đề nghị Trung ương Hội tham mưu cho Chính phủ ban hành Đề án hỗ trợ phát triển chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đến năm 2030, trong đó chú trọng hỗ trợ chi, tổ Hội NDNN phát triển nông nghiệp xanh, ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, sản xuất nông nghiệp đa giá trị, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Thưa ông, kế hoạch, hành động của Hội Nông dân tỉnh Hải Dương trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 – 2028?

-Đại hội đại biểu HND tỉnh Hải Dương tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã thông qua Nghị quyết Đại hội với 16 chỉ tiêu toàn diện trong các lĩnh vực công tác Hội và phong trào nông dân. Trong thời gian tới, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ HND tỉnh xây dựng chương trình hành động, các kế hoạch, chương trình, dự án thực hiện Nghị quyết Đại hội, chỉ đạo các cấp Hội trong toàn tỉnh tập trung thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết ngay từ đầu nhiệm kỳ với 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chính:

Một là, xây dựng tổ chức Hội Nông dân trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Hội Nông dân các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên; Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân các cấp; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

Hai là, xây dựng người nông dân phát triển toàn diện: Nâng cao nhận thức chính trị, hiểu biết pháp luật và khát vọng vươn lên của nông dân; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng, tư duy hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh cho nông dân; Vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện nếp sống văn minh; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và tích cực tham gia thực hiện các chương trình an sinh xã hội;

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hải Dương Phạm Đức Hội: Tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp - Ảnh 4.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Hải Dương thăm mô hình sản xuất trồng dưa trong nhà lưới, nhà màng của hội viên nông dân trong tỉnh. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ba là, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; nhân rộng mạnh mẽ các mô hình "Nông dân tham gia bảo vệ môi trường", nhất là các mô hình xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn. Đẩy mạnh phát triển chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, hỗ trợ nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghề; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ vốn vay cho nông dân; phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương, phát triển nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đa giá trị, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Đẩy mạnh phổ biến, tư vấn, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân.

Năm là, phát huy vai trò Hội Nông dân các cấp tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sáu là, tích cực tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động đối ngoại nhân dân.

-Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem