Huyện Đông Anh bố trí hàng tỷ đồng hỗ trợ sản phẩm OCOP

Tùng Trọng Thứ hai, ngày 11/07/2022 05:00 AM (GMT+7)
Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của UBND TP.Hà Nội, huyện Đông Anh đã ban hành đề án riêng, bố trí nguồn lực hỗ trợ chủ thể hoàn thiện, phát triển sản phẩm.
Bình luận 0

Là huyện đầu tiên của Hà Nội tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp huyện, Đông Anh đã được thành phố đánh giá cao trong công tác tổ chức. Đến nay Chương trình OCOP đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Có thể kể đến Công ty CP Rau an toàn Hải Anh (xã Vân Nội), một trong những đơn vị tiên phong phát triển sản phẩm OCOP của huyện Đông Anh. Đến nay, Công ty đã có 3 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP gồm: Cà chua, dưa chuột và cải bó xôi. 

Đông Anh bố trí nguồn lực hàng năm hỗ trợ sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Sản phẩm nấm của Công ty cổ phần KMS đầu tư - sản xuất và thương mại (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) được công nhận sản phẩm Chương trình OCOP cấp thành phố. Ảnh: B.H

Giám đốc Công ty Nguyễn Thế Hanh cho biết, được sự hỗ trợ của huyện, mới đây 3 sản phẩm đã được nâng cấp từ 3 sao lên 4 sao OCOP.

"Điều này rất có ý nghĩa trong việc đưa sản phẩm tiếp cận và mở rộng thị trường, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh về loại thực phẩm này hiện rất lớn. Hiện, hàng chục sản phẩm khác của đơn vị đang được UBND huyện Đông Anh thông qua Phòng Kinh tế, tư vấn hoàn thiện để tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP năm 2022" -ông Hanh nói.

Theo ông Hanh, thời điểm dịch bệnh Covid-19, trung bình mỗi ngày cơ sở xuất bán ra thị trường từ 5-6 tạ rau củ các loại. Còn hiện nay, đơn vị cung ứng thường xuyên trên 1 tấn rau củ quả các loại/ngày. Giá các loại rau củ dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. 

Mỗi tháng trang trại của Công ty CP Rau an toàn Hải Anhcòn tạo việc làm cho khoảng 20 lao động, với thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà, trên cơ sở Đề án "Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2020 - 2025", UBND huyện đã xây dựng các nội dung hỗ trợ, trình HĐND huyện thông qua. 

Hai năm 2020 - 2021, huyện đã bố trí nguồn lực thực hiện các nội dung của đề án, với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.

Năm 2022, ngân sách huyện tiếp tục phân bổ 3 tỷ đồng để thực hiện đề án. Trong đó, tập trung hỗ trợ chi phí phân tích chất lượng, in ấn tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác sản phẩm;...

Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, huyện Đông Anh đã có 146 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và nâng cấp sản phẩm OCOP, tập trung vào 3 nhóm ngành hàng: Thực phẩm, đồ uống và thủ công mỹ nghệ. Chương trình OCOP của huyện Đông Anh thu hút sự tham gia của 40 chủ thể, trong đó có 17 hợp tác xã, 11 hộ kinh doanh và 12 doanh nghiệp.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem