Kết thúc cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam”: Tôn vinh những nông dân dám nghĩ, dám làm

Ngọc Lê Thứ năm, ngày 18/09/2014 07:23 AM (GMT+7)
Được khởi động từ tháng 10.2013, cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam trên báo NTNN do Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền tài trợ sẽ chính thức khép lại từ số báo ngày hôm nay (18.9) để Ban Giám khảo bắt đầu tổ chức xét duyệt, chấm bài.
Bình luận 0

Trải qua 11 tháng, Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” mà Báo NTNN phát động đã nhận được gần 1.000 tác phẩm tham gia dự thi và trở thành sân chơi đúng nghĩa cho các tác giả chuyên và không chuyên. Dẫu vậy, do khuôn khổ thời gian cũng như trang báo có hạn, Ban tổ chức chỉ lựa chọn và đăng tải được hơn 50 bài viết về những chân dung là những người nông dân, những con người dám nghĩ, dám làm vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tự hào trên những trang báo

Cuộc thi bắt đầu được đăng tải với bài viết về một lão nông có biệt tài trồng bưởi sai quả ở Hòa Bình với nhan đề “Vua bưởi xứ Mường” đã chính thức đánh thức từng chân dung những nông dân tiêu biểu trên các trang báo của Báo NTNN. Những bài viết về chân dung “Tự hào Nông dân Việt Nam” thì có nhiều lắm. Họ đều là những người nông dân trong thời kỳ đổi mới: Dám nghĩ, dám làm và biết cách làm ăn.

Từ những mảnh ruộng, thửa vườn đến những ao, chuồng đều có thể trở nên giàu có, thậm chí thu tiền tỷ nếu biết cách làm ăn. Như ông Sáu Đức ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn (An Giang) đã tự mình gom được 2.500 công đất để trồng lúa, thu về mỗi ha 30 triệu đồng/năm, hay trường hợp của 2 nông dân ở huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ đã sang tận Brunei để trồng lúa và chuyển giao kỹ thuật… đều rất xứng đáng tiêu biểu.

Trong số những chân dung mà báo NTNN đã đăng tải, đáng chú ý có cả những sinh viên rất ham mê, sáng tạo nghiên cứu những sản phẩm phục vụ cho bà con nông dân. Đó là chàng sinh viên Ngô Kim Lai (SN 1991), Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh quyết tâm nghiên cứu ra được đông trùng hạ thảo để chuyển giao cho bà con sản xuất. Cũng là sinh viên, Bùi Phước Lai (SN 1991), Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã bước đầu sáng chế thành công máy chăm sóc bào ngư tự động phục vụ sản xuất cho bà con nông dân.

Trong số hơn 50 gương nông dân mà báo NTNN đã đăng tải suốt thời gian qua, họ đều là những điển hình đáng để học tập, nhân rộng. Họ đã chứng minh, không phải cứ làm nông nghiệp là nghèo, mà nông nghiệp chính là nơi có tiềm năng làm giàu lớn. Nhà báo Lưu Quang Định- Tổng Biên tập Báo NTNN, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi Tự hào Nông dân Việt Nam cho biết: “Sau 11 tháng phát động cuộc thi, qua các tác phẩm của các tác giả gửi dự thi, chúng tôi đã phát hiện được nhiều nông dân mạnh dạn ứng dụng KHKT, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phát hiện thêm được nhiều nông dân điển hình trong phổ biến kinh nghiệm sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn...”.

“Sân chơi” rộng mở

Cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam do Báo NTNN phát động đã thực sự trở thành một “sân chơi” rộng mở cho các tác giả. Những người viết bài có thể là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, cũng có thể là chính nông dân viết về nông dân. Trong thời gian diễn ra cuộc thi, Báo NTNN đã nhận được rất nhiều tác phẩm dự thi như thế, có những tác phẩm được các tác giả ngồi viết tỉ mẩn trên những trang giấy nhỏ hay hoành tráng hơn như nhóm sinh viên thuộc Học viện An ninh nhân dân còn gửi cả 5 cuốn sách để tham gia tìm hiểu cuộc thi…

Đặc biệt, với thể loại là phóng sự - ghi chép - tùy bút, cuộc thi này còn là sân chơi để cho các tác giả “tự do phóng bút” để vẽ, khắc họa lên những chân dung nông dân tiêu biểu cho riêng mình. Qua đó, nhiều gương nông dân đã được thể hiện khá sinh động dưới ngòi bút của những nhà văn như Nghiêm Thị Hằng, Nguyễn Ngọc Tuyết, Vũ Thống Nhất, Phù Sa Lộc, Du An…

Cũng trong khuôn khổ cuộc thi, vào tháng 7.2014, Báo NTNN đã tổ chức 2 chuyến đi thực địa để các tác giả có cơ hội tìm hiểu thêm về cuộc thi cũng như phát hiện và viết về chân dung những nông dân tiêu biểu. Qua đó, càng làm nổi bật và tăng chất lượng của cuộc thi.

   Theo kế hoạch của Ban tổ chức, lễ trao giải cuộc thi dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 10.2014 tại Hà Nội. Đối với tác giả có tác phẩm đoạt giải Nhất sẽ được trao tặng 20 triệu đồng tiền mặt; cùng 2 giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 3 giải Ba trị giá 7 triệu đồng/giải và 5 giải Khuyến khích trị giá 3 triệu đồng/giải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem