Khai mạc Đại hội Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long có Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội NDVN dự và chỉ đạo

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 28/09/2023 11:45 AM (GMT+7)
Sáng 28/9, tại TP Vĩnh Long, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX (nhiệm kỳ 2023 - 2028) diễn ra trọng thể. Ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dự và chỉ đạo Đại hội.
Bình luận 0

Dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX (nhiệm kỳ 2023 - 2028) còn có các đồng chí là đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN dự, chỉ đạo Đại hội Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long - Ảnh 1.

Đoàn Chủ tịch chủ trì Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh: Huỳnh Xây

Về phía tỉnh Vĩnh Long, có ông Nguyễn Thành Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cùng các đồng chí đại diện HĐND, UBND, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, lãnh đạo các doanh nghiệp.

Đặc biệt, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX còn có 199 đại biểu chính thức đại diện cho trên 120.000 hội viên, nông dân toàn tỉnh về dự.

Hội Nông dân Vĩnh Long trong 5 năm qua đạt được nhiều kết quả hoạt động, công tác tốt

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long lần thứ VIII, ông Bùi Văn Chiều - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long cho biết, đến nay, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long có 63 chi Hội Nông dân nghề nghiệp với 1.434 hội viên, 3.442 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 59.947 hội viên, kết nạp 17.797 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 120.303 người, chiếm 80% so với hộ nông dân.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN dự, chỉ đạo Đại hội Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long - Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Chiều - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long lần thứ VIII. Ảnh: Huỳnh Xây

Về phong trào "nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", theo ông Chiều, trong nhiệm kỳ, các cấp Hội tổ chức triển khai, vận động 381.640 lượt hội viên, nông dân tham gia đăng ký, tạo sức lan tỏa trong phong trào trên nhiều lĩnh vực, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho hội viên, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Kết quả, qua bình xét có 336.040 lượt hộ nông dân được công nhận hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 69% số hộ đăng ký và đạt 138% so với Nghị quyết. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều hộ hội viên có mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhân rộng ở địa phương.

Các cấp Hội còn giúp về vốn, cây con giống, hướng dẫn kỹ thuật với kinh phí 104,3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 14.500 hội viên. Vận động sửa chữa và xây dựng mới 181 căn nhà tình thương cho hội viên nghèo về nhà ở với số tiền hơn 7,4 tỷ đồng. Qua đó, đã giúp 2.302 hộ hội viên thoát nghèo.

Về quỹ hỗ trợ nông dân, hiện nay, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long đang quản lý 60 dự án, với số tiền 23,1 tỷ đồng cho 655 hộ vay. Trong đó, các cấp Hội vận động tăng trưởng nguồn vốn được 5,2 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp hội còn huy động nguồn vốn đối ứng của hội viên tham gia các dự án vay vốn là 40,92 tỷ đồng.

Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho vay qua 734 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ 1.091 tỷ đồng. Tổ chức liên tịch với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long triển khai 353 tổ vay vốn cho 9.734 hộ vay với tổng dư nợ 878,2 tỷ đồng.

Trong 5 năm qua, các cấp Hội thành lập mới 53 hợp tác xã nông nghiệp, thành lập mới 484 tổ hợp tác. Nhìn chung các tổ hợp tác, hợp tác xã bước đầu tạo sự liên kết, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, đầu ra sản phẩm và nông sản cho nông dân.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long, về xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia hiến 133.189 m2 đất, nâng cấp sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn, đê bao với chiều dài hơn 499 km; sửa chữa, nâng cấp 284 cầu, cống; trồng mới trên 46.900 cây xanh, chăm sóc 135,4 km các tuyến đường hoa với tổng kinh phí 31,5 tỷ đồng và trên 31.000 ngày công lao động.

Chú trọng việc phối hợp, phát triển du lịch nông nghiệp

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, rất vui mừng đến dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN dự, chỉ đạo Đại hội Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long - Ảnh 3.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX (nhiệm kỳ 2023 - 2028). Ảnh: Huỳnh Xây

Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích trong công tác Hội và phong trào nông dân mà Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Theo Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, trong những năm qua, Vĩnh Long có bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ từ nội lực, khơi dậy nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác Hội và phong trào nông dân ngày càng phát triển, đời sống của nông dân không ngừng được nâng lên.

Trong nhiệm kỳ qua, trước ảnh hưởng, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, dịch Covid-19, nhưng sự chủ động, nỗ lực cố gắng của cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Vĩnh Long đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

"Những kết quả trong công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ qua đã khẳng định hoạt động của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh ngày càng đi vào thực chất, thiết thực, hiệu quả. Đóng góp tích cực, quan trọng vào thành tựu chung của công tác Hội và phong trào nông dân cả nước, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh" - Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nói.

Theo Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, về nhiệm kỳ tới, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long cần phải phối hợp với Sở Văn hoá, thể thao và du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển du lịch nông nghiệp, làm sao để khách đến Vĩnh Long thưởng thức được khoai lang, bưởi Năm Roi vốn là thế mạnh của tỉnh, mà không có địa phương nào có được. Ngoài ra, tìm các giải pháp nâng cao Quỹ hỗ trợ nông dân từ nguồn vốn ngoài ngân sách, bởi nguồn quỹ này hiện không cao so với các địa phương khác trong vùng.

Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân còn gợi mở thêm một số vấn đề đối với công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Vĩnh Long như sau:

Một là:

Các cấp Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long cần tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của tỉnh. Làm cho mỗi cán bộ, hội viên nông dân hiểu rõ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, trong đó, hội viên, nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện vừa là người được thụ hưởng thành quả.

Hai là:

Các cấp Hội cần phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cường đào tạo nghề, nâng cao trình độ mọi mặt cho nông dân. 

Tăng cường và tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể; cung cấp kịp thời tri thức mới về khoa học công nghệ và những cơ hội, thách thức của quá trình toàn cầu hóa cũng như những thách thức của sự biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp và đời sống nông dân. 

Các cấp Hội cần giúp nông dân có đủ thông tin, điều kiện, nguồn lực để phát triển kinh tế, làm giàu và xóa nghèo bền vững, có năng lực hiểu biết về thị trường trong nước và quốc tế, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và thời kỳ số hóa mạnh mẽ.

Ba là:

Hội Nông dân tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các tổ chức thành viên khác trong Mặt trận Tổ quốc và các thành phần kinh tế, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, để mở mang nguồn lực, hỗ trợ nông dân về vốn tín dụng, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật. Hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác trong sản xuất, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản, tổ chức sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của thị trường.

Bốn là:

Với trách nhiệm là "trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới", Hội Nông dân tỉnh cần tích cực xây dựng và củng cố tổ chức Hội nhằm đáp ứng yêu cầu vận động nông dân trong tình hình mới, chú trọng xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp làm tiền đề để thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã và là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân. Làm tốt vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân, đủ sức tham mưu, đề xuất các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tham gia giám sát, phản biện xã hội.

Năm là: 

Các cấp Hội cần bám sát thực tiễn cuộc sống, dựa vào các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, để tìm ra những cách làm phù hợp, có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động; chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh những vấn đề quan trọng về chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Đồng thời, tích cực tham gia và nâng cao chất lượng giám sát phản biện xã hội về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nông dân, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.

Sáu là:

Cần phải nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh. Đề cao sự đóng góp của cá nhân các ủy viên ban chấp hành, nhất là các ủy viên là đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp trong việc lãnh đạo công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ tới. Để thực hiện được điều đó, ban chấp hành khóa mới mà đại hội bầu ra phải không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất, trí tuệ, hoạt động hăng hái hơn, chủ động hơn và sáng tạo hơn, tin chắc rằng vai trò của Hội nông dân tỉnh sẽ ngày càng được nâng cao.

Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

Theo ông Bùi Văn Nghiêm - Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long, trong nhiệm kỳ VIII, Hội Nông dân tỉnh có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Công tác Hội và phong trào nông dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thực hiện tốt vai trò là "trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới", góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết của Tỉnh ủy đến với nông dân. Theo đó, đưa nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ, đời sống của nông dân được cải thiện về mọi mặt.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN dự, chỉ đạo Đại hội Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long - Ảnh 4.

Ông Bùi Văn Nghiêm - Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX (nhiệm kỳ 2023 - 2028). Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Nghiêm biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến của các cấp Hội nông dân trong tỉnh thời gian qua. Đồng thời, chỉ đạo lưu ý thực hiện các công việc sau trong thời gian tới:

Thứ nhất:

Các cấp Hội Nông dân tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực. Mỗi cán bộ, hội viên, nông dân cần hiểu rõ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân. Trong đó, hội viên, nông dân đóng vai trò chủ thể.

Thứ hai:

Các cấp Hội cần phối hợp với các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, các thành phần kinh tế để tăng cường đào tạo nghề, nâng cao trình độ mọi mặt cho nông dân. Tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân, cung cấp kịp thời kiến thức mới về khoa học công nghệ, giúp cho nông dân có đủ thông tin, điều kiện để phát triển kinh tế, làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Thứ ba:

Hội Nông dân tỉnh cần tích cực xây dựng và củng cố tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu vận động nông dân trong tình hình mới, là cầu nối tin cậy giữa Đảng, chính quyền với giai cấp nông dân; làm tốt vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân; đủ sức tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mỗi cán bộ hội nông dân từ tỉnh đến cơ sở cần phát huy cao độ những thành tích đã đạt được.

Thứ tư:

Nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh trong lãnh đạo công tác Hội và phong trào nông dân. Mỗi đồng chí ủy viên ban chấp hành Hội Nông dân khoá mới căn cứ nhiệm vụ của mình và của Hội để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội một cách thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem