Khám phá phong vị Tết độc đáo của 3 miền

Thứ bảy, ngày 01/02/2014 08:17 AM (GMT+7)
Khi núi rừng Tây Nguyên như được khoác một bộ áo mới với hoa cà phê nở khắp núi nồi thì đất trời Tây Bắc lại trắng rừng với sắc hoa mận huyền ảo trong sương. Còn ở miền Nam, hoa mai vàng rực rỡ nở...
Bình luận 0

Xôi bảy màu, xôi của tình yêu

img

Đến với Tết cổ truyền vùng Tây Bắc, ai không khỏi xao xuyến lòng với món xôi bảy màu, còn gọi là xôi tình yêu của người Nùng Dín.

Bằng tất cả sự khéo léo, người Nùng Dín đã sáng tạo ra cách tạo màu cho xôi bằng các loại thảo mộc có màu sắc quyến rũ và mùi vị khó quên. Mỗi một màu xôi lại có những cách làm khác nhau. Để làm xôi đỏ cờ thì lấy gạo nếp ngâm với lá xôi đũa. Cũng với là xôi đũa nhưng đem giã với tro, trộn với gạo thích hợp sẽ thành màu tím. Lại dùng lá xôi hoa mà giã với tro bếp như vậy ngâm thời gian vừa phải để gạo có màu xanh biêng biếc...

Gạo sau khi ngâm xong để ráo nước và đem sắp vào chõ đồ mồi màu một góc, xôi chín, mở ra chõ xôi bốc khói nghi ngút, thơm nồng, nhìn chõ xôi như một bông hoa với bảy màu sắc rực rỡ. Xôi bảy màu là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Nùng Dín. Những phiên chợ xuân, hàng chục thiếu nữ người Nùng Dín đem xôi còn nóng hổi đi bán, mùi hương đặc biệt tỏa ra khiến du khách ngây ngất cõi lòng.

Cơm lam – rượu cần đắm đuối Tây Nguyên

img

Mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió có món cơm lam đặc biệt ngon. Đây là loại cơm được nướng trong ống nứa nên gạo được chọn để làm là gạo nếp. Gạo vo sạch, ngâm trong nước một đêm rồi đổ vào trong những ống nứa mềm, bên trong chứa nhiều nước ngọt để khi nướng lên, gạo sẽ được hấp hơi nước trong ống mà chín.

Để cơm chín đều, khi nướng than phải thật hồng, ống cơm luôn được trở đều tay cho đến khi vỏ nứa khô, sem sém, mở đầu ống nứa, thoảng mùi thơm của nếp thì cơm đã chín. Ống cơm khi đã thành phẩm chỉ cần dùng tay bật mẹ, thân ống sẽ tách rời ra, hé lộ bên trong lớp màng trắng mỏng của vỏ nứa, bọc quanh những hạt gạo dẻo, thơm, nóng hổi, dậy mùi thơm, đậm vị ngọt của hương rừng.

Đi kèm với cơm lam ắt hẳn có rượu cần. Rượu cần được làm từ chính những sản phẩm của núi rừng như gạo, nếp, ngô, kê, sắn trộn với lá cây rừng ủ thành men. Để rượu cần đậm đà hương vị, rượu còn được ủ thêm ớt, mía, gừng hoặc riềng để tăng thêm vị ngọt và cay. Rượu ngon là rượu được ủ với gạo nếp, khi chín có màu vàng ươm, cay nồng và đặc sánh.

Trong những dịp lễ tết, những ché rượu cần được sắp thành những hàng dọc dài hoặc xen kẽ với những gói lá đựng thức ăn để mọi người có thể ngồi đối mặt, trò chuyện thể hiện sự gắn bó giữa con người với đất trời và cỏ cây hoa lá.

Bánh tét miền Tây – tràn đầy sắc hương

img

Khi những đóa mai vàng báo hiệu một mùa xuân mới sang, cũng là lúc từng xóm làng miệt sông nước miền Tây Nam bộ rủ nhau chuẩn bị gạo nếp, lá chuối, dừa... để gói những đòn bánh tét đón năm mới.

Bánh tét là một trong những món không thể thiếu trong ngày tết ở miền Nam. Gạo nếp gói bánh thì phải chuẩn bị cả tuần trước đó, lá chuối phải róc ra phơi sẵn cho béo. Nhân bánh có thể ngọt hoặc mặn tùy sở thích. Ngày gói bánh, từ sáng sớm, mọi người đã chia nhau công việc để làm, người làm xào nếp, làm nhân, người lau lá, xé lạt buộc, người thì chuẩn bị nồi nước to để nấu bánh. Bánh nào đẹp, gói khéo nhất sẽ biếu cho cha mẹ và cúng tổ tiên.

Trong ba ngày Tết bánh tét trở thành món chủ lực thay cơm, chỉ cần đĩa dưa món, kiệu, rau muống ngâm chua ngọt, khoanh bánh tét và đĩa thịt kho hột vịt đã thành bữa ăn ngon miệng. Bánh tét như một nét văn hóa của người miền Nam từ thời khai hoang lập ấp, những cư dân đầu tiên của vùng đất này đã biết gói bánh tét bằng gạo lúa để tạ ơn trời đất, tạ ơn tổ tiên.



Gia đình Việt Nam (Theo Gia đình Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem