Khi lòng yêu nước bị lợi dụng

Chiến Văn Thứ ba, ngày 12/06/2018 19:36 PM (GMT+7)
Đã 3 ngày kể từ khi diễn ra những cuộc tụ tập đông người tới mức quá khích, mà đỉnh điểm là những cuộc gây rối, đập phá, đốt trụ sở cơ quan nhà nước xảy ra tại Bình Thuận…
Bình luận 0

Có một điều phải xác định rõ ràng rằng, một số cuộc tụ tập đông người diễn ra tại TP.HCM, Nghệ An, đặc biệt là Bình Thuận suốt từ 10.6 cho đến chiều tối ngày 11.6 đã vượt ra ngoài kiểm soát. Nó mang hơi hướng của hoạt động chống đối, phá hoại và đương nhiên không được pháp luật ủng hộ. Do đó, đây là hành động không thể chấp nhận, dù với bất cứ lý do gì, xuất phát từ nguyên nhân nào.

Điều đáng buồn khi xem các đoạn clip tường thuật cảnh tụ tập đông người tại một huyện của tỉnh Nghệ An, khi người lớn, không hiểu vô tình hay cố ý đã đẩy những đứa trẻ đang trong độ tuổi thiếu niên, lứa tuổi vốn chỉ biết cắp sách tới trường xuống đường, đi đầu trong đoàn người.

Người ta “dúi” cho các cháu tấm biển với những dòng chữ mang đầy màu sắc chính trị. Ngay cả những nước được cho là rất dân chủ, việc sử dụng trẻ em làm “công cụ” cho mục đích chính trị cũng ít khi xảy ra.

Nỗi buồn bị thay thế cho sự đau xót, uất nghẹn khi tận thấy những hình ảnh xảy ra ở Bình Thuận. Những đám đông hàng trăm, có lúc lên tới hàng nghìn người tụ tập, hò hét, kích động, cảm giác như sẵn sàng đập phá, cuốn phăng đi tất cả.

img

Ngày 10.6, hàng nghìn người dân Bình Thuận đã kéo xuống đường làm tê liệt giao thông. 

Nó lại làm tôi rùng mình nhớ lại một sự kiện buồn cách đây chưa lâu, khi người dân ở một số tỉnh, nhất là Bình Dương đã bị kích động, đập phá công ty có vốn của người Trung Quốc, khi nước này đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm nhập trái phép vào lãnh hải nước ta.

Hiếm khi nào, người ta lại thấy cảnh người dân liều lĩnh như vậy khi đứng trước lực lượng cảnh sát trật tự. Ngay cả khi các chiến sĩ công an “đứng im chịu trận”, nhiều đối tượng quá khích vẫn chưa chịu dừng lại. Họ kích động, hò hét nhau đập phá các công trình nhà nước, đốt phá xe cộ, và trực tiếp ném đá, vụt gậy thẳng vào lực lượng cảnh sát.

Lý do cho những “cơn thịnh nộ” này, có thể là để phản đối dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trong đó có yếu tố sẽ cho nhà đầu tư thuê đất tại đây lên tới 99 năm. Trước sự phản ứng rộng rãi của dư luận, Chính phủ đã lắng nghe, tiếp thu và Quốc hội đã chính thức biểu quyết hoãn thông qua dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 5 để tiếp tục tiếp thu, điều chỉnh.

Nhưng, những hành động thể hiện sự cầu thị, tiếp thu của Chính phủ, Quốc hội không khiến làn sóng phản đối lắng xuống.

Trong số những người dân xuống đường tụ tập vào cuối tuần qua, tôi biết có những người thực sự quan tâm tới sự phát triển của đất nước, của vận mệnh quốc gia.

Tôi cũng chắc, có không ít người dù miệng hô hào khẩu hiệu nhưng thực tế không hiểu mình đang phản biện vì cái gì. Họ có thể chỉ đơn giản là nghe theo lời rủ rê, kích động của những kẻ cầm đầu.

Tôi cũng chắc không ít đối tượng đang nhân danh lòng yêu nước khi vung tay đập phá trụ sở, vung tay ném những viên gạch về phía hàng rào cảnh sát…

img

Những người quá khích bị tạm giữ để chờ điều tra, xử lý tại Bình Thuận. (Ảnh: Bộ Công an)

Với những gì vừa diễn ra, thật khó để đoán biết, sắp tới sẽ còn những sự vụ nào tương tự hoặc phức tạp hơn nữa. Nhưng hậu quả để lại của những hành động trên đã nhãn tiền. Nhiều hợp đồng du lịch từ nước ngoài đến Việt Nam bị hủy bỏ, vì lý do an ninh. Có những hợp đồng kinh tế bị hủy phút chót...

Và điều đáng buồn hơn là, sau vụ việc này, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình giảm đi ít nhiều trong mắt bạn bè quốc tế. Những nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ phải giật mình khi vừa được chứng kiến những hình ảnh xấu xí, kinh hoàng…

Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, trong vụ việc này, chính quyền địa phương đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa. Người ta vẫn thường nói “phòng cháy hơn chữa cháy”. Ngay từ khi những tia lửa nhỏ - những bức xúc, dồn nén của người dân mới manh nha - chính quyền địa phương đã nắm bắt để có giải pháp xử lý kịp thời bằng vận động, tuyên truyền, giải thích hay chưa? Hay phải tới khi ngọn lửa lan nhanh, và bùng lên dữ dội, lúc đó mới “dập lửa” thì mọi sự đã quá muộn...

Điều cần làm lúc này là các cơ quan chức năng phải cung cấp thông tin chính thống đầy đủ, kịp thời về các vấn đề dư luận đang quan tâm; có những cảnh báo để người dân phòng tránh. Cùng với đó, phải điều tra, xử lý nghiêm những kẻ chủ mưu những hành vi kích động gây rối, mượn cớ biểu thị lòng yêu nước để có những toan tính riêng.

Phải để mỗi người dân hiểu rằng, ngay cả lòng yêu nước, nếu không đặt đúng chỗ, sẽ trở thành hành động phá hoại!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem