Kho báu của làng chài vùng vịnh

Thứ hai, ngày 03/02/2014 18:23 PM (GMT+7)
Đó là kho tàng ca dao, dân ca - giá trị văn hóa của dân chài vùng vịnh Hạ Long. Ông Tống Khắc Hài - nhà sưu tầm văn hóa dân gian bình luận: “Nó trần trụi, bạo liệt, sống động, tình tứ và thênh thang như chính cuộc sống của những con người sinh ra trong trời nước”.
Bình luận 0
Hiện thực và lãng mạn

Hóa ra hai bài ca dao “Lính thú ngày xưa”: “Ngang lưng thì thắt bao vàng...” và “Ba năm trấn thủ lưu đồn...” được giảng dạy trong chương trình phổ thông cấp 2 nhiều thập kỷ trước đây lại được xem là bắt nguồn từ chính vùng biển này và thực chất là hai khúc của một bài với tên gọi “Vè đi lính”.

Một ông chài trên đảo Minh Châu đã đọc vanh vách bài vè này. Kể ngọn ngành câu chuyện từ khi anh dân chài bị bắt lính “Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa” đến sau ba năm đồn trú quay về. Gia cảnh là mẹ chết, cô vợ trẻ đã lấy chồng khác. Phải hiểu phong tục của người vùng vịnh, nam giới 15,16 tuổi đã cưới xin và được cha mẹ sắm thuyền cho ra ở riêng.

Trên con thuyền ấy, anh con trai trở thành trụ cột chính của gia đình. Bởi vậy, không có cảnh bắt lính ở đâu nheo nhóc và bi thương như đối với gia đình chài lưới. Ở đây, ra đi nghĩa là tan nát. Ngôn ngữ trong “Vè đi lính” của vùng chài Hạ Long (theo khái niệm không gian văn hóa là kéo dài từ biển Trà Cổ tới cửa Bạch Đằng) nhiều chữ khác hẳn so với sách giáo khoa - không phải là “nước giếng trong” mà là “Nước suối trong con cá nó vẫy vùng” - sát ván với ngữ cảnh chốn sơn lâm cũng như tâm trạng thèm khát ngày về của người lính thú.

  Làng chài trên vịnh Hạ Long.
Làng chài trên vịnh Hạ Long.

Là hậu duệ của 3 nền văn hóa tiền sử (Soi Nhụ, Cái Bèo, Hạ Long cách nay từ 2 vạn đến 4.500 năm) - Ca dao dân ca của dân chài Hạ Long là sự tích hợp hoàn hảo về lịch sử văn hóa, xã hội của một cộng đồng trôi nổi với phương thức sống duy nhất là nghề đánh cá. Vì vậy, dù có sự giao thoa, ca dao, dân ca vùng vịnh vẫn tươi rói những nét đặc thù không lẫn với sản phẩm nghệ thuật của bất cứ miệt biển nào trên dải đất hình chữ S.

Đây là bức tranh về thân phận những cuộc đời lam lũ: “Thuyền te mà lấy thuyền đăng/ Đẻ ra con mối, thằng măng, cái dìa/ Thuyền đăng mà lấy thuyền te/ Đẻ ra con mối, cái dìa, thằng măng”; Về phong tục riêng có: “Mồng một thì ăn Cặp La/ Mồng hai Cửa Vạn, mồng ba Dọi Đèn/ Mồng bốn chợ họp thì lên/ Sắm lễ về cúng Bà Men thì vừa/ Mồng năm bát mẻ, rau dưa/ Giở câu, giở lưới là vừa tết tư”.

Ngay cả trong những điệu giao duyên, những câu ca dao tình tứ vẫn thấy lấp lánh tên núi, tên cây, tên những sản vật biển chỉ riêng vùng chài Hạ Long mới có: “Trên mây sa, dưới hòn Gà Chọi/ Anh hát hát câu này anh gọi nàng ra/ Những lời mình hát hôm qua/ Hôm nay hát lại, mau ra hát cùng/ Hát cho con gái bỏ chồng/Con trai bỏ vợ, nạ dòng bỏ con”. Ông Hiền, một ngư dân trên 80 tuổi của làng chài Hùng Thắng (cũ) cho biết: “Quả thật, tôi chẳng biết bản quán ở đâu.

Lẫm chẫm đã thấy mình ở trên thuyền. Lớp người trước cũng thế. Mỗi nhà một thuyền, nghề này túm tụm lại thì không làm ăn được cho nên cơ hội quây quần như nhà nông là rất ít. Vì thế, lẻ loi hát, cưới cheo hát, chào nhau hát, giận nhau cũng hát: “Bực mình chẳng dám nói ra/ Những câu ví vặt chật nhà năm gian”…

Sexy và hào sảng

Sống giữa một thiên nhiên khoáng đạt và diễm lệ, hiển nhiên ca dao dân ca của dân chài vùng vịnh luôn xuất hiện vô số những chuỗi ngọc long lanh như sự sống, gợi cảm một cách tế vi: “Hỡi nàng con mắt lá răm/ Vào trong cheo lưới ta nằm với nhau/ Cheo rách thì để gối đầu/ Cheo lành để đắp, cheo rầu buộc lưng”; “Nhất thơm trà mạn nước mưa/ Nhất ngon là gái xe tơ mạn thuyền”; “Anh câu vớ được chị chài/ Mỗi đêm một lứa như khoai gậm giường”... Cũng chỉ ở không gian tự do này, người ta mới có thể hát được với nhau: “Thuyền chật em giải chiếu ngang/ Em thì nằm giữa, hai chàng hai bên”…

Với những đại diện sắt đá của hạ tầng phong kiến, ca dao dân chài vùng vịnh hạ bệ chẳng cần úp mở: “L… tôi như thể l… trâu/ Mẹ chồng lại bảo người đâu không l…/ Không tin thì hỏi ông đồn/ Ông đồn mới bảo rằng l… trong ghe/ Không tin thì hỏi ông nghè/ Ông nghè mới bảo rằng ghe trong l…”. Hoặc với đám lính hay ghẹo gái ở đồn Ngọc Vừng: “Ba cô đi đánh hà cồn/Thấy anh lính thổi trên đồn tò te/Ba cô đi đánh hà về/Thấy anh lính thổi tò te trên đồn”. Về điều này, nhà văn Võ Huy Tâm từng nhận xét: “Tục thì nó rất tục. Nhưng tại sao lại không thấy ghê, là vì nó chứa đựng tiếng cười dân dã vô cùng hào sảng.”...

Cùng với ca dao là dân ca với rất nhiều các hình thức diễn xướng: Hát chèo đường, hát đối, hát giao duyên, hát kể chuyện. Trong hát cưới gồm cả hát ngõ khách, hát ngõ cheo, hát ngõ hoa; hát đối, hát đố theo phương thức ứng tác hết sức uyển chuyển, thông minh: “Tương phùng nhắn với tương tri/ Chim gì một cánh bay đi tít trời?”/ “Tương phùng nhắn với tương tri/ Cánh buồm một lá bay đi tít trời”; “Cái gì mà cao hơn trời/ Mà sâu hơn bể, mà dài hơn tơ?”/ “Trán người thì cao hơn trời/ Lòng sâu hơn bể, đường dài hơn tơ”... Quả thật là một kho tàng nghệ thuật vô tận.

Cho dù cuộc sống đương đại đang xóa đi rất nhiều ký ức. Những làng chài thủy cư của vùng vịnh Hạ Long cũng có thể vắng bóng dần. Nhưng ca dao dân ca, những rương ngọc tinh thần của quá khứ chắc chắn không bao giờ chìm khuất.

Ngô Mai Phong (Ngô Mai Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem