Khoác “áo mới” cho chè Ngọc Thúy

Hải Vân Chủ nhật, ngày 08/12/2019 12:37 PM (GMT+7)
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong trồng chè Ngọc Thúy theo hướng an toàn sinh học tại xã Quảng Phong, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh” vừa triển khai đã tạo ra nhiều điểm tích cực về nông thôn mới ở xã trung du, ven biển này.
Bình luận 0

Từ hơn 60 năm trước, người dân xã Quảng Phong đã biết trồng, sơ chế giống chè bản địa, chất lượng chè được thị trường ưa chuộng nhưng năng suất không cao, lợi nhuận mà nhà nông thu được không nhiều. Trình độ sản xuất, kỹ thuật trồng, chăm bón chè của hội viên nông dân còn hạn chế, đặc biệt nông dân chưa mạnh dạn ứng dụng chế phẩm vi sinh vật vào trồng chè Ngọc Thúy theo hướng an toàn sinh học, cho nên năng suất, chất lượng sản phẩm chè còn thấp.

Tiếp sức hội viên nông dân

img

 Các hộ nông dân xã Quảng Phong nhận giống cây chè Ngọc Thúy.  Ảnh: Hải Vân

"Chúng tôi tin tưởng sau 3 năm, chè Ngọc Thúy sẽ cho thu hoạch đạt năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, xây dựng được thương hiệu, quảng bá tiêu thụ chè trong và ngoài nước đạt hiệu quả kinh tế cao, từ đó tăng thu nhập cho hội viên nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Anh Nguyễn Thành Long 

Khoảng 60% diện tích đất tự nhiên là đồi núi, có độ dốc nên việc gieo trồng lúa, màu gặp nhiều bất thuận và không hiệu quả, nhưng điều kiện tự nhiên, nông hóa thổ nhưỡng, kinh tế - xã hội của xã Quảng Phong lại rất phù hợp và thuận lợi cho phát triển cây chè Ngọc Thúy.

Xuất phát từ thực tế trên, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đề xuất xây dựng dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong trồng chè Ngọc Thúy theo hướng an toàn sinh học tại xã Quảng Phong, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh” nhằm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè Ngọc Thúy, xây dựng thương hiệu, quảng bá tiêu thụ chè trong và ngoài nước đạt hiệu quả kinh tế cao.

Là hộ đi đầu tham gia dự án, anh Nguyễn Văn Bình (thôn 3, xã Quảng Phong) kỳ vọng, cây chè mới với cách trồng, chăm sóc mới sẽ thay thế cây chè cảnh mà nhà anh trồng và đạt hiệu quả thấp bao năm nay. Vừa cải tạo 7.500m2 đất trồng lúa và chè cảnh năng suất thấp, anh Bình cũng vừa nhận được hơn 6.500 cây giống chè Ngọc Thúy từ Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, anh bắt tay ngay vào trồng thử nghiệm.

“Trước khi được nhận cây giống chè Ngọc Thúy, vào tháng 6/2019, chúng tôi đã được tham gia lớp tập huấn về phát triển bền vững trong nông nghiệp và kỹ thuật trồng, chăm bón, bảo vệ thu hoạch chè Ngọc Thúy, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Hội Nông dân huyện Hải Hà tổ chức. Trong đó, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cụ thể cho hội viên về quy trình sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng trọt an toàn hiệu quả; kỹ thuật trồng chè Ngọc Thúy, biện pháp phòng trừ dịch hại và kỹ thuật hái chè” - anh Bình nói.

Những kỳ vọng lớn

Ngoài hộ anh Bình, 11 hộ khác tại xã Quảng Phong cũng đang hào hứng với cây chè giống Ngọc Thúy vừa nhận được từ dự án. Chị Phạm Thị Luyến (thôn 4, xã Quảng Phong) đến thời điểm hiện tại đã trồng được 80% diện tích, những dấu hiệu ban đầu đã cho thấy kết quả khả quan.

Thực hiện quy trình sử dụng chế phẩm sinh học, chị Luyến xới đất và làm sạch cỏ dại, đồng thời cày giữa hàng chè hoặc phay đất sâu khoảng 10cm, tiếp đó lấp phân hữu cơ đã ủ và các cành lá chè già sau khi đốn. Ngoài được hỗ trợ cây giống, chị Luyến cùng 11 hộ tham gia dự án khác ở xã Quảng Phong còn được hỗ trợ cây dổi che bóng, các loại vật tư, phân bón, chế phẩm vi sinh vật, thuốc BVTV... đảm bảo thời vụ sản xuất, hỗ trợ cho các hộ tham gia mô hình.

Dù dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong trồng chè Ngọc Thúy theo hướng an toàn sinh học tại xã Quảng Phong, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh” chưa hoàn thành, tuy nhiên theo anh Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã, hiện tại toàn bộ số lượng cây chè đã trồng qua 2 đợt (diện tích 7,5ha) đều phát triển tốt.

Nói về dự án này, ông Nguyễn Văn Đường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cũng bày tỏ tin tưởng: Xây dựng mô hình kinh tế, phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng bền vững và hiệu quả, trong đó mô hình trồng chè theo hướng an toàn sinh học là rất phù hợp, tạo cơ sở tiền đề và điều kiện thực tiễn để bà con nông dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo học tập, làm theo, nhân rộng mô hình đem lại hiệu quả thiết thực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem