Khởi sắc vùng biên Tương Dương

Thứ tư, ngày 04/07/2012 08:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với những tiềm lực khiêm tốn của mình, Tương Dương - huyện miền núi khó khăn của tỉnh Nghệ An đã mạnh dạn bắt tay vào làm nông thôn mới bằng cách phát triển lâm nghiệp, xây dựng các trang trại sản xuất đa canh...
Bình luận 0

Chuyển động miền biên ải

Tương Dương là một huyện miền núi nghèo nằm ở phía tây của tỉnh Nghệ An, có 58km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Huyện có 17 xã, 1 thị trấn, diện tích khoảng 282.000ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 10%, đất có rừng 52%, tổng dân số 86.178 khẩu với 15.633 hộ. Trong đó, số người trong độ tuổi lao động chiếm 40%, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 20%.

img
Bộ mặt nông thôn ở huyện Tương Dương đã có nhiều khởi sắc sau gần 2 năm xây dựng NTM.

Ông Lô Văn Hài – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay: “Một trong những khó khăn của huyện là quy hoạch, bởi Tương Dương là huyện miền núi, địa hình dốc, diện tích đất nông nghiệp lại ít, nên khi quy hoạch cần phải cân đối kỹ”.

Tuy vậy, đến nay Tương Dương cũng đã thành lập được Ban quy hoạch từ cấp huyện xuống đến xã, thôn để làm nông thôn mới (NTM). Đồng thời, huyện cũng đã tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức như trên đài phát truyền thanh, panô, sổ tay hỏi đáp về xây dựng NTM. “Hiện đã có 17/17 xã hoàn thành quy hoạch tổng thể, 2 xã điểm của huyện là xã Tam Thái và Thạch Giám đã đạt 5 – 6 tiêu chí NTM” – ông Hài cho hay.

Theo ông Nguyễn Trọng Tân – Chủ tịch UBND xã Tam Thái, mặc dù xã đã hoàn thành quy hoạch và đạt được 5 tiêu chí (thủy lợi, chợ nông thôn, y tế, hệ thống tổ chức chính trị xã hội, an ninh trật tự xã hội). Song chúng tôi cũng đang gặp khó khăn trong việc dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất, cũng như giải bài toán cơ cấu lao động.

Ông Tân bày tỏ: “Tam Thái đang triển khai xây dựng đường giao thông, bố trí lại vùng sản xuất, tập trung vào một số cây trồng xã “vướng” vào dự án chủ lực. Chỉ riêng Nhà máy Thủy điện Khe Bố đã gây ngập 42ha ruộng, trong khi đó việc bồi thường, hỗ trợ chuyển cư triển khai chậm, chất lượng công trình khu tái định cư thấp, đời sống người dân chưa ổn định nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, công tác xây dựng NTM của xã”.

Lồng ghép các chương trình làm NTM

Về xã điểm Tam Hợp của huyện Tương Dương bây giờ mới thấy sự thay đổi rõ rệt, nhất là những trục đường chính đã được bê tông rộng, đẹp, một số công trình như điện, nhà văn hóa… cũng được xây mới khang trang hơn và đặc biệt nơi đây đang khoác lên mình một màu xanh bạt ngàn của cây rừng. Nhờ trồng rừng mà đời sống của người dân nơi đây đang dần khởi sắc, nhiều hộ đã thoát nghèo.

“Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm của huyện đạt 1,5 tỷ đồng, bằng 132,6% so với cùng kỳ, thu nhập bình quân đầu người đạt 13,4 triệu đồng/năm, lương thực đạt 249 kg/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,1% (so với năm 2011 65,2%)”.

Anh Xồng Bá Nỏ- Bí thư Chi bộ bản Phà Lõm, xã Tam Hợp cho biết: “Xác định thế mạnh của xã là nông, lâm nghiệp, do đó chúng tôi tập trung vào trồng rừng, ngô, sắn, chăn nuôi gia súc làm “bàn đạp” để xây dựng NTM”.

Bên cạnh thế mạnh của chăn nuôi, huyện Tương Dương còn lồng ghép các chương trình như 30a, 134, 135, 167 và các chương trình của các tổ chức nước ngoài như Oxfam, Lumxbua… để triển khai các mô hình trong chăn nuôi, trồng trọt. Từ năm 2011 đến nay, Tương Dương đã xây dựng được 61 mô hình/17 xã, trong đó có 15 mô hình nuôi lợn đen địa phương, 7 mô hình chăn nuôi gà đen, 9 mô hình trồng chuối tiêu hồng… với kinh phí 50 triệu đồng/xã.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem