Nguy cơ bùng phát dịch vào cuối năm
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đến ngày 7.10, hiện cả nước có tỉnh Nghệ An còn dịch lở mồm long móng (LMLM), Quảng Trị và Quảng Ngãi xuất hiện cúm gia cầm (CGC) và 5 tỉnh Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, Quảng Nam đang đối mặt với dịch tai xanh.
|
Cán bộ thú y huyện Thanh Trì (Hà Nội) phun thuốc chống dịch cho gia cầm. |
Tại Quảng Nam, từ ngày 3.10, trên địa bàn 4 thôn Tứ Câu, Tứ Ngân, Tứ Hà, Viên Trung (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn) có gần 400 con lợn bị nhiễm bệnh, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu huỷ bắt buộc hơn 200 con.
Tuy nhiên, theo Trạm Thú y huyện này, tính đến ngày 7.10, trên địa bàn đã có 700 con heo nhiễm dịch tai xanh, phải tiêu hủy bắt buộc. Lực lượng thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương chi viện khẩn cấp hơn 100 lít hóa chất Benkocid và nhiều máy bơm động cơ nhằm phun tiêu độc, khử trùng, thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Nhiều chốt kiểm dịch đã được lập và trực 24/24 giờ ở các tuyến giao thông huyết mạch nhằm kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tình trạng vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch.
Tại huyện Thăng Bình, ông Bùi Thanh Việt - Trưởng trạm Thú y cho biết: Tính đến thời điểm này, chỉ có 33% số đầu heo được tiêm vaccin phòng dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng; tỷ lệ trâu và bò được tiêm vaccin phòng dịch LMLM cũng chỉ khoảng 15%.
Trong khi đó, ông Trương Văn Thông - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Điện Bàn (Quảng Nam) cũng cho biết, tỷ lệ các đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện được tiêm vaccin thấp vì giá một liều vaccin quá cao, lên tới 39.000 đồng.
Theo dự báo của Bộ NNPTNT, trong những tháng cuối năm này, nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tiếp tục phát sinh và lây lan rất cao. Nguyên nhân chủ yếu là do virus tai xanh vẫn lưu hành rộng rãi trong đàn gia súc khỏi bệnh lâm sàng, thời tiết lạnh cuối năm là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh tồn tại và lây lan. Hơn nữa, việc chăn nuôi tái đàn, tăng đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm Tết bắt đầu gia tăng cộng với việc vận chuyển gia súc, gia cầm trên các tuyến biên giới vẫn diễn biến phức tạp… đã khiến công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Quyết liệt chống dịch
Theo Cục Thú y, tại Quảng Ngãi, chỉ riêng trong ngày 3.10, ở 2 huyện Sơn Tịnh và Bình Sơn dịch cúm gia cầm đã bùng phát trên diện rộng với trên 23.000 con gia cầm bị chết và tiêu hủy, Cục đã hỗ trợ cho tỉnh 500.000 liều vaccin CGC để các địa phương tiến hành tiêm phòng bao vây các ổ dịch ở các huyện này.
Được biết, trong năm 2011, toàn tỉnh có kế hoạch tiêm phòng trên 1,2 triệu gia cầm nhưng hiện Cục Thú y mới hỗ trợ chưa được một nửa. Hiện tỉnh tiếp tục đề nghị T.Ư hỗ trợ khoảng 1 triệu liều vaccin CGC để phục vụ cho việc tiêm phòng chống dịch.
Ngày 7.10, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT tổ chức Hội thảo Tổng kết Chương trình hợp tác giữa Chính phủ VN và các cơ quan Liên Hợp Quốc về phòng, chống CGC độc lực cao giai đoạn 2 (2007-2011). Với tổng kinh phí 18,1 triệu USD, trong 5 năm, Chương trình đã tập huấn cho 424 cán bộ kiểm soát vận chuyển qua cửa khẩu quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống CGC độc lực cao; hỗ trợ chi phí tiêu hủy gia cầm nhập lậu cho 3 Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh…
Trao đổi với NTNN ngày 7.10 về tình trạng thiếu vaccin tiêm phòng và tình trạng giá vaccin quá cao tại các địa phương hiện nay, ông Văn Đăng Kỳ - Trưởng phòng Dịch tễ Thú y (Cục Thú y) cho biết, Cục đã có tờ trình Chính phủ để xin cấp vaccin dự phòng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
Trước tình hình này, Cục đề nghị các địa phương tự trích ngân sách để mua vaccin phòng chống sự lây lan của dịch. "Khi nào được Chính phủ đồng ý, chúng tôi sẽ có ngay vaccin cấp cho các địa phương để khẩn trương phòng chống dịch"- ông Kỳ cho biết thêm.
Bộ NNPTNT yêu cầu các địa phương không được chủ quan, vẫn phải quyết liệt trong công tác phòng chống dịch, vì nguy cơ dịch lan rộng vẫn cao. "Hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các địa phương để khống chế thành công dịch, góp phần bình ổn giá thực phẩm dịp cuối năm"- ông Kỳ khẳng định.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.