Kon Tum: Thầy cô vùng cao góp thịt, trứng, mì tôm nuôi trò nghèo

Lê Kiến Thứ năm, ngày 04/04/2019 19:15 PM (GMT+7)
Phần vì thương học trò nhiều em do hoàn cảnh quá khó khăn thường xuyên nhịn đói đi học, phần vì không muốn học sinh nửa ngày học, nửa ngày nghỉ vì đi bộ quá xa..., các thầy, cô Trường Tiểu học thị trấn Đắk Glei, tỉnh Kon Tum đã cùng góp thịt, góp trứng, góp mì tôm... để nấu cơm trưa cho học trò tại trường.
Bình luận 0

“Từ khi nhà trường xây dựng được mô hình bữa trưa có thịt, tình trạng học sinh nghỉ học đã không còn xảy ra. Thấy các em có bữa ăn no bụng, vui vẻ khi đến trường là chúng tôi cảm thấy hạnh phúc”, thầy Trần Xuân Ninh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đắk Glei, tỉnh Kon Tum chia sẻ.

Góp thịt, trứng, mì tôm… nuôi trò

Mặc dù không phải trường học bán trú nhưng gần 2 năm nay, buổi trưa tại Trường Tiểu học thị trấn Đắk Glei (huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) luôn đầy ắp tiếng cười với những bữa cơm vui vẻ, đầm ấm. Để duy trì bữa ăn trưa no đủ cho gần 60 em học sinh người dân tộc Hà Lăng có hoàn cảnh khó khăn, các thầy cô trong trường đã tốn không ít tâm sức, đóng góp thịt, trứng, mì tôm mỗi ngày để nuôi học trò.

img

Các thầy cô và phụ huynh cùng chăm lo bữa trưa cho các em học sinh buổi trưa tại trường. Ảnh Lê Kiến

Theo thầy Trần Xuân Ninh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đắk Glei, việc nấu ăn trưa cho học sinh và cho các em ở lại trường là cách làm tự phát, làm theo tâm vì trường không thuộc diện bán trú. Do nhiều em học sinh nhà ở xa, tự đi bộ đến trường nên không thể duy trì việc đi học đều đặn ngày 2 buổi, thường các em chỉ học 1 buổi còn 1 buổi ở nhà. Trước đây, các thầy cô liên tục xuống tận làng vận động nhưng tình trạng học sinh nghỉ học vẫn diễn ra. Chính vì vậy, để giữ chân và tiếp sức cho các em đi học, nhà trường mới nảy ra ý định nấu cơm trưa cho các em ở lại trường. 

“Để cho các em có bữa ăn no đủ, các thầy cô trong trường thường xuyên góp thịt, gạo, mì tôm và nấu cơm cho các em. Việc làm của trường rất được phụ huynh ủng hộ, thành lập tổ tự quản cùng với giáo viên trong trường tham gia nấu ăn, quản lý sinh hoạt buổi trưa cho các em ở trường. Thường buổi trưa lo cho các em ăn xong rồi mới đến lượt các thầy cô ăn”, thầy Ninh nói.

img

Nhờ bữa ăn trưa có thịt, các em học sinh không còn nghỉ học ở nhà. Ảnh Lê Kiến

Trường Tiểu học thị trấn Đắk Glei hiện có 370 học sinh, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Trong đó có 59 em người dân tộc Hà Lăng (ở thôn Long Nang) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà cách trường khá xa. Từ sáng sớm, bố mẹ các em đi lên rẫy nên phần lớn các em tự đi bộ 3km đến trường, học xong buổi sáng lại đi bộ về nhà và lục ăn cơm nguội do bố mẹ nấu để lại. Thậm chí, nhiều em ôm bụng đói đến trường nên buổi chiều không đủ sức để đi học tiếp, nghỉ học. Thế nhưng, từ khi nhà trường tổ chức bữa trưa có thịt thì các em được ăn ngủ trưa tại trường, không còn em nào phải nghỉ học.

Đồng hành với các thầy cô trong trường, mới 10 giờ sáng, chị Y Na Trang (thành viên tổ tự quản, phụ huynh em A Cạn – lớp 2) có mặt tại trường để giúp các thầy cô nấu ăn. Khi được hỏi, chị Trang niềm nở: “Hôm nay tới phiên mình phụ trách lên đây phụ giúp các thầy cô nấu ăn và quản lý các cháu ngủ trưa. Việc nhà trường nấu ăn cho học sinh phụ huynh ai cũng mừng, chỉ mong được duy trì dài dài để các cháu được ăn no, không nghỉ học. Mình còn đứa con nhỏ vài năm nữa cũng đưa lên đây học”.

Nhìn đôi ống quần rách te tua, đôi chân trần đen sạm nhưng em A Lý Thoại (lớp 3) vẫn hồn nhiên ăn cơm ngon lành. Em Thoại cho biết: “Nhà em nghèo lắm, có 6 anh em. Hàng ngày phải tự đi bộ đến trường rất vất vả nhưng buổi trưa ở lại trường rất vui, được ăn cơm ngon, có canh, có thịt”.

Lo cho bữa ăn bền vững

 Nói về hoàn cảnh của học sinh, cô Thanh Thị Thủy – Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đắk Glei chia sẻ: “Nhà các em nghèo lắm, nhiều em đi học nhưng ôm bụng đói đến trường, các thầy cô phải mua đồ ăn sáng, chế mì tôm cho ăn. Từ khi nhà trường tổ chức nấu ăn cho các em thì các thầy cô ở đây ai cũng xắn tay vào giúp, hàng tuần tôi cũng dành mấy buổi nấu thức ăn tại nhà rồi mang lên trường hỗ trợ thêm bữa ăn cho các em. Chuyện góp mì tôm, thịt, góp trứng thì ai cũng có”.

img

Bữa cơm trưa của các em học sinh tại trường có đầy đủ thịt, rau, canh. Ảnh Lê Kiến

Theo thầy Hiệu trưởng Trần Xuân Ninh, để duy trì bữa ăn đầy đủ và đều đặn, các thầy cô trong trường rất chịu khó đóng góp, không góp hiện vật thì góp tiền. Đồng thời, các nhà hảo tâm và phụ huynh cũng hỗ trợ cho trường rất nhiều. Hiện tại, kinh phí nấu ăn cho các em còn 4 triệu đồng, vẫn cố gắng duy trì được hết năm học. Do việc hỗ trợ chi tiêu này chỉ phục vụ cho bữa ăn cho các em nên hàng tuần nhà trường đều công khai chi tiết cho phụ huynh và thầy cô rõ. Nhà trường cũng như các em học sinh và phụ huynh mong muốn được nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ hơn nữa từ các nhà hảo tâm, cơ quan chức năng giúp cho các em có bữa ăn ngon, níu chân các em đến lớp.

Hiện tại, do nhà trường không có phòng ăn riêng nên “mượn tạm” phòng học để làm phòng ăn và ngủ cho học sinh. Ngay cả góc nhỏ ở chân cầu thang của trường cũng được tận dụng để làm góc bếp nấu ăn. Nhìn chung đồ dùng nấu ăn, sinh hoạt của các em học sinh còn rất thiếu thốn, các vật dụng đều được các thầy cô tích góp, hỗ trợ cho các em. Bên cạnh việc hỗ trợ bữa ăn cho các em, nhà trường cũng vận động thêm áo quần cho các em gia đình nghèo khó".  

“Do việc nấu ăn trưa và cho học sinh ở lại tại trường là việc làm tự phát nên nhà trường rất lo về vấn đề đảm bảo an toàn bữa ăn, quản lý tốt các em. Chúng tôi mong muốn bữa ăn trưa sẽ được duy trì dài lâu để hỗ trợ học sinh còn nghèo khó, động viên các em đến trường”, thầy Ninh nói.

img

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em học sinh đến trường chân trần, quần rách. Trong ảnh là em A Lý Thoại, học sinh lớp 3 với chiếc quần rách ở 2 đầu gối. Ảnh Lê Kiến  

Trao đổi với PV, ông Nghiêm Minh Hiệu – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Glei cho biết: “Việc nhà trường tổ chức bữa ăn trưa bằng hình thức xã hội hóa để giúp các em học sinh đến trường, không nghỉ học giữa chừng là việc làm rất tốt, Đảng ủy thị trấn rất ủng hộ và có giấy khen động viên nhà trường. Do địa phương còn nhiều khó khăn, nếu mà trường không tổ chức bữa ăn như thế này thì việc duy trì học sinh đến lớp đều đặn sẽ rất khó. Hiện tại trường vẫn chưa có nhà ăn, phòng nghỉ cho học sinh ở lại buổi trưa”.

img

Em Y Na Dôm học lớp 4 nhưng người rất nhỏ, thường nhịn đói đến trường. Ảnh Lê Kiến

img

Góc chân cầu thang được các thầy cô tận dụng làm góc bếp nấu ăn. Nhà trường và nhiều phụ huynh đều mong mỏi được nhiều ban ngành, nhà hảo tâm giúp đỡ để duy trì bếp ăn, giúp các em có thêm hỗ trợ để đến trường. Ảnh Lê Kiến

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem