Ký ức chợ Viềng xưa của thầy giáo Văn trường Lê Hồng Phong

Nguyễn Quốc Văn Chủ nhật, ngày 14/02/2016 06:46 AM (GMT+7)
Báo điện tử Dân Việt xin giới thiệu loạt bài viết về chợ Viềng của thầy giáo Nguyễn Quốc Văn, nguyên giáo viên Văn trưởng THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định.
Bình luận 0

“Nhắn ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày mồng Tám về chơi chợ Viềng”.

Chợ Viềng Nam Định là phiên chợ đặc biệt, mỗi năm chỉ  có một phiên, mở từ đêm mùng 7 Tết đến hết ngày mùng 8 Tết. Qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, chợ Viềng vẫn tự nó tạo ra những nét văn hóa mang bản sắc riêng, độc đáo, giá trị sâu sắc.

Chợ cầu may, mua bán lấy may

img

Một gian hàng tại chợ Viềng. Ảnh T.N

Sau Tết, nhằm chiều mồng bảy, tôi vừa giong trâu từ ngoài đồng về tới lối rẽ về nhà đã thấy bố tôi đứng đợi sẵn ở bến nước ven sông. Bên cạnh người, cái cày và cái bừa vừa được đánh sáng loáng, xếp cạnh nhau trên một vạt cỏ xanh.

Vẫy tay ra ý bảo tôi họ trâu lại, người khẽ nói: "Con lấy bòng bong tắm cho trâu. Nhớ kì cọ thật sạch sẽ. Mai bố con ta dắt nó đi chợ Viềng chơi một buổi!". Thấy tôi ớ người ra, bố tôi cười: "Cho nó lấy may ấy mà! Nó vất vả cả năm, hưởng một ngày vui, cũng là xứng đáng thôi!".

Dặn tôi xong, bố tôi - vai vác cày, vai khoác bừa - chậm rãi đi về nhà. Bóng người cong cong lẫn vào bóng tre nghiêng trong chiều mờ mờ mưa bụi bay.

Nước sông quê đầu xuân âm ấm. Con trâu như cảm nhận được điều đó, vui vẻ lội tòm xuống bến .Vừa kì lưng cho trâu, tôi vừa nựng nó: " Sướng nhé! Mai được đi chợ Tết. Rồi thế nào mày cũng được bố tao thưởng cho một cái bánh chưng rõ to. Cứ gọi là nhất mày đấy!".

Suốt đêm mồng bảy, mặc dù đã được tôi lót ổ nằm cho ấm, con vật chốc chốc lại đứng dậy, gõ sừng, khua gióng cồng cộc. Hình như nó cũng mong trời chóng sáng tựa tôi vậy. Ờ, một năm mới có một lần, ai mà chẳng mong, chẳng đợi?

Vào khoảng canh tư, một bàn tay ấm nóng vỗ vỗ nhẹ vào mông tôi. Tôi thức cùng tiếng bố gọi khẽ: " Dậy thôi con! Cơm nước xong, ta phải đi ngay mới kịp chợ!".

img

Chợ Viềng tấp nập trong đêm. Ảnh An ninh thủ đô

U tôi đã dậy từ lúc nào không rõ, cơm đã nấu xong, bát đũa đã sắp sẵn trên chiếc mâm đồng gia bảo qúy...

Ngoài chái nhà, hai chồng rổ rá bố tôi đan suốt trong tháng Chạp mới được đem xuống từ gác bếp, xếp bên cạnh cái bừa của bố tôi.

Từ bên kia giậu, bà tôi đã gọi với sang: " Nhà Mão cơm nước xong chưa thì đi rỗi, kẻo chẳng còn chỗ mà bày hàng đâu". Bố tôi vội đặt bát cơm xuống mâm, nói to: " Xong rồi u ạ. U chờ nhà con đi một thể cho vui". Bà tôi giục: " Dưng mà nhanh nhanh lên nhá! Lâu qúa, tôi chả đợi đâu đấy!".

Một lát sau, cả nhà tôi đã hòa vào dòng người đi chợ. Bà tôi đi trước, áo lương màu nâu, thắt lưng màu tím, thúng đội trên đầu, hai tay vung vẩy giống như đang múa. Tôi biết trong cái thúng bà đang đội chỉ có vài bơ gạo nếp cái hoa vàng, mấy bó rau muống cằn bà mới hái ngoài vườn chiều hôm qua.

Tôi chỉ lấy làm lạ là: Từ hôm mồng ba Tết, bà đã đi tới ba bốn phiên chợ quanh vùng như chợ Thượng, chợ Yên, chợ Cổ Gia, chợ Chùa mà chẳng bán được lấy một bơ gạo nào cho gọi là có duyên bán, có duyên buôn... Vậy mà bà vui lắm! Đội gạo về đến nhà, bà gọi ngay anh em tôi sang, cho mỗi đứa một cái bánh đa vừng. Rồi cứ chép miệng chèm chẹp: " Năm nay được mùa, chợ chẳng có ai mua gạo nếp nấu cháo...".

U tôi quảy hai chồng rổ rá, gánh nhẹ tênh tênh mà cái đòn tre bánh tẻ cũng cứ nhún lên nhún xuống, trông thật vui mắt. Bố tôi đi bên cạnh u, vai trái khoác bừa, nách phải cắp chiếc mâm đồng. U tôi nói với bà rằng: trông bố tôi giống cái hôm ra ở riêng ngày xưa qúa. Ngày xưa tôi không biết thế nào, chứ hôm nay thì vẻ mặt bố tôi tươi roi róí...

Tôi cưỡi trên lưng trâu, thỏa mắt nhìn dòng người nườm nượp, áo quần đủ mọi màu sắc. Kia, một đôi vợ chồng trẻ, chồng áo nâu sồng, vợ quần lĩnh, áo phin nõn, chồng bặm môi kéo cái xe bò chất đầy vôi cục, vợ vịn hờ vào thành xe, miệng cứ giục chồng đi nhanh nhanh hơn nữa kẻo mà chợ trưa. Và đây nữa, một ông lão buông quần lá tọa, vai vác một bó giấy hồng, bên hông lủng lẳng cái tráp khảm trai. Ông đồ đấy ! Trong cái tráp kia, mực tàu , bút lông đủ để viết một trăm câu đối, bài thơ...

Chợ Viềng năm nay đông quá! Nhiều người sợ phải chen chúc, ngả hàng ngay ở quán Giáp Nhất bán. Người mang hàng nhẹ, thế nào cũng cố len vào được chợ Chùa mới chịu...

Bà tôi rỉ thầm vào tai bố và u tôi. Cả nhà cố đến được quán Đôi thì rẽ phải, theo đường bờ ruộng sang Giáp Ba, Giáp Tư, rồi đi vòng ra sau làng Vân Tràng mà đến chợ Viềng.

Chợ Viềng được mở trên một khu đất trống, ngay bên cạnh bãi tha ma ở phía tây tỉnh lộ số năm mươi lăm, cách thành phố Nam Định chín cây số. Cách đó hai cây số về phía bắc là chợ Xám. Chợ Chùa, chợ Rin ở phía nam, cách cái chợ độc đáo này trên dưới một cây. Các chợ quanh vùng họp tháng sáu phiên, bán đủ các thứ vật dụng thường ngày. Riêng chợ Viềng, năm duy nhất có một phiên, nghiêng về hội hơn là chợ. Tôi biết điều này là nhờ đi chợ nhiều lần, lần nào tôi cũng để ý thấy phần đông người đi chợ không nhằm mục đích mua bán, hình như, đối với họ, đi chợ chỉ để du xuân mà thôi.

Rồi cả nhà tôi cũng vào được một góc chợ. Bà tôi đặt mấy bó rau trên một tấm ni lon trải trên mặt đất, thúng gạo nếp cái bà để ở phía trong. Người ta hỏi mua gạo, giá mỗi bơ chỉ có tám hào, không hiểu sao bà cứ đòi đồng tám.

U tôi thì bán rổ rá như thể cho không. Tám hào hay một đồng, muốn lấy rổ hoặc rá, xin cứ tuỳ ý... Rổ rá hết, bố tôi bảo u tôi số may, năm mới đã phát tài to, bây giờ thử bán con trâu xem sao! Dặn dò u tôi xong, bố kẹp cái mâm đồng vào nách, vẫy tôi len vào khu bán đồ cổ.

Năm nay bố tôi chọn chỗ ngồi cạnh một ông lão trưng lư đồng. Cái lư to qúa! Tôi ước chừng mình vòng tay ôm không xuể. Chiều cao của chiếc lư xấp xỉ tới tai tôi. Người đến ngắm chen chúc ở đằng trước, đằng sau. Chỉ có một người dám hỏi: " Thưa cụ, chiếc lư quý này độ bao nhiêu thì cụ để lại ạ?".

Ông lão nheo mắt, ngắm người mua, hóm hỉnh nói: " Thế bao nhiêu thì ông mua được?". "Dạ, con không dám. Nhưng xin được mạo muội trả cụ một tiếng, nếu có gì thất lễ, cũng mong cụ xá cho!". Ông lão vuốt râu, cười: " Không hề gì phải khách sáo thế! Xin ông cứ trả một tiếng lấy may...". Người kia ngồi xuống, khẽ khàng : "Ba nghìn, nếu được thì xin cụ để cho con. Biết thứ của này quý báu hơn cả vàng ngọc, ở đời hỏi còn được mấy người, cụ nhỉ!". Ông cụ lại cười. Nụ cười, khiến khuôn mặt vốn đã hồng hào của cụ, sáng rỡ lên trong tiết xuân.

Lúc người ngắm chiếc lư đã vãn, ông lão quay sang hỏi bố tôi chiếc mâm quý có bán thật không. Bố tôi lễ phép, đáp: " Cũng như cụ, con chỉ đem đi khảo chơi thôi. Đồ ông cha truyền lại, mỗi năm chỉ đem trưng để lấy hơi người, điều đó ai mà chẳng biết hả cụ!". Bố tôi thành thật quá. Bởi thế, khi thấy có bốn người mắt như dán vào cái mâm đồng nhà tôi, trả giá lên, trả giá xuống, ông lão bán lư cứ tủm tỉm cuời...

Lúc họ đi sang dãy hàng bán các bức tranh cổ, ông lão nói khẽ vào tai bố tôi: " Nhìn mấy người đến định mua mâm của ông, tay người nào cũng xách một xâu thịt bê thui, tôi biết đó không phải là những người biết chơi đồ cổ sành. Họ nghĩ đơn giản cái mâm của ông mà xếp vài bát thịt bò xào rau cần, bên cạnh có thêm hũ rượu nếp nữa, thì tuyệt lắm đây...".

Bố tôi bảo: "Cụ không biết đấy thôi, nghe giọng họ, con biết không phải người vùng ta. Tiếng nhẹ lắm. Dân buôn chính gốc giả ngây đấy cụ ạ!".

Đón đọc bài tiếp theo >> Ký ức chợ Viềng xưa: Độc đáo Phở trâu chú Lềnh

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem