Ký ức Hà Nội: Nhớ một Hà Tây thắm đượm tình người

Phạm Thanh Thúy Thứ hai, ngày 12/09/2022 09:25 AM (GMT+7)
Trong ký ức của tôi, cái tên Hà Tây không chỉ là quê hương mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, chan chứa kỷ niệm, tình cảm, yêu thương...
Bình luận 0

Suốt nhiều năm qua, khi một ai đó biết tôi là người Hà Tây (cũ), họ đều buông một câu, không rõ đơn giản chỉ là bông đùa, hay chủ ý miệt thị là: "người Hà Nhì" hay "A, biết rồi, dân Hà Nhì chứ gì?". Họ gọi những người thuộc Hà Tây cũ là Hà Nhì, vì sau khi sáp nhập vào Hà Nội, Đài truyền hình Hà Tây đổi thành Hà Nội 2. Đáp lại họ, tôi nói: "Người Hà Nhì có một nền văn hóa rất đặc sắc, không phải tộc người nào cũng có được".

Hà Tây quê lụa

Tôi sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hà Tây, từ bé đã nghe câu "Hà Tây quê lụa". Tỉnh Hà Tây thuộc đồng bằng Sông Hồng, phía Tây của Hà Nội. Có lẽ, theo cách giải thích của các cụ làng tôi: Nếu lấy sông Hồng làm trung tâm, và Hà Nội nghĩa là "trong sông", thì Hà Tây nghĩa là phía Tây của sông Hồng, tương tự như các tỉnh khác nằm ở các hướng: Hà Nam, Hà Bắc, Hà Đông…

Câu "Hà Tây quê lụa" có lẽ khởi nguồn từ làng dệt lụa cổ truyền có tên là Vạn Phúc. Đây là một ngôi làng rất nổi tiếng với nghề dệt lụa lâu đời bậc nhất Việt Nam. Lụa Vạn Phúc được dệt từ tơ tằm dâu, nghe nói trước đây từng được chọn để may trang phục cho vua quan. Ngoài tên "Lụa Vạn Phúc", sản phẩm lụa tơ tằm của làng này còn có tên gọi khác là "Lụa Hà Đông". Làng lụa Vạn Phúc ngày nay đã trở thành một trong những địa danh thu hút khách du lịch phương xa về thăm và tìm hiểu các làng nghề truyền thống của Hà Nội.

Ký ức Hà Nội: Hà Tây thắm đượm tình người, thân thương - Ảnh 1.

Con đường chạy qua làng cổ Đường Lâm (ảnh chụp tháng 9/2013) thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Ảnh: Phạm Thanh Thúy.

Năm 2008, toàn bộ địa giới và dân số tỉnh Hà Tây cũ được sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Những công dân trước ở "cửa ngõ Thủ đô" thì nay đã "ở trong nhà" Thủ đô. Hân hoan là cảm giác của số đông. Rất đông người được báo chí phỏng vấn, họ trả lời với một tâm thế vô cùng tự hào, háo hức.

Hà Tây, cửa ngõ Thủ đô

Trước năm 2008, tôi làm việc tại đài truyền thanh của xã. Hàng ngày, vào đúng 5 giờ chiều là chúng tôi mở đài để tiếp sóng đài tỉnh. Bài hát "Hà Tây quê lụa" của nhạc sĩ Nhật Lai lại vang lên tha thiết: "Hà Tây! Cửa ngõ Thủ đô! Áo giáp chở che ngàn năm bền vững...". 

Đám thanh niên ngày ấy hầu như ai cũng thuộc bài hát này, thậm chí còn trở thành bài tủ, để mỗi cuộc liên hoan văn nghệ là "Hà Tây! Cửa ngõ Thủ đô" lại được biểu diễn... vài lần. Không chỉ bài "tỉnh ca" đó, còn có bài "Về Hà Tây đi em" cũng được các ca sĩ làng thể hiện ở bất cứ cuộc ca hát nào. Thật kỳ lạ, khi cất lên lời ca về quê hương mình, dù ở bất cứ nơi đâu, cảm giác thiêng liêng, yêu mến cứ trào lên trong lòng.

Trước khi thuộc về Hà Nội, Hà Tây là một tỉnh rất giàu tiềm năng du lịch. Với địa hình bao gồm cả miền núi và đồng bằng, có nhiều hồ, sông, suối và hang động. Cả nước có hơn 20 khu du lịch quốc gia thì Hà Tây có 2, là quần thể danh thắng chùa Hương và Vườn quốc gia Ba Vì. 

Hà Tây chỉ đứng sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về số di tích lịch sử được công nhận. Ngoài ra, với 200 làng nghề truyền thống với những sản phẩm đặc sắc như lụa Hà Đông, nón làng Chuông, tò he Xuân La, làng Việt cổ Đường Lâm - đất "hai vua" nổi tiếng, thành cổ Sơn Tây, xứ Đoài mây trắng trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa... thì Hà Tây xứng danh miền đất văn hiến đáng tự hào.

Ký ức Hà Nội: Hà Tây thắm đượm tình người, thân thương - Ảnh 3.

Một góc nhỏ của phố đi bộ Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: Nhật Minh.

Hà Tây đã trải qua bao lần tách nhập, từ 1965 – 1975, 1991 – 2008. Rồi không chỉ Hà Tây, mà biết bao miền đất trên cả nước đều trải qua những lần tách - nhập, biết bao địa danh đã đổi tên, tất cả chỉ nhằm mục đích phù hợp hơn với thời đại mới, với sự phát triển của đất nước, con người. 

Nơi nào trên đất Việt cũng là gấm vóc

Thi thoảng tôi lại nghe "Hà Tây quê lụa", bài hát mà khi mới "bị sáp nhập", tôi đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần. Năm 2016, trong chương trình "Giai điệu tự hào" của Đài truyền hình Việt Nam, giai điệu bài hát "Hà Tây quê lụa" cất lên trên sân khấu của trường quay, truyền đi khắp cả nước, biết bao nhiêu người con Hà Tây cũ đã bật khóc, đã rưng rưng. 

Với họ, bài hát là cả tuổi thơ êm đềm bên gia đình: "Quê hương ơi! Con nhớ mẹ" (một khán thính giả viết trên YouTube), là tình yêu quê hương khi xa xứ: "Mỗi khi nghe bài hát này tôi lại mường tượng cảnh khói lam chiều của một vùng Bắc bộ yên bình, gần gũi…" (cũng một khán thính giả trên YouTube" viết sau ba năm chương trình phát sóng.

Vài năm trước, trên một chuyến bay từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, từ cửa sổ máy bay, tôi được ngắm non sông nước Việt ẩn hiện dưới tầng mây trắng nõn, bỗng nhớ đến câu hát: "Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc". Khi đó, tôi hiểu rằng người phi công hay bất cứ phi hành đoàn nào không chỉ bay trên bầu trời Hà Tây năm xưa, mà nơi nào trên đất nước Việt Nam cũng là gấm vóc lụa là.

Bài Hà Tây thắm đượm tình người, thân thương dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem