Tôn Thất Thọ (TP.Hồ Chí Minh)
Thứ tư, ngày 06/07/2022 07:51 AM (GMT+7)
Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) không chỉ là trường đại học đầu tiên của nước ta mà còn giống như một ngọn nến luôn rực cháy, thắp sáng truyền thống hiếu học của người Việt.
Tôi có dịp ra Hà Nội công tác vào những ngày đầu hè cách đây đúng 10 năm. Đây không phải là lần đầu vì cách đây hơn 40 năm, tôi đã được ra Hà Nội theo đoàn tham quan của ngành giáo dục Huế; thế nhưng lúc đó đất nước khó khăn, còn trong thời bao cấp, vả lại cũng lâu quá rồi nên không để lại ấn tượng gì.
Lần này sau khi nhiệm vụ đã hoàn thành, tôi được một số bạn bè ở Hà Nội đón tiếp, chiêu đãi rất nhiệt tình. Những người bạn tôi quen khi cùng sinh hoạt trên một trang mạng xã hội. Anh Yên Ba lúc đó công tác tại Báo Quân đội nhân dân đã chở tôi đi thưởng thức phở Hà Nội ở phố Hàng Đồng.
Phải nói rằng phở Hà Nội có mùi vị riêng rất đặc trưng, thịt bò mềm, nước phở ngọt thanh một cách tự nhiên. Quán nhỏ và hẹp, nhưng cả chủ và khách vào ra rất lịch sự. Xong, anh lại đưa tôi đến uống cà phê ở chân cột cờ Hà Nội. Thật ấm áp khi được ngồi tâm sự cùng anh bên ly cà phê, bên những tán cây đầy lá rụng dưới những làn gió mát lạnh.
Cột cờ bao gồm ba tầng sừng sững trông thật trang nghiêm trên mặt đường Điện Biên Phủ - đối diện công viên Lê-nin và cùng trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự, nó như một biểu tượng vươn cao của Thủ đô.
Ngày sau, anh Tuấn Anh đang làm việc cho một công ty Nhật Bản được tin tôi ra đã đến chở tôi đi tham quan một vài nơi trong thành phố. Hà Nội không như Sài Gòn náo nhiệt và sinh động, Hà Nội trầm lắng, chậm hơn; tuy nhiên không khó để nhận ra những năng lực tiềm ẩn đang chất chứa ở bên trong mỗi con người, mỗi cảnh vật nơi đây. Anh giới thiệu với tôi kem ly đặc sản rất ngon bên Hồ Hoàn Kiếm. Anh không quên chở tôi ghé thăm lăng Bác...
Cuối tuần, tôi được anh Nguyễn Tuấn ở tận một huyện cách xa Hà Nội hơn 10 cây số chở đi thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Thật quá ngỡ ngàng!
Đã xem và đã đọc bao nhiêu hình ảnh và bài viết về Văn Miếu, đến hôm nay tôi mới được tận mắt chứng kiến một di tích lịch sử của cha ông để lại cả hàng ngàn năm trước.
Cổng Văn Miếu quen thuộc hiện ra trước mắt. Cổng chính xây kiểu Tam quan, trên có 3 chữ "Văn Miếu Môn" kiểu chữ Hán cổ xưa. Văn Miếu có tường cao bao quanh xây bằng gạch. Bên trong cũng có những bức tường ngăn ra làm nhiều khu, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng qua lại nhau.
Từng nhóm bạn trẻ chậm rãi ra vào. Một thế giới thật trầm lắng, yên tĩnh không như nhiều điểm du lịch nhộn nhịp khác. Xung quanh cái hồ vuông ở giữa trung tâm, dăm bảy khách tham quan dừng lại chụp ảnh lưu niệm. Tôi tiến vào khu vực dựng các tấm bia tiến sĩ ở hai bên hồ. Mỗi bia được đặt trên lưng rùa đá. Hiện còn 82 tấm bia của các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779. Phải nói đây là những di vật quý giá nhất của Hà Nội và cũng của cả nước.
Đến gần những tấm bia khắc tên tuổi của những vị tổ sư tiền bối, tôi tưởng chừng như còn nghe như đâu đây thông điệp của tiền nhân truyền lại từ hơn 500 năm trước: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí...".
Chậm rãi bước ra khu nhà phía sau, đây là khu nhà Thái học. Thời nhà Nguyễn, trường Quốc Tử Giám dời vào Huế, nhà Thái học được đổi làm nhà Khải thánh, thờ thân phụ, thân mẫu của Khổng Tử.
Được biết, khu nhà này đã bị phá hủy trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chỉ mới được xây dựng lại năm 1999. Trong khu này có nhà Tiền đường - Hậu đường là nơi thờ các vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông và Thầy giáo Chu Văn An; một bậc thầy tiêu biểu của lịch sử dân tộc
Có thể nói Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là trường đại học đầu tiên của nước ta mà còn như một ngọn nến luôn rực cháy, thắp sáng truyền thống hiếu học của người Việt. Đến đây dường như ai cũng được tiếp thêm động lực từ những bảng vàng rực rỡ của ông cha, nạp vào nguồn năng lượng tràn đầy để vững tin trong hành trình nỗ lực học tập và khám phá tri thức nhân loại.
Anh Tuấn còn cho biết hiện Văn Miếu là nơi vẫn thường tổ chức hội thơ; là nơi khen tặng những học sinh thủ đô ưu tú, xuất sắc. Đồng thời, đây cũng là điểm hẹn "xin chữ" của người dân Thủ đô trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc với ước mong năm mới an lành; hoặc trong những kỳ thi quan trọng, các sĩ tử thường đến đây với ước mong đỗ đạt để ngày mai đem tài năng của mình ra phục vụ đất nước.
Vâng, đối với tôi, Hà Nội vẫn luôn là thành phố của niềm tin yêu và hy vọng!
Bài viết Thành phố của niềm tin và hy vọng dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận
Vui lòng nhập nội dung bình luận.