Làm chổi đót, người dân xứ này thu vài trăm triệu là chuyện thường

Trần Hậu - Đại Nghĩa Thứ năm, ngày 17/01/2019 19:10 PM (GMT+7)
Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, làng nghề vấn chổi đót Chiêm Sơn (Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn giữ được nguyên vẹn những nét đẹp truyền thống của làng quê xứ Quảng.
Bình luận 0

Ông Đoàn Toàn – Chủ tịch Hội ND xã Duy Trinh cho biết, làng nghề chổi đót Chiêm Sơn ở đây đã có từ hơn 100 năm nay, hiện có hơn 200 hộ thành viên, trong đó khoảng 20 hộ có quy mô sản xuất lớn, sử dụng từ 5 đến 20 lao động. Nhiều hộ nhờ sản xuất chổi đót mà đã vươn lên làm giàu.

Điển hình phải kể đến hộ ông Nguyễn Nhất Tuấn, Lưu Công Quý, Phạm Thị Dung… thu nhập của các hộ tiêu biểu trên từ 200-300 triệu đồng/hộ/năm.

img

img

Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, “làng nghề vấn chổi đót Chiêm Sơn” vẫn được lưu giữ và hát triển mạnh cho đến ngày hôm nay. Ảnh: Đ.N

Mỗi năm, làng nghề cung cấp cho thị trường hàng triệu sản phẩm chổi đót, riêng năm 2018 là trên 2,6 triệu sản phẩm các loại, với giá bán trung bình từ 20-28 nghìn đồng/cái, tổng doanh thu ước tính trên 50 tỷ đồng. Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam công bố quyết định công nhận “làng nghề vấn chổi đót Chiêm Sơn”.

Anh Nguyễn Nhất Tuấn - Chủ cơ sở sản xuất quấn chổi lớn nhất ở làng Chiêm Sơn, cho biết: Từ sản phẩm truyền thống đầu tiên là chổi bện mây và sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, cơ sở của tôi có 40 công nhân, với mức lương trung bình từ 4-6 triệu đồng/người/tháng, sản phẩm có nhiều mẫu mã như chổi bện mây truyền thống, chổi quấn dây thép, dây cước, cán thân đót, cán nhựa, chổi quét vôi…

Hiện nay, cơ sở của anh Tuấn đang tập trung nguyên vật liệu, sản xuất hàng để kịp phục vụ các hội chợ, bán ra tại nhiều điểm khác trong và ngoài tỉnh trong dịp cuối năm, chuẩn bị Tết Kỷ Hợi 2019 vì nhu cầu cuối năm thường tăng lên cao.

Còn ông Lưu Công Quý chia sẻ, gia đình tôi có mấy thế hệ làm chổi, sau này con cái lớn lên làm theo nghề truyền thống của quê hương, nhờ làm chổi đót mà đã giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định, nghề này người tuổi cao vẫn có thể làm được vì công việc nhẹ nhàng, không đòi hỏi dùng sức nhiều. Mỗi ngày, mỗi công nhân cũng kiếm được từ 120-150 ngàn đồng, có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.

“Nhờ ứng dụng tiến bộ  KHKT vào sản xuất mà năng xuất cũng như chất lượng chổi đót Chiêm Sơn đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Hiện địa phương tiếp tục duy trì và xây dựng thương hiệu làng nghề chổi đót Chiêm Sơn thành sản phẩm đặc trưng ở xứ Quảng...” - ông Đoàn Toàn - Chủ tịch Hội ND xã Duy Trinh cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem