Trồng tầm bóp khổng lồ bán trái đắt tiền, "sơn nữ" tỉnh Lâm Đồng thu tiền tỷ
Lâm Đồng: Xôn xao "sơn nữ" cất bằng kỹ sư về quê trồng những cây tầm bóp khổng lồ mà thu hàng tỷ đồng
Thứ sáu, ngày 02/07/2021 13:00 PM (GMT+7)
Tầm bóp, thứ quả dại xuất hiện nhiều tại bờ ruộng, triền dốc khắp các vùng thôn quê nước ta và gắn với tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt. Song, qua bàn tay “nhào nặn” của Bùi Thị Nga, Tầm bóp đã trở thành đặc sản mang lại doanh thu hàng tỷ đồng cho cô kỹ sư nông nghiệp vùng quê nghèo Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng).
Tầm bóp do Bùi Thị Nga trồng và chế biến đã trở thành đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng và đang có mặt tại khắp các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Big C, Bách hóa xanh, Lotte…
“Kết duyên” với cây dại
Khi tiết trời đang chuyển mình sang Xuân, chúng tôi tìm về vùng quê Đức Phổ (huyện Cát Tiên) gặp cô kỹ sư nông nghiệp 31 tuổi Bùi Thị Nga. Trong câu chuyện lập thân, lập nghiệp trên chính miền quê nghèo Cát Tiên, Nga kể với chúng tôi về “cái duyên” của mình với cây Tầm bóp.
Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Nông nghiệp Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Nga về công tác tại UBND huyện Cát Tiên.
Nhưng rồi, Nga tự nhận thấy công việc của mình không hợp với chuyên môn nên cô xin nghỉ và xin làm cộng tác viên cho một dự án nông nghiệp thuộc tổ chức phi chính phủ để tìm cơ hội khởi nghiệp cho riêng mình.
Năm 2015, Nga mở xưởng gia công các sản phẩm mây tre đan để “nuôi” ước mơ khởi nghiệp của bản thân. “Trong các năm từ 2015 đến 2019, xưởng gia công mây tre đan của mình luôn tạo công ăn việc làm lúc nhàn rỗi cho từ 150 - 200 lao động địa phương.
Thật ra, nghề này không mang về cho mình nhiều lợi nhuận, mà có khi còn chấp nhận lỗ đối với những sản phẩm tốn nhiều công, đòi hỏi sự tỉ mỉ. Nhưng đây là nghề nuôi sống để mình thực hiện giấc mơ khởi nghiệp đang dang dở” - Nga cho biết.
Nga nói vậy, bởi giấc mơ khởi nghiệp của cô không phải là mây tre đan, mà chính là cây Tầm bóp. Năm 2017, từ nguồn vốn tích góp được, Nga bắt tay vào triển khai dự án trồng cây Tầm bóp, với mong muốn đưa các sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.
Nói về quá trình “kết duyên” với Tầm bóp, Nga phân tích: “Hiện nay, cây Tầm bóp (tên khoa học là Physalis angulata) và trên thế giới đang có hơn 100 giống khác nhau. Tại Việt Nam, Tầm bóp vốn là cây dại mọc tại các bờ ruộng, hàng rào, triền dốc ở các vùng thôn quê.
Trong khi ở Việt Nam, Tầm bóp chỉ là cây dại thì ở nhiều nước trên thế giới loài cây này được các nhà khoa học nghiên cứu và chỉ ra nhiều hoạt chất có giá trị như Anthocyanin, Physalin A-D, F, Physagulin A-G. Đặc biệt, quả Tầm bóp còn lưu giữ các giá trị dinh dưỡng lớn, với hàm lượng chất xơ, chất đạm, chất béo, canxi, sắt, vitamin A, C… tốt cho sức khỏe con người”.
Là kỹ sư ngành Nông nghiệp, Nga nhận thấy những lợi ích mà Tầm bóp mang lại cho sức khỏe. Đó cũng là lý do Nga chọn Tầm bóp để tìm hiểu, nghiên cứu và nhận thấy trái cây này có tiềm năng lớn trong ngành thực phẩm và dược phẩm.
Tuy vậy, Nga cho rằng nhiều người có ý tưởng kinh doanh từ Tầm bóp nhưng theo hiểu biết của cô thì chưa thấy ai “làm tới”. Càng tìm hiểu, niềm tin thành công từ cây Tầm bóp trong Nga cứ lớn dần để cô đủ dũng khí chọn loài cây này làm hướng khởi nghiệp phát triển kinh tế cho riêng mình.
Thành công từ đam mê
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, đó chính là phương châm sống và làm việc giúp Nga đi đến thành công. Bằng niềm tin và sự đam mê, giờ đây sau 3 năm mệt mài nghiên cứu, học hỏi giúp dự án trồng Tầm bóp thương phẩm của Nga đã trở thành hiện thực.
Hiện, Nga đang liên kết với hàng chục hộ dân tại 2 huyện Đơn Dương và Lâm Hà trồng khoảng 15 ha Tầm bóp giống Physalis Peruviana có nguồn gốc từ Nam Mỹ theo hướng VietGAP. Nga cũng đã thành lập Công ty TNHH Ngọc Tiên Physa (đóng tại Thôn 5, xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên) để xây dựng thương hiệu sản phẩm của riêng mình.
“Sau bao năm tháng cố gắng và đối mặt với không ít gian truân, thử thách, cuối cùng từ tháng 4/2020, sản phẩm quả Tầm bóp tươi của mình cũng đã có mặt tại các kệ rau, củ, quả trong các hệ thống siêu thị tại TP Hồ Chí Minh như Co.opmart, Big C, Bách hóa xanh và Lotte.
Trung bình mỗi tháng, mình cung cấp cho các siêu thị khoảng 3 - 3,5 tấn quả Tầm bóp tươi. Ngoài ra, các sản phẩm nước cốt và mứt Tầm bóp cũng được mình hợp đồng cung cấp cho các nhà hàng, quán cà phê tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và TP Đà Lạt.
Hiện tại, mình đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng mở chi nhánh đưa quả Tầm bóp tươi cung cấp cho các siêu thị ở TP Hà Nội. Dự định, bước qua năm 2021, mình sẽ liên kết với bà con nông dân trồng khoảng 25 - 30 ha Tầm bóp để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của hệ thống các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác trong cả nước” - Nga chia sẻ.
Theo Bùi Thị Nga, năm 2020, các sản phẩm Tầm bóp mang lại cho cô nguồn doanh thu khoảng 2,5 - 3 tỷ đồng.
Trừ tất cả các chi phí, nguồn lợi nhuận là khoảng 1 tỷ đồng. Hiện, cô đang tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức thu nhập từ 6 - 7 triêu đồng/tháng và 20 - 25 lao động thời vụ, thu nhập từ 150 - 200 ngàn đồng/ngày công.
Với thành công bước đầu từ cây Tầm bóp, Nga không quên được những khó khăn mà theo cô “như sống chết với nó” suốt 4 năm.
Nga kể với tôi, dự định lúc đầu của cô là thuần dưỡng giống Tầm bóp dại của Việt Nam, nhưng rồi thất bại. “Lúc mới trồng, giống tầm bóp dại xanh tốt nhìn đã mắt vô cùng. Nhưng khi hy vọng vừa chớm nở, thì vụt tan ngay.
Khoảng 4 ha Tầm bóp dại của 10 hộ dân ở huyện Đơn Dương do tôi đầu tư toàn bộ vốn trồng bị chết sạch, xem như mất trắng. Sau cú ngã này, tôi mới tìm hiểu và chọn giống Tầm bóp Physalis Peruviana có nguồn gốc từ Nam Mỹ để trồng mới được như hôm nay” - Nga tâm sự.
Song, khó khăn lớn nhất mà Nga phải đương đầu đó chính là tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm quả Tầm bóp. “Khi chúng tôi tìm đến các chợ để chào hàng, bán thì ít nhưng cho thì nhiều.
Vì một phần, người tiêu dùng chưa biết đến quả Tầm bóp và mặt khác giá cả hơi đắt. Tuy người mua ít, nhưng chúng tôi thà biếu họ làm quà, còn không bán rẻ.
Cứ thế, gần cả năm trời, chúng tôi mang quả Tầm bóp đi cho. Cuối cùng, tôi quyết định mang quả Tầm bóp đến các siêu thị làm hợp đồng xin gửi. Ai ngờ từ ngày gửi bán tại các siêu thị đến nay, sản phẩm làm ra không đủ để cung cấp cho nhu cầu của người tiêu dùng. Đây có lẽ là cơ duyên!” - Nga cười sảng khoái khi trò chuyện với tôi.
Nói về những dự định của mình sẽ trao gửi cho Tầm bóp, Nga bộc bạch: “Hiện tại, toàn bộ lợi nhuận thu được, mình đang dùng để tái đầu tư vào cây Tầm bóp.
Mình mong muốn đầu tư được một khu nhà xưởng đàng hoàng để mở rộng quy mô sản xuất và chế biến. Nhưng tính sơ, mặt bằng đã có sẵn rồi cũng mất ngót 10 tỷ đồng mới xây dựng được khu nhà xưởng, mua sắm máy móc, trang thiết bị để sản xuất, chế biến. Thật sự mình đang rất cần nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện dự định, ước mơ còn dang dở nên cần phải vững tin và cố gắng nhiều”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Anh - Bí thư Huyện đoàn Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), chia sẻ: “Nga là một trong những người trẻ ở địa phương luôn có tinh thần cố gắng, không ngừng học hỏi và phấn đấu cho niềm đam mê của mình...".
"Với việc đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị bằng sản phẩm sạch, cho thấy hướng đi mà Nga chọn thật đáng khâm phục. Với những gì mình đã làm và đang có, Nga đang tạo cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ tại địa phương thoát khỏi nghề nông và làm chủ bản thân. Tất cả đã được chứng minh khi Nga là 1 trong 56 thanh niên tiêu biểu của cả nước vinh dự được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2020”, chị Nguyễn Thị Hồng Anh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.