Lắng nghe người dân - việc cần làm!

Lê Chiên, Minh Quang (tổng hợp) Thứ năm, ngày 19/03/2015 09:00 AM (GMT+7)
Bên lề cuộc giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội ngày 17.3, trước thắc mắc của phóng viên về việc nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội chặt hạ, thay thế số lượng lớn cây xanh cần hỏi ý kiến dân, ông Phan Đăng Long - Phó Trưởng ban Tuyên giáo nói: "Không phải hỏi gì cả. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền. Một cái cây chặt đi cũng phải hỏi dân trong khi còn rất nhiều việc khác". Xung quanh vấn đề này, NTNN nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.
Bình luận 0

Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là lấy dân làm gốc. Bởi vậy những quyết sách liên quan đến đời sống dân sinh cần phải lắng nghe ý kiến của dân. Việc lắng nghe ý kiến của dân sẽ có được thông tin nhiều chiều. Từ đó đưa ra được quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, tâm lý của các nhà quản lý lại muốn tự quyết để giải quyết công việc được nhanh, nên nhiều khi có những quyết định chưa hợp lòng dân. Theo tôi, đồng chí Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cần phải suy nghĩ lại lời nói của mình.

Vũ Mão (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội)

img
Chặt hạ những cây xà cừ cổ thụ trên đường Bưởi (Hà Nội). (I.T)

Nguy hiểm lớn nhất của bộ máy nhà nước là sự lạm quyền. Lạm quyền sẽ gây nên phản ứng và mất lòng tin của nhân dân. Muốn kiểm soát được sự lạm quyền, cần phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, trong đó theo tôi cần phải sớm hoàn thiện Luật Trưng cầu dân ý để quy định rõ việc gì phải hỏi ý kiến dân, cách tổ chức cũng như phạm vi lấy ý kiến…Có như vậy mới tránh được sự lạm quyền.

Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Không phải bất cứ việc gì chính quyền cũng phải hỏi dân. Nhưng những vấn đề lớn, ảnh hưởng đến đời sống xã hội nhất thiết phải hỏi dân. Nếu không hỏi được tất cả người dân thì phải tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân để hỏi. Việc đốn hạ cây xanh ở Hà Nội là chuyện lớn, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan Thủ đô mà không hỏi ý kiến dân là không hợp lý. Điều đó thể hiện rất rõ khi ông Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội trả lời báo chí về việc Hà Nội chặt hạ, thay thế số lượng lớn cây xanh. Cần phải ngăn chặn tư duy này.

Trần Đăng Tuynh (Hưng Hà, Thái Bình)

Phát ngôn của ông Long gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Nó đi ngược lại truyền thống bao đời của dân tộc ta là phải “Lấy dân làm gốc”. Chính quyền của chúng ta luôn đề cao vai trò của dân và vì nhân dân phục vụ. Chính mọi mặt đời sống của dân là tấm gương phản chiếu lại sự lãnh đạo đúng sai của chính quyền. Vì thế, ý kiến của người dân là vô cùng quan trọng trong công tác lãnh đạo. Phát ngôn của ông Long theo tôi là thiếu chín chắn của một người lãnh đạo, mang tính cửa quyền, đi ngược lại quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước trong vấn đề dân chủ…

Hoàng Công Tiến (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội).

Những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh mà không hỏi ý kiến dân là biểu hiện của việc, coi thường dân. Hiến pháp đã quy định: Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ. Anh tự quyết, không hỏi dân, làm xong dân mới biết thì hỏi rằng dân làm chủ cái gì? Dân giám sát cái gì? Vậy việc lấy ý dân, để quyết định cho phù hợp với lòng dân phải là tư tưởng chủ đạo trong điều hành của chính quyền. Nói như ông Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội là không ổn.

Đặng Đức Năng (Quảng Hà, Quảng Ninh)

Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Bởi vậy làm bất cứ việc gì thì mục đích tối thượng cũng phải vì lợi ích của dân. Anh không hỏi dân mà cứ làm thì điều đó chưa chắc đã đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của dân. Do đó trước khi quyết định một việc gì chính quyền nên hỏi ý kiến dân là tốt nhất. Nếu không hỏi được trực tiếp thì thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Đối với những vấn đề mà phạm vi ảnh hưởng không lớn, chỉ liên quan đến một địa phương thì hỏi ý kiến ở tổ dân phố, cụm dân cư.

Nguyễn Xuân Trường (Mường La, Sơn La)

Chưa đáng phải hỏi dân

Ngày 18.3, ông Phan Đăng Long đã trao đổi với phóng viên báo điện tử Dân Việt của Báo NTNN để nói rõ hơn quan điểm của mình, tránh hiểu nhầm từ người dân.  Ông Long cho rằng, những việc cần phải xin ý kiến người dân thì đã có quy định cụ thể. Ví dụ như khi soạn thảo Hiến pháp, chính quyền phải xin ý kiến nhân dân để nhân dân góp ý. “Thay thế cây xanh đúng chủng loại đô thị, không đảm bảo tiêu chuẩn, ảnh hưởng mỹ quan đô thị chưa đáng phải trưng cầu ý kiến dân” - ông Long nói.

Cùng ngày, tin cho biết, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo rà soát việc cải tạo, thay thế 6.700 cây xanh trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội còn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền các địa phương, báo chí để thông tin công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong  triển khai  đề án này.

Dương Tùng - Long Nguyên
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem