Đồng Nai: Lao động cần làm gì khi chủ doanh nghiệp "quên" đóng bảo hiểm?

Nha Mẫn Thứ năm, ngày 15/12/2022 07:31 AM (GMT+7)
Nhiều chủ doanh nghiệp "quên" đóng bảo hiểm cho người lao động, do đó khi chủ doanh nghiệp biến mất, người lao động chỉ biết tìm đến bảo hiểm xã hội và liên đoàn lao động để "cầu cứu".
Bình luận 0

Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Giai đoạn cuối năm, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 229,4 tỷ đồng. 

Đồng Nai: Doanh nghiệp nợ bảo hiểm, người lao động chịu thiệt - Ảnh 1.

Công nhân chịu thiệt thòi khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm. Ảnh: Tuệ Mẫn

Gần đây nhất tại Đồng Nai vừa xảy ra một vụ việc khá hi hữu. Đó là nhiều lao động của Công ty TNHH May mặc M.G. (đóng tại TP.Biên Hòa) bất ngờ bị mất việc do doanh nghiệp đóng cửa, chủ doanh nghiệp biến mất. 

Công nhân nhiều lần liên lạc nhưng chủ doanh nghiệp vẫn bặt vô âm tín nên chỉ biết cầu cứu cơ quan chức năng nhờ hỗ trợ. 

Các công nhân cho biết, công ty này còn nợ 2,5 tháng lương (lương tháng 8 và tháng 11, 1/2 lương tháng 10); nợ 2 tháng bảo hiểm xã hội (tháng 10 và tháng 11).

Chị N.T.L. công nhân công ty M.G. cho biết, lương công nhân không cao, doanh nghiệp nợ lương nhiều tháng giờ chủ mất tích mới biết nợ cả BHXH nên ai cũng như ngồi trên đống lửa. Chỉ mong địa phương có phương án hỗ trợ công nhân đòi lại quyền lợi. 

Công nhân cho hay, bản thân họ đều không biết mình bị nợ bảo hiểm xã hội cho đến khi mất việc hoặc nghỉ việc để chuyển sang đơn vị mới. Thời điểm này, công nhân mang giấy tờ đến cơ quan bảo hiểm để làm thủ tục thì mới phát hiện doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm.

Sau đó, để đòi lại quyền lợi, cán bộ bảo hiểm sẽ hướng dẫn công nhân làm giấy tờ, hồ sơ, thủ tục để có thể xử lý các vấn đề trên. Mọi quyền lợi của người lao động được hưởng từ thời gian nào, ra sao sẽ được cán bộ tại BHXH tư vấn, giải thích cụ thể. 

Đồng Nai: Lao động cần làm gì khi chủ doanh nghiệp "quên" đóng bảo hiểm? - Ảnh 2.

Nhiều lao động tại Công ty M.G. đến cầu cứu Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn. Ảnh: Tuệ Mẫn

"Thực tế, tất cả những vấn đề này đều có quy định pháp luật nên khi chúng tôi lên làm hồ sơ, cán bộ sẽ hướng dẫn cụ thể. Trường hợp bị doanh nghiệp nợ BHXH thì thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp... sẽ rườm rà hơn. Đồng thời phải đi lên đi xuống cơ quan bảo hiểm nhiều lần để bổ sung hồ sơ liên quan... nên mất thời gian, tốn tiền bạc", chị H.M.T. công nhân công ty M.G. nói. 

Theo cán bộ bảo hiểm, riêng bảo hiểm y tế được đóng theo đợt và phát thẻ công nhân tự cầm sử dụng nên cơ bản không ảnh hưởng. Đặc biệt do bảo hiểm y tế tiền đóng ít, và mỗi đợt cách nhau thời gian dài nên đa số các doanh nghiệp đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này cho người lao động. 

Đồng Nai: Doanh nghiệp nợ bảo hiểm, người lao động chịu thiệt - Ảnh 2.

Dịp cận tết, nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động. Ảnh: Tuệ Mẫn

Còn luật sư của Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai) cho biết về các vấn đề liên quan đến bảo hiểm của người lao động trong trường hợp chủ doanh nghiệp "mất tích", công nhân phát hiện bị nợ bảo hiểm thì người lao động được quyền nộp đơn mở thủ tục phá sản (sau 3 tháng từ ngày doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ trả lương). 

Vì vậy, khi gặp các trường hợp này, người lao động cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan BHXH nơi doanh nghiệp đăng ký đóng BHXH để cán bộ chuyên môn hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để chốt sổ và tiến hành làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Khi nói về vấn đề không hoàn thành nghĩa vụ bảo hiểm, đa số các doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân chậm đóng, nợ bảo hiểm là do nhiều tháng qua doanh nghiệp gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng nên hoạt động kinh doanh không thuận lợi. 

Do đó kinh phí không đủ để trang trải các khoản thu chi nên dùng phương án nợ bảo hiểm để hạn chế phần nào các khoản chi phát sinh. 

Tìm cách xử lý tình trạng nợ bảo hiểm

Về vấn đề này, ông Phạm Long Sơn, Phó giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết, trước tình trạng doanh nghiệp, đơn vị nợ bảo hiểm dây dưa, kéo dài, BHXH tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để thu hồi nợ. 

Ngoài việc đôn đốc các đơn vị đóng tiền bảo hiểm hằng tháng đúng kỳ hạn, BHXH tỉnh cũng thành lập đoàn thanh, kiểm tra các doanh nghiệp nợ, bao gồm thanh tra chuyên ngành và thanh tra đột xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp đang nợ BHXH khó đòi để kịp thời báo cáo UBND tỉnh phối hợp với Công an tỉnh hạn chế xuất cảnh nhằm tránh tình trạng chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn.

Đồng Nai: Doanh nghiệp nợ bảo hiểm, người lao động chịu thiệt - Ảnh 3.

BHXH tỉnh Đồng Nai làm việc với Công an tỉnh Đồng Nai về tình hình doanh nghiệp nợ BHXH. Ảnh: H.Dung

Trong tháng 11 vừa qua, Sở LĐ-TBXH tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với BHXH tỉnh tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về các loại bảo hiểm tại 8 doanh nghiệp, đưa ra kiến nghị, yêu cầu đối với các doanh nghiệp. 


Sau đó có 6 doanh nghiệp đã khắc phục nợ. Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, BHXH, Sở LĐ-TBXH tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo BHXH tỉnh tiếp tục rà soát, thống kê các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài để phối hợp với các sở, ngành có liên quan kịp thời xử lý theo quy định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem