Lao động đi xuất khẩu dễ “sập bẫy” vì thiếu thông tin

Nguyệt Tạ Thứ bảy, ngày 05/10/2019 05:17 AM (GMT+7)
Hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang đối diện với nhiều thách thức cả chủ quan và khách quan. Điều này được cho là do lao động của Việt Nam còn thiếu thông tin về pháp luật lao động, cơ hội việc làm.
Bình luận 0

“Tiền mất, tật mang”

Tại hội nghị truyền thông về XKLĐ ngày 4/10, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, tỷ lệ lao động đi làm việc ở nước ngoài năm sau cao hơn năm trước. Ước tính hiện có khoảng 580.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với khoảng 30 ngành nghề khác nhau từ đơn giản đến kỹ thuật cao.

img

Lao động chuẩn bị thủ tục dự thi kỳ thi tiếng Hàn. Ảnh: P.V

"Năm 2018 tiếp tục là năm thành công trong lĩnh vực XKLĐ của Việt Nam, bởi tỷ lệ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt 30% so với kế hoạch. Đây cũng là năm thứ 5 chúng ta liên tục vượt mức kế hoạch XKLĐ, vượt ngưỡng trên 100.000 lao động đi nước ngoài”. 

Ông Nguyễn Gia Liêm -
Phó cục trưởng, Cục quản lý
lao động ngoài nước
(Bộ LĐTBXH)

Tuy nhiên, hoạt động XKLĐ cũng tồn tại không ít vấn đề. Theo báo cáo của 10 tỉnh thành phố gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước, tỷ lệ lao động có tay nghề khoảng 20-30%, chủ yếu lao động làm các công việc đơn giản, phổ thông ở các thị trường có thu nhập thấp. Đặc biệt, 70-80% người lao động không được tuyển dụng trực tiếp mà phải thông qua môi giới.

Lý giải điều này, TS Nguyễn Lê Minh - chuyên gia việc làm cho rằng, nguyên nhân trực tiếp do người lao động không nắm bắt được thông tin dẫn tới nghe “cò mồi”. Khá nhiều lao động đã bị “công ty ma” lừa đảo, tiền mất mà vẫn không đi làm việc được ở nước ngoài.

Ông Minh nêu câu chuyện thực tế ở Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Xã Cương Gián mỗi năm thu về tới hơn 40 tỷ tiền ngoại hối, người dân đã giàu lên trông thấy nhờ XKLĐ. Mặc dù, tỷ lệ lao động đi làm việc cao, thu nhập tốt, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình và địa phương nhưng thực tế vấn đề XKLĐ cũng mang lại những hậu quả xấu về vấn đề xã hội. Ví dụ như, tình trạng lao động bị lừa đảo, thu phí quá cao dẫn tới bỏ trốn làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài để kiếm thêm thu nhập, tình trạng lao động ly hôn, gia đình ly tán… “Tất cả những vấn đề này đều bắt nguồn từ việc thiếu thông tin, dẫn tới sự chưa thấu hiểu chính sách khiến lao động vi phạm pháp luật trong nước và nước ngoài. Đây cũng là rào cản khiến lao động chưa phát huy được thế mạnh của bản thân làm ảnh hưởng tới quốc gia” - ông Minh nói. 

Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, hiện 10% tổng số lao động được giải quyết việc làm mới của Việt Nam là nhờ đi XKLĐ. Lao động đi XKLĐ còn tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng để về nước phát triển kinh tế. Một số lao động về nước tham gia sản xuất, xuất khẩu sản phẩm phát triển kinh tế địa phương. Không chỉ vậy, lao động đi XKLĐ về nước còn mang lại những kinh nghiệm, truyền tải những tiến bộ về văn hóa để xây dựng quê hương đất nước. Bà Hà cho rằng, chính bởi hạn chế trong việc truyền thông XKLĐ nên xuất hiện thực tế, lao động thiếu thông tin, doanh nghiệp – lao động không kết nối được. Người lao động có nguy cơ bị “doanh nghiệp ma” lừa đảo.

Lao động hạn chế kỹ năng, ngoại ngữ

Trong khi Việt Nam đang tìm đủ giải pháp để mở rộng thị trường XKLĐ, thúc đẩy XKLĐ với thị trường truyền thống thì bản thân nguồn lực lao động của Việt Nam lại chưa đáp ứng được nhu cầu lao động trong điều kiện hội nhập.

Ông Nguyễn Cảnh Toàn - chuyên gia lao động cho rằng cái yếu nhất của lao động Việt Nam chính là thiếu, yếu ngoại ngữ. Theo điều tra, tỷ lệ lao động Việt Nam có điểm trung bình IELTS là 5,78 điểm thuộc mức trung bình thấp, đứng sau Maylaysia (6,64 điểm), Philippines (6,53 điểm).

“Chính bởi những hạn chế này mà lao động Việt Nam khi đi làm việc tại các quốc gia khác chưa phát huy hết được thế mạnh. Một bộ phận lớn lao động không có sự hội nhập, không hiểu biết văn hóa bản địa nơi làm việc dẫn tới sống co cụm thành từng nhóm”- ông Toàn nói.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp Hội XKLĐ chia sẻ,  thực tế qua nhiều lần tham gia quản lý, đàm phán cho thấy hạn chế lớn lao động Việt Nam đó chính là hạn chế tay nghề, trình độ ngoại ngữ: “Đa phần lao động đi làm việc đều có nghề nhưng lại không phát huy được hết kỹ năng tay nghề do thiếu ngoại ngữ” - ông Quỳnh nói.

Trước những thách thức trên, theo ông Lê Nhật Tân - Phó Tổng Giám đốc Công ty LOD (Đơn vị dẫn đầu về XKLĐ) cho biết, công ty đang nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn lao động trước khi đưa đi làm việc. Ngoài việc đào tạo tiếng, lao động bắt buộc phải tham gia các lớp đào tạo về pháp luật trong nước và nước sở tại. Song song với đó, họ phải thực hiện các cam kết về nghĩa vụ tài chính và pháp luật. “Nhờ có những đầu tư tốt về nhân lực mà đối tác đánh giá cao nhân lực của công ty nói riêng và lao động Việt Nam nói chung. Hoạt động cung ứng lao động của công ty cũng đạt được nhiều thuận lợi” – ông Tân nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem