Lập quỹ mua nợ xấu để cứu doanh nghiệp

Thứ hai, ngày 09/04/2012 07:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhiều lần lên tiếng thúc giục các cơ quan quản lý cần “nhanh chân” hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bình luận 0

Theo ông, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ở vào giai đoạn khó khăn nhất kể từ những năm đổi mới đến nay.

Bộ Tài chính đang nghiên cứu, đề xuất phương án dãn thuế thu nhập cá nhân để trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về thuế thu nhập doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Ông đánh giá gì về những giải pháp này?

- Từ khi Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11, người dân và doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động nhiều nhất. Tất nhiên, các doanh nghiệp gặp khó, trong đó có những thiếu sót do bản thân doanh nghiệp kinh doanh không có chiến lược, không có cơ sở tài chính, đầu tư không đúng…

img
Nhiều doanh nghiệp đang đợi chờ các giải pháp cứu trợ của Nhà nước.

Tuy nhiên cũng có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả nhưng nay đang gặp khó khăn do sức mua giảm, tồn kho gặp nhiều khó khăn và không ký kết được hợp đồng xuất khẩu. Đối với những doanh nghiệp như vậy thì nên có sự phân định lại và xem xét mức độ khó khăn, đi đôi với việc siết giảm chi tiêu công, tín dụng, đồng thời nên dãn, giảm thu các loại thuế, phí và quản lý giá để doanh nghiệp có điều kiện vượt qua khó khăn.

Để có đề xuất sát tình hình, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để điều tra kỹ tình trạng khó khăn của doanh nghiệp. Vậy theo nhận xét của ông, cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn tới mức nào? Liệu con số hơn 12.000 doanh nghiệp đóng cửa trong 3 tháng đầu năm có thực sự đáng lo ngại?

- Theo tôi, năm 2012 là năm khó khăn nhất đối với doanh nghiệp, bởi vì ngoài việc giá đầu vào tăng thì đầu ra lại không tăng, thêm vào đó sức mua giảm mạnh. Tình hình này làm cho các doanh nghiệp đã gặp khó khăn trước đây giờ càng khó khăn hơn nữa. Nhiều người đã cho rằng, năm 2011 nếu các doanh nghiệp “ốm” thì năm 2012 này các doanh nghiệp sẽ phải “báo tử”.

Tôi cho rằng trong năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó khăn nhất kể từ những năm đổi mới đến nay, khiến số doanh nghiệp đăng ký phá sản và ngừng hoạt động cũng lớn nhất.

Nhiều chuyên gia cho rằng trong tình trạng khó khăn của doanh nghiệp hiện nay do tác động của mục tiêu kiềm chế lạm phát nên việc dãn thuế thôi là chưa đủ, bởi phần thuế phải đóng thực tế vẫn bị kéo sang năm khác. Do đó, nên giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp. Ông có đồng tình với quan điểm này?

- Tôi đã kiến nghị lên Thủ tướng nhiều vấn đề, đặc biệt cần phải xem xét hoãn, dãn thuế để trước mắt tạo động lực cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Nếu cứ để doanh nghiệp tiếp tục phá sản, sẽ gây nhiều hệ lụy như lao động thất nghiệp, trộm cắp, tệ nạn xã hội... vô cùng nguy hiểm. Đi đôi với việc siết giảm chi tiêu công, tín dụng, đồng thời nên giảm thu các loại thuế, phí và quản lý giá để doanh nghiệp có điều kiện vượt qua khó khăn.

Chẳng hạn, Chính phủ nên xem xét việc giảm các mức thuế như ở TP.HCM đã đề nghị, đó là nghiên cứu áp dụng trong năm 2012 giảm 100% tiền thuê đất cho doanh nghiệp sản xuất và 50% cho doanh nghiệp ngành thương mại – dịch vụ (năm 2011, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất cho doanh nghiệp sản xuất).

Nguy cơ đình đốn sản xuất và dấu hiệu thiểu phát đang lớn dần. Trong khi các cơ quan tham mưu không có đề xuất gì như chính sách giảm thuế để bồi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ông có nhận xét gì về thực tế này?

- Tôi cho rằng, Chính phủ đang bắt đầu triển khai các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, quá trình này cũng nên cần được thực hiện “nhanh chân” hơn. Vì doanh nghiệp hiện như “nhà đang cháy”, chính vì vậy họ rất mong có đội cứu hỏa đến giúp đỡ họ.

Liệu khả năng thiểu phát của Việt?Nam có trở thành hiện thực như một số chuyên gia nhận định cách đây chưa lâu hay không?

- Tăng trưởng trì trệ và lạm phát khiến cho doanh nghiệp bị tồn kho nhiều hàng hóa. Rồi họ lại phải đi vay ngân hàng để “nuôi” lượng hàng tồn kho đó, vì vậy càng khó khăn hơn. Có lẽ phần nào ý thức được khó khăn nên gần đây Chính phủ đã có chủ trương xây dựng đường sá bằng bê tông để tiêu thụ bớt số xi măng và sắt thép mà các doanh nghiệp sản xuất ra để hàng tồn kho giảm đi. Tôi cho rằng việc xem xét như vậy nên áp dụng với một số sản phẩm khác nữa.

Vậy, với kinh nghiệm của ông thì cần phải có những giải pháp gì cụ thể để có thể giúp sức cho doanh nghiệp vượt qua tình trạng khó khăn hiện nay?

- Cùng với phương án dãn thuế như hiện nay, Chính phủ cần sớm lập quỹ để mua lại các khoản nợ xấu cho các doanh nghiệp trong khoảng từ 2 đến 3 năm, vì nếu có nhiều nợ quá thì ngân hàng sẽ không cho vay. Trên cơ sở đó có thể doanh nghiệp sẽ hồi phục được, rồi lúc đó Chính phủ có cơ sở để hoãn nợ, dãn nợ. Bởi nếu không, việc hoãn nợ, dãn nợ cũng chỉ là hình thức. Đây là kinh nghiệm của một số nước, họ cũng có những biện pháp như vậy nhằm cứu các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế chung gặp nhiều khó khăn. Những việc làm như vậy rất đáng xem xét và cân nhắc trong tình hình hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem