Lễ hội cúng mường Then của người Thái trắng ở Lai Châu, đồ cúng có bạc trắng, lại có cả điếu cày

Tuấn Hùng Thứ năm, ngày 06/07/2023 11:07 AM (GMT+7)
Từ lâu, Then Kin Pang là lễ hội không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Thái trắng ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Trong đó, nghi lễ cúng Then được người Thái ở Phong Thổ tổ chức trang trọng với những lễ vật như đồng bạc trắng, khăn vải, lá trầu, trứng gà sống, gạo, điếu cày...
Bình luận 0

Clip: Lễ hội Then Kin Pang của người Thái trắng ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Then Kin Pang là lễ hội độc đáo kết hợp hài hòa giữa âm nhạc, múa và diễn xướng...

Then Kin Pang của người Thái trắng dâng tín vật lên mường Then

Theo quan niệm của người Thái trắng ở huyện Phong Thổ, Then có nghĩa là tiên, là người trời. Kin có nghĩa là ăn, là ăn mừng và Pang là lễ. Then Kin Pang là lễ dâng cúng tín vật của những người con nuôi lên mường Trời, do một ông Then trong bản tổ chức.

Thủa xưa, cứ 2 năm một lần, khi cây cối đâm chồi nảy lộc và khi hoa mạ, hoa ban nở rộ bên những cánh đồng, bà con khắp các bản làng lại cùng nhau tổ chức Lễ hội Then Kin Pang để cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên vật thịnh, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh, gia đình ấm no, bản mường hạnh phúc.

Trong cộng đồng người Thái trắng, Then là một người có khả năng giao tiếp với thế giới tâm linh, để cầu xin những năng lực siêu nhiên chữa bệnh cho dân làng. Mỗi người dân, khi được Then chữa khỏi bệnh thì sẽ được nhận làm "tục liêng" có nghĩa là con nuôi của Then.

Về huyện biên giới ở Lai Châu xem Then Kin Pang, lễ hội cúng mường Then của người Thái trắng - Ảnh 2.

Then Kin Pang là lễ hội không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Thái trắng ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Tuấn Hùng

Then không chỉ là một người thầy đáng kính mà còn là một nghệ nhân dân gian, giàu kiến thức văn hoá, có khả năng sáng tạo và truyền tải tri thức tới toàn thể cộng đồng.

Bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, Lai Châu cho hay: Trước ngày diễn ra lễ hội, người dân sẽ mang những vật phẩm đến nhà Then như lương thực thực phẩm, cây pang (cây vạn vật) được người dân khéo léo tỉ mỉ làm những hình tượng trưng từ giấy gồm hình các con vật, hoa, trống, chiêng, quả còn…

Trong nghi lễ Then Kin Pang, cây pang là trung tâm của lễ cúng. Cây Pang được lựa chọn tỉ mỉ, gốc cây dựng 6 khúc thân chuối tượng trưng cho đàn trâu; được quét nước vôi vào thân và cành, mang hàm ý giữ hồn những người tham gia lễ cúng, không bị ham vui mà lên cõi Then chơi để quên lối về.

Mâm lễ cúng Then có những lễ vật không thể thiếu như đồng bạc trắng, khăn vải, lá trầu, trứng gà sống, gạo, điếu cày, và chùm chuông tượng trưng cho chuông ngựa… cùng những nhạc cụ truyền thống, như đàn tính, nhạc xóc, trống, chiêng.

Về huyện biên giới ở Lai Châu xem Then Kin Pang, lễ hội cúng mường Then của người Thái trắng - Ảnh 3.

Theo quan niệm trong cộng đồng người Thái trắng, Then là một người có khả năng giao tiếp với thế giới tâm linh, để cầu xin những năng lực siêu nhiên chữa bệnh cho dân làng. Ảnh: Tuấn Hùng

Sáng sớm ngày mở lễ, ông Then cũng chính là chủ lễ sẽ bày một mâm lễ chung đại diện cho cộng đồng đặt bên trái bàn thờ Then. Sau đó những người con nuôi của Then đến dâng lễ tạ ơn. Chủ lễ sẽ thực hiện nghi lễ nhập đồng để dẫn nhập hồn Then, trình lý do mở lễ.

Trong suốt quá trình hành lễ, người làm Then sẽ đàn, hát theo các điệu then cổ như: Hát mạng, hát then, hát xao xên. Lời hát trong Then Kin Pang được truyền miệng qua nhiều thế hệ, nội dung chứa đựng những điều tốt đẹp của cuộc sống. Đây có thể coi là một bản trường ca mang đậm chất sử thi và giàu sắc huyền thoại.

Lễ hội Then Kin Pang của người Thái trắng thể hiện ước vọng với thần linh

Bà Mào Thị Chỏn - người có uy tín ở Bản Khổng Lào, xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ, Lai Châu chia sẻ: Đối với người Thái Phong Thổ, Then Kin Pang là một trong những lễ hội lớn nhất, có ý nghĩa rất quan trọng thể hiện ước vọng của con người với các vị thần linh.

Lễ hội Then Kin Pang của chúng tôi không chỉ là một nghi thức linh thiêng mà còn là hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp gồm cả thơ ca, nhạc họa, trang trí có sức hấp dẫn đặc biệt, thu hút sự tham gia của toàn thể người dân trong bản. Bà con tới lễ hội để nghe Then, xem Then với tất cả niềm say mê và thành kính.

Về huyện biên giới ở Lai Châu xem Then Kin Pang, lễ hội cúng mường Then của người Thái trắng - Ảnh 4.

Then Kin Pang là lễ hội độc đáo kết hợp hài hòa giữa âm nhạc, múa và diễn xướng... Ảnh: Tuấn Hùng

Sau khi nghi lễ cúng then đã hoàn tất, những người tham gia lễ hội sẽ cùng nhau mở hội tưng bừng. Họ cùng nhau nối vòng xòe bên đống lửa, vui chơi, thi các trò chơi dân gian như: Tung còn, bắn nỏ, chơi én cáy, đi cà kheo, thi bắt cá suối và họ lại cùng nhau hòa trong tiếng nhạc, nối những vòng xòe bên đống lửa, cùng nhau nhảy múa hát những bài hát mang tính chất vui vẻ hạnh phúc…

Sau lễ hội, họ sẽ kéo nhau ra đường, ra bờ suối để cùng té nước vào nhau, người ướt càng nhiều thì càng khỏe mạnh và hạnh phúc. Lễ hội Then Kin Pang của người Thái ở Phong Thổ vừa mang ý nghĩa tạ ơn và ăn mừng những điều tốt đẹp đã đến với bản mường trong một năm, đồng thời mong cho một năm mới phồn vinh và hạnh phúc.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, Lai Châu cho biết: Lễ hội Then Kin Pang cũng giống như xòe Thái, hiện đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của người Thái, sự hưởng ứng của đồng bào đã góp phần gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền của người Thái ở Lai Châu.

Về huyện biên giới ở Lai Châu xem Then Kin Pang, lễ hội cúng mường Then của người Thái trắng - Ảnh 5.

Điểm mới trong những năm gần đây tại lễ hội Then Kin Pang là vòng xòe đại đoàn kết. Ảnh: Tuấn Hùng

Then Kin Pang đã được đồng bào Thái trắng ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu bảo tồn qua nhiều thế hệ. Hoạt động tín ngưỡng này đã nuôi dưỡng và duy trì tri thức dân gian cùng các tín ngưỡng tâm linh cổ của cộng đồng người Thái.

Lễ hội cũng là dịp để nhân dân các dân tộc huyện Phong Thổ nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung, cùng hội tụ giao lưu văn hóa, tăng thêm sự hiểu biết, tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa văn nghệ, kết hợp với quảng bá nét đẹp dân tộc Thái tới đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Đây là hoạt động có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống với cuộc sống hiện đại; góp phần gia tăng lòng tự tôn dân tộc, tính đoàn kết cộng đồng, làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân; đóng góp những giá trị tốt đẹp vào sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem