Lễ hội Đại phan trước nguy cơ mai một

Đông Xuyên Thứ năm, ngày 24/07/2014 12:58 PM (GMT+7)
Sau gần 60 năm bị mai một, Đại phan - một trong những lễ hội đặc sắc nhất của dân tộc Sán Dìu đã được khôi phục lại ở xã Bình Dân, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) năm 2008. Tuy nhiên, lễ hội này vẫn đang đứng trước nguy cơ bị mai một vì thiếu kinh phí…
Bình luận 0

Lễ hội nhiều màu sắc

Thầy cúng Điệp Văn Seo ở xã Bình Dân cho biết, khi còn nhỏ ông vẫn được chứng kiến những lễ hội Đại phan đầy màu sắc của dân tộc mình. Lễ Đại phan nguyên bản diễn ra trong 5 ngày 4 đêm vào thời điểm đông chí. Đại phan là đại lễ cúng chúng sinh và cầu an cho cả làng. Vào ngày này, bất cứ khách nào tới đều là khách quý, được mời cơm rượu thịt, cho ngủ trọ xem lễ. Đại phan là nghi lễ rửa tội không chỉ cho vong nhân, mà cho chính những người còn sống nên mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Lễ Đại Phan truyền thống sẽ lần lượt trải qua các bước: Rước Thành hoàng từ trung tâm lễ hội đến bãi biển rồi quay lại; dựng cây phan (cây nêu); hát soọng cô; chém súc hiến tế (chém lợn, chém bò); leo gươm và đi trên than hồng; nghi thức cấp sớ điệp sắc phong cho thầy cúng…

Trong lễ hội này, nét đặc sắc nhất có lẽ là lễ leo dao, còn gọi là lễ leo gươm. Các thầy cúng chuẩn bị 2 cây dao mô phỏng hình bông lúa, gọi là cây dương và cây âm. Dao gắn trên cây đều mới rèn, sắc lẹm, từng sử dụng trong lễ chém súc hiến tế diễn ra vào ngày thứ hai của buổi lễ. Đến giờ đã định, các cây dao được dựng lên. Hai thầy cúng đứng bên hai cây dao, buộc một cuốn kinh vào người. Chủ lễ bắt quyết, các thầy cúng giơ gan bàn chân để đóng triện đỏ rồi bắt đầu đặt chân lên các lưỡi dao sắc để leo lên đỉnh cây dao. Họ ở trên đó, đọc các bài cúng, ­­­tống đạt nguyện vọng, cầu thiên vương ban phúc lành sau đó khi xuống thì xuống đến đâu họ chặt đứt các dây buộc, gỡ bỏ các lưỡi dao đến đó. Người Sán Dìu tin rằng làm như vậy thì những mong ước của họ sẽ được bề trên nghe hiểu và đáp ứng.

Đau đầu bài toán kinh phí

Ông Ngô Xuân Tô - Chủ tịch UBND xã Bình Dân cho biết, năm 2008, lễ Đại phan của người Sán Dìu chính thức được Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh và UBND huyện Vân Đồn tổ chức tại xã Bình Dân. Lễ hội diễn ra đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân địa phương. Tuy nhiên, theo kế hoạch lễ Đại phan sẽ được tổ chức 5 năm 1 lần, nhưng đến nay đã hơn 6 năm mà vẫn chưa được tổ chức lại, do địa phương thiếu kinh nghiệm và kinh phí.

Được biết, năm 2008, Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ xã 100 triệu đồng; ngoài ra có một vài tổ chức, cá nhân đóng góp thêm. Nhưng số tiền này chưa đủ. Xã phải bù chi gần 10 triệu đồng. Những chi phí khác như hỗ trợ người bảo vệ, người phục vụ lễ hội gần như là không có. Điều mà chính quyền địa phương rất trăn trở nữa là muốn phục dựng lễ hội thì mỗi lần tổ chức, địa phương phải mời cộng đồng người Sán Dìu từ nhiều nơi trong cả nước như Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc… về dự, vì vậy mà chi phí tổ chức đội lên rất nhiều, xã không "kham" nổi. Ông Hồ Anh Tuấn - Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vân Đồn cho biết: Những năm qua, huyện rất quan tâm bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Nhưng do điều kiện còn nhiều khó khăn nên một số lễ hội độc đáo của một số DTTS chưa bố trí được nhân lực, nguồn lực để phục dựng, bảo tồn, trong đó có Lễ hội Đại phan của dân tộc Sán Dìu.

 Việc bảo tồn càng cấp thiết hơn khi mà hiện nay, những người am hiểu sâu về lễ hội Đại phan tuổi đều đã cao. Hiện toàn xã ở Bình Dân chỉ còn khoảng 4-5 người (thầy cúng), trong đó ít tuổi nhất cũng khoảng gần 60 tuổi, còn người cao tuổi nhất đã trên 80 tuổi. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem