Với cư dân nông nghiệp, sự vận động của tiết lịch theo nhật, nguyệt, sự chuyển dịch của ngày, tháng luôn có vị trí rất lớn trong đời sống tinh thần, mang tính tâm linh sâu sắc. Nên hằng năm, cứ vào dịp đầu tháng Ba âm lịch là tiết Thanh minh, khi hơi ẩm không còn bốc lên, trời trong xanh, nắng ấm, những thảm cỏ xanh miên man khắp các con đường. Khi ấy, những người làng tôi dẫu có làm ăn xa cũng tìm về quê hương để được ra tảo mộ, sum vầy thắp nén nhang thơm bên mâm cỗ lễ tưởng nhớ tổ tiên.
Con cháu thành tâm thắp hương, tảo mộ ngày thanh minh (ảnh: PM).
Ngay từ chiều hôm trước, trong bữa cơm sum họp của mọi gia đình đã thấy không khí ấm cúng. Bà tôi kể rằng, ngày xưa thời phong kiến, trong làng có những ngôi mộ nhà giàu, thanh minh con cháu họ đem cúng cả con lợn quay lớn, đốt rất nhiều đồ mã, con cháu xếp hàng tề tựu. Giờ đã có nhiều đổi thay nhưng làng vẫn giữ nếp phong tục ấy, sắm lễ to nhỏ là tùy điều kiện.
Đúng sáng ngày Thanh minh, nhà nào cũng thức dậy từ rất sớm. Sau khi sửa soạn song mâm lễ cúng, những người cao tuổi dẫn đầu đoàn, con cháu nối theo sau cùng đi ra phần mộ ông bà, tổ tiên.
Thường vào ngày này, sau những cơn mưa xuân, cây cỏ trên bãi tha ma đã mọc um tùm phủ lên lối đi, phần mộ. Công việc của đám trẻ lúc này là háo hức bám theo cha mẹ cùng dọn cỏ, đắp đất, sửa sang lại những chỗ bị mòn vẹt bởi mưa gió. Chỉ một lát sau, trông phần mộ lại tinh tươm, sạch đẹp. Lúc này, người lớn mới giục lũ trẻ sang dọn nốt cỏ ở những phần mộ bên cạnh, những ngôi mộ vô chủ không người hương khói.
Trong nghĩa cử tâm linh ấy cũng ngầm hướng đến sự nhân ái cho con trẻ. Những cụ già tay run run thắp nén nhang, lầm rầm khấn vái, khói hương bay trong tiết Thanh minh ấm áp gợi không khí linh thiêng.
Tục Thanh minh có ở một số nước Đông Nam Á như Trung Quốc… Nhưng trong tâm thức dân gian của người Việt, ngày Thanh minh tảo mộ và sum vầy nơi quê hương để bày tỏ tấm lòng kính hiếu với tổ tiên. Người Việt còn quan niệm người thân khi “khuất núi trở về cõi âm” vẫn có mối liên hệ khăng khít theo quan niệm “trần sao âm vậy”. Điều đó cũng góp phần giáo dục cho thế hệ sau những cung cách ứng xử có tình người, “uống nước nhớ nguồn”, “kính hiếu tổ tiên” và tạo dựng ý thức cộng đồng.
Trong ngày tảo mộ, nhìn nắm hương được chia đi tới các phần mộ xung quanh mới thấy tình làng nghĩa xóm thật ấm áp. Phải chăng, ngày tiết Thanh minh còn là một dịp để mọi người trở về sum vầy nơi quê cha, đất tổ, gạt bỏ mọi phiền lụy và giúp tâm hồn thanh tịnh hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.