Thanh minh, viếng mộ: Lắng lòng cõi “âm - dương“

Mỹ Nhân Thứ sáu, ngày 11/04/2014 17:19 PM (GMT+7)
Tiết Thanh Minh cũng là dịp có ý nghĩa quan trọng gắn liền với đạo đức, tâm linh, thể hiện tấm lòng cũng như bổn phận của con cháu tưởng nhớ đến công đức gây dựng của những người đi trước, ơn sinh thành...
Bình luận 0
Với truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, việc thăm viếng và sửa sang phần mộ tổ tiên vào dịp Thanh minh đã bao đời ăn sâu vào tiềm thức và máu thịt của tất cả những người con đất Việt, dù đang sinh sống trên mảnh đất quê hương hay đang định cư ở nước ngoài.
Sửa sang, lau dọn mồ mả ông bà tổ tiên
Sửa sang, lau dọn mồ mả ông bà tổ tiên
Trong tiết Tháng Ba - Tháng Thanh minh, đã thành thông lệ, ở mỗi vùng quê, dòng họ... đều ấn định một ngày tại nơi quê cha đất tổ để gia tộc, con cháu tề tựu, cùng nhau tảo mộ gia tiên. Những người dù có bôn ba quanh năm đi làm ăn xa, hay bận bịu mưu sinh tất bật kiếm sống, đến ngày này cũng cố gắng quay về cố hương.

XEM THÊM >> Nguồn gốc Tết bánh trôi, bánh chay trong phong tục Việt

Nếu con cháu không có mặt vào những ngày này thì rất có lỗi với ông bà tổ tiên và sẽ bị người lớn quở trách. Thanh Minh là thời gian thích hợp nhất trong năm để tu bổ hoặc sửa sang phần mộ người thân, còn là dịp để gặp gỡ gia đình, bà con, anh em, họ hàng, con cháu trong dòng họ cùng nhau đoàn tụ sum vầy, gắn kết tình cảm dòng tộc.

Tết Thanh Minh rất đông người viếng mộ
Tết Thanh Minh rất đông người viếng mộ

Các nghĩa trang ngày thường hiu quạnh, âm u, buồn tẻ. Nhưng vào dịp Thanh minh, các khu vực này lại trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Những ngôi mộ được con cháu lau chùi, dọn dẹp sạch sẽ, thắp hương đèn, nhang khói nghi ngút, đặt hoa, chưng quả, đốt vàng mã …

Những ngôi mộ đắp đất được dẫy cỏ sạch sẽ và đắp thêm đất cho mới, phát quang chung quanh mả, đó là những tâm đức thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ ông bà tổ tiên của người đang sống đối với người đã khuất.

Mọi người cùng lắng lòng mình lại cho sợi dây tâm linh vô hình cùng gắn kết, nối liền hai cõi âm dương để những người đã khuất về sum vầy cùng con cháu. Cầu xin người quá cố phù hộ độ trì cho con cháu bình an, hạnh phúc, may mắn .

Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng nhang đèn. Những người đi viếng mộ có lòng nhân đức cũng cảm thấy chạnh lòng, nên cũng cắm cho các ngôi mộ này một nén hương hay đốt nắm vàng mã như an ủi những vong hồn cô quạnh. Ngoài ra tại các nghĩa địa thường có lập một cái am để thờ chung cho những mồ mả vô chủ gọi là Am chúng sinh và mỗi cửa am có một bà đồng sớm tối đèn hương thờ phụng.

Thanh minh nhắc chúng ta nhớ về quê hương, nguồn cội thể hiện lòng thành, kính nhớ tổ tiên, rất phù hợp với tâm lý, nhân cách con người cũng như cuộc sống thường nhật của người dân nước Việt. Đây cũng chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, đền ơn đáp nghĩa với những người quá cố, con cháu theo đó mà tiếp nối kính nhớ tổ tiên qua tục viếng mộ.

 Bánh gai ăn trong ngày Tết Thanh Minh
Bánh gai ăn trong ngày Tết Thanh Minh

Với người Việt, Thanh minh cũng được dân gian gọi là Tết Hàn thực. Một cái tết hết sức thuần túy mang đậm màu sắc truyền thống, tâm linh nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất, được thể hiện từ ngày mùng 3 đến qua rằm của Tháng Ba âm lịch hàng năm.

Ngoài tục lệ đi tảo mộ, người Việt Nam còn kết hợp với tục lệ hàn thực, chỉ ăn những thức ăn nguội lạnh, như làm bánh trôi, bánh chay, bánh gai, bánh mật… thắp hương làm lễ cúng gia tiên, sau đó cả gia đình quây quần bên nhau thưởng thức hương vị đậm đà của các món bánh này.

Những mối quan hệ tự nhiên rất thiêng liêng và gần gũi, những đức hạnh cao cả nhất của con người là tình yêu thương, lòng kính trọng đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên... những người đã khuất.

Con người ta sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người còn sống. Chân lý luôn luôn là cứu cánh của cuộc đời, cho dù cuộc sống hiện đại đang vội vàng, hối hả… Nếu tất cả mọi người đều làm tròn bổn phận yêu thương và kính trọng các “đấng bậc” khi còn sống cũng như khi đã qua đời, thì chắc chắn xã hội loài người sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem