Lên vùng núi trồng sâm Ngọc Linh ở Kon Tum xem các đầu bếp làm món ngon, bổ dưỡng từ sâm dây

Hoàng Lộc Thứ năm, ngày 07/12/2023 19:28 PM (GMT+7)
Các đầu bếp đến từ các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, miền Tây sẽ cùng nhau tranh tài, chế biến các món ăn từ củ sâm dây - một loại dược liệu nổi tiếng của huyện Tu Mơ Rông, là một huyện có trồng sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum.
Bình luận 0

Chiều 7/12, UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) tổ chức khai mạc "Hội thi ẩm thực dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh".

Xem các đầu bếp ở miền Trung - Tây Nguyên, miền Tây chế biến các món ăn từ sâm dây - Ảnh 1.

Củ sâm dây Ngọc Linh - nguyên liệu đươc dùng để chế biến các món ăn trong "Hội thi ẩm thực dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh", huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Tham gia hội thi có 22 đội được chia thành 2 bảng. Trong đó, 11 đội của 11 xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông sẽ nằm ở bảng A và 11 đội khách mời là các đầu bếp của các đội thi nổi tiếng đến từ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, TP.Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bình Định…nằm ở bảng B.

Các bảng đấu sẽ thi nấu ăn riêng. Mỗi đội dự thi nấu ít nhất 5 món ăn chính, trong đó có 3 món bắt buộc sử dụng sâm dây (một loại dược liệu đặc sản của huyện Tu Mơ Rông) và 2 món tự chọn theo vùng miền. 

Các giám khảo là chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn, phát triển Ẩm thực Việt Nam và Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn sẽ trực tiếp chấm, phân định giải thưởng cho các đội ở 2 bảng.

Theo quan sát của PV, các món ăn từ củ sâm dây được các đội thi chế biến khá đa dạng, có thể kể đến như súp sâm dây, vịt và giò heo hầm sâm dây, chè sâm dây, gỏi và salat sâm dây…

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cho biết, hội thi nhằm tìm kiếm, sưu tầm các món ăn ngon; sáng tạo những món hấp dẫn, giới thiệu các món ăn dân dã, truyền thống, món ăn ngon, đặc sắc mang đậm nét văn hóa, đặc trưng của đồng bào dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn huyện.

Xem các đầu bếp ở miền Trung - Tây Nguyên, miền Tây chế biến các món ăn từ sâm dây - Ảnh 2.

Đầu bếp đến từ TP.HCM chế biến món súp vi cá tươi nấu với sâm dây ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.


Xem các đầu bếp ở miền Trung - Tây Nguyên, miền Tây chế biến các món ăn từ sâm dây - Ảnh 3.

Mỗi đội dự thi nấu ít nhất 5 món ăn chính, trong đó có 3 món bắt buộc sử dụng sâm dây trồng ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Bên cạnh đó, thu hút các đầu bếp trong và ngoài tỉnh đến tham gia, tăng hiệu quả trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm sâm và dược liệu của  huyện đến rộng rãi người tiêu dùng biết, mua và sử dụng. Đặc biệt giới thiệu các món ăn có sử dụng thành phần nguyên liệu chế biến có sử dụng Sâm và Dược liệu.

"Ngoài ra, các công thức chế biến món ăn mới từ sâm dây sẽ được huyện in thành sách để giới thiệu cho người dân cả nước biết, sử dụng nhằm bồi dưỡng sức khoẻ. Đặc biệt, qua hội thi, người đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn huyện sẽ học được nhiều công thức chế biến món ăn bản địa hợp với khẩu vị du khách, từ đó giúp họ chủ động tham gia phục vụ nấu ăn cho khách du lịch đến địa bàn, tạo ra nguồn thu, nâng cao đời sống", ông Mạnh thông tin.

Trước khi diễn ra hội thi 1 ngày, Ban tổ chức đã mời chuyên gia từ Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ năng trưng bày và chế biến các món ăn truyền thống từ sâm dây và các dược Liệu tại vùng núi Ngọc Linh cho 11 đội thuộc 11 xã, trên địa bàn huyện.

Xem các đầu bếp ở miền Trung - Tây Nguyên, miền Tây chế biến các món ăn từ sâm dây - Ảnh 4.

Các món ăn bắt mắt, thơm ngon, bổ dưỡng được chế biến từ sâm dây trồng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem