Liên kết sản xuất, nông dân Bình Phước hết lo về đầu ra

Hữu Ký Thứ ba, ngày 14/06/2016 10:37 AM (GMT+7)
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân, bước đầu các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữa nông dân với nông dân trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.
Bình luận 0

Ông Vũ Đức Bộ - Giám đốc HTX Phước Hưng, thị xã Đồng Xoài cho biết hiện HTX là nơi liên kết hàng trăm hộ nông dân để cùng trồng điều sạch theo tiêu chuẩn Flo, Orgranic với diện tích gần 1.000ha.

Tham gia HTX, những hộ trồng điều đã yên tâm hơn bởi họ được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc điều, bao tiêu sản phẩm. Theo ông Bộ, HTX đã liên kết được với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm và đến nay sản phẩm không đủ cung cấp cho đối tác. Dự kiến năm nay HTX tiếp tục liên kết với người trồng điều, nâng diện tích điều sạch lên khoảng 1.500ha.  

img

Các nhân công đang chăm sóc vườn cây tại trang trại Quý Đông - nơi liên kết với hơn 80 hộ trồng cây ăn quả tại Bình Phước. Ảnh: Hữu Ký

Ông Dụng Quý Đông (chủ trang trại Quý Đông, huyện Đồng Phú) cho biết, trang trại của ông cũng đang liên kết với hàng trăm hộ nông dân trong và ngoài tỉnh. Theo ông Đông, Bình Phước có tiềm năng lớn trong việc trồng cây ăn quả nhưng không phải ai cũng tìm được đầu ra cho sản phẩm. Khi ông trồng thành công các loại cây ăn trái (bơ, sầu riêng, mít Thái, quýt đường…), ông tự mang sản phẩm đi chào hàng khắp nơi và mất hơn 1 năm mới đưa sản phẩm vào được siêu thị. Sau đó, ông liên kết với 80 hộ nông dân trong tỉnh và hơn 300 hộ nông dân các tỉnh khác để phát triển sản xuất cây ăn quả. Ông đang mong muốn liên kết với các nông dân trong tỉnh để phát triển vùng cây ăn quả rộng lớn tại Bình Phước.

Tương tự, tại Bình Phước có nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp đang là chỗ dựa cho nông dân. Theo Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bình Phước, tỉnh đang có nhiều mô hình liên kết tiêu biểu như: Nhóm liên kết trồng nhãn 500ha tại xã Thanh Lương (Bình Long); tổ hợp tác trồng quýt đường 28ha tại xã Tân Thành (Đồng Xoài); HTX chăn nuôi heo thịt và heo nái tại phường Hưng Chiến (Bình Long); trang trại Quý Đông (Đồng Phú)… Tuy nhiên các mô hình liên kết hiện chủ yếu bán thô sản phẩm nên giá trị chưa cao, nguồn lực đầu tư của nông dân chưa lớn, nhiều mô hình do nông dân tự phát làm, chưa liên kết được từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Do đó nông dân rất cần có các chính sách để cùng liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững.

Mới đây, trong hội thảo liên kết tạo vùng nguyên liệu trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh chỉ đạo Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh phải đồng hành với doanh nghiệp, nông dân trong sản xuất nông nghiệp, trong đó cần tạo mối liên kết 4 nhà (nhà nước - nhà khoa học – nhà doanh nghiệp - nhà nông). Các cơ quan trên cũng được chỉ đạo phải có các chính sách giúp đỡ, hỗ trợ nông dân để thành lập tổ, nhóm sản xuất, tổ hợp tác, HTX nhằm liên kết với doanh nghiệp thuận lợi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem