Liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông xe khách nghiêm trọng: Lỗ hổng quản lý, sử dụng lái xe

Thế Anh - Lê Tập Thứ ba, ngày 28/07/2020 06:16 AM (GMT+7)
Chỉ trong vòng 1 tuần đã liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Bình luận 0

Trong đó, cơ quan chức năng đánh giá, nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn phần lớn là do lỗi của tài xế. Vậy trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải như thế nào khi sử dụng tài xế không đúng quy định?

"Hồi chuông" cảnh báo

Vụ tai nạn xe khách bị lật xảy ra vào ngày 26/7, tại Km 21+735 đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây), thuộc địa phận xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, khiến 15 người tử vong và hàng chục người khác bị thương. Hôm qua, Công an tỉnh Quảng Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông xe khách nghiêm trọng: Lỗ hổng quản lý, sử dụng lái xe - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn xe khách lật xuống vệ đường ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) khiến 15 người chết và hàng chục người bị thương, ngày 26/7. Ảnh: T.L

Theo Nghị định 10/2020, trước ngày 1/7/2021, xe khách từ 9 chỗ trở lên và xe container, xe đầu kéo bắt buộc phải lắp camera giám sát, nhằm ghi hình lái xe và quản lý hành khách trên xe. Camera giám sát chất lượng giúp nhà quản lý giám sát hành trình của xe. Hỗ trợ quản lý từ xa quá trình làm việc của lái xe, phụ xe, khách đi xe bằng hình ảnh và âm thanh một cách rõ nét. Trong trường hợp xảy ra sự cố như mất cắp, tai nạn, các hành vi phạm tội, nhà quản lý và cơ quan chức năng có thể xem lại hình ảnh giám sát để làm hỗ trợ điều tra.

Điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, bước đầu lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình xác định có dấu hiệu tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Đáng chú ý, xe khách 45 chỗ biển số 73B-009.25 được xác định do Hoàng Trung Toản (27 tuổi, trú tại phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn) điều khiển lưu thông theo hướng Bắc - Nam, trên xe có 40 người. Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình Phạm Quang Hải cho biết, xe này thuộc sở hữu của cá nhân ông Hoàng Trung Toản nhưng lại đưa vào sử dụng cho Công ty TNHH Hoàng Thanh Hoài, đó là hình thức trốn thuế. Thời gian tới Sở GTVT sẽ kiểm tra về hoạt động kinh doanh vận tải của công ty này.

Nghiêm trọng hơn là khi xảy ra vụ tai nạn, Công ty TNHH Hoàng Thanh Hoài cung cấp thông tin tài xế Hoàng Trung Toản có giấy phép lái xe hạng E, nhưng qua kiểm tra trên hệ thống, lái xe Hoàng Trung Toản mới có bằng B2. Theo quy định, người điều khiển xe 45 chỗ phải có bằng E.

Trước đó, vụ tai nạn giao thông trên đoạn Quốc lộ 1 qua huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận vào rạng sáng 21/7 giữa xe khách 16 chỗ của nhà xe Anh Trinh lưu thông hướng Phan Thiết đi TP.HCM và xe tải do Phan Thanh Tùng (29 tuổi, ngụ TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) điều khiển theo chiều ngược lại đã khiến 15 người thương vong. Cơ quan chức năng bước đầu cũng xác định, nguyên nhân là do lỗi tài xế đánh lái lấn làn đường dẫn tới tai nạn.

Các vụ tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra đều được xác định là lỗi của tài xế chạy quá tốc độ, hoặc đi không đúng phần đường, điều khiển xe không đúng theo bằng lái được cấp... đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về "lỗ hổng" trong quá trình sử dụng, giám sát tài xế của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và cơ quan chức năng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia về nguyên nhân gây tai nạn giao thông, phân tích trên 4.503 vụ cho thấy: Có 21,59% vụ việc do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 11,15% do chuyển hướng không chú ý; 7,26% do vi phạm tốc độ xe chạy; 5% do vượt xe sai quy định; 3% do người đi bộ sang đường sai quy định; 2,71% do sử dụng rượu bia; 0,16% do người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy, chất gây nghiện; 0,36% do người điều khiển phương tiện dừng đỗ sai quy định; 0,36% do phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật...

Liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông xe khách nghiêm trọng: Lỗ hổng quản lý, sử dụng lái xe - Ảnh 3.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam kiểm tra xe khách Bắc - Nam. Ảnh: Đức Hoàng

Những con số này lại thêm một lần nữa báo động đến các doanh nghiệp vận tải và cơ quan quản lý Nhà nước cần có những giải pháp siết chặt hơn nữa trong việc quản lý tuyến vận tải hành khách cố định và các tuyến xe chở hàng chạy đường dài, đặc biệt là quản lý lái xe. Bởi nếu không quản lý chặt chẽ các loại hình vận tải này thì không thể tránh được những vụ tai nạn giao thông thảm khốc có nguy cơ xảy ra.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, đại diện Bộ GTVT cho biết, trong thời gian vừa qua, tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ diễn biến phức tạp và liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, mà ngoài nguyên nhân khách quan thì chủ yếu là do lỗi của lái xe. Do đó, cần phải siết chặt hơn hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, đặc biệt là quá trình sử dụng người lao động. Trách nhiệm chính thuộc các doanh nghiệp vận tải bởi các doanh nghiệp thực hiện công tác quản lý và sử dụng các lái xe từ khâu tuyển dụng đến khâu đào tạo, tập huấn và phải giám sát hoạt động của người lái xe đảm bảo thời gian nghỉ ngơi của người lái xe.

Nói về việc liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, ông Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội từng cho rằng: "Phải có biện pháp để xử lý các doanh nghiệp vận tải. Là đơn vị quản lý lái xe, thuê người nên phải có trách nhiệm. Trách nhiệm không chỉ riêng đối với lái xe đó mà còn là trách nhiệm đối với cả xã hội".

Truy trách nhiệm sử dụng người lao động không đúng

TS Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông uốc gia cho biết: "Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong khoảng khung giờ đặc biệt từ 6 giờ sáng tới 11 giờ trưa hoặc từ 23 giờ đêm tới 6 giờ sáng. Đây là khung thời gian về nhịp sinh học của con người là thời gian nghỉ ngơi, bởi vậy người lái thường mệt mỏi và buồn ngủ. Đường vắng nên tạo tâm lý tài xế chạy quá tốc độ vượt ẩu".

img

Xe khách rơi xuống vực sâu trên Quốc lộ 14C, đoạn qua xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, Kon Tum, rạng sáng 11/7 làm 6 người thiệt mạng. Ảnh: K.B

"Chiếu sáng kém nên nhận diện tình huống và phản ứng đều kém và chậm, cùng với đó lực lượng tuần tra kiểm soát xử phạt vi phạm giao thông vào khung giờ đó rất ít nên tạo tâm lý chủ quan, đã là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông nghiêm trọng" - TS Trần Hữu Minh nhận định.

Để hạn chế các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, TS Trần Hữu Minh đề xuất siết chặt các quy định khi vận chuyển hành khác, lái xe phải được nghỉ ngơi đầy đủ và có người chịu trách nhiệm giám sát về việc này. Đồng thời, xây dựng định pháp luật nghiêm cấm gây sức ép về thời gian với lái xe, lái xe cần được cung cấp đầy đủ phân tích về các rủi ro trên lộ trình, thời gian buộc phải chuyển lái không quá 2 giờ, tốc độ ban đêm cần chậm hơn tốc độ giới hạn 10km".

Đặc biệt, tăng cường kiểm tra giám sát việc sử dụng lao động của các công ty vận tải, tài xế có được đào tạo chuyên sâu bài bản và có đầy đủ giấy phép lái xe hay không, nếu sai cần phải truy trách nhiệm doanh nghiệp vận tải sử dụng người lao động không đúng.

"Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra trên xe có dây bảo hiểm? Chú trọng xử phạt việc thắt dây bảo hiểm trên xe kinh doanh vận tải, vì nếu những người trên xe thắt thì số thương vong sẽ giảm đi tới 70% khi xảy ra tai nạn" - TS Trần Hữu Minh đề xuất giải pháp.

T.A


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem