"Đánh liều" nuôi tôm công nghệ cao trên đất nhiễm mặn, nhóm trai trẻ Bà Rịa-Vũng Tàu thắng lớn

Quốc Hải Thứ ba, ngày 01/11/2022 05:17 AM (GMT+7)
Trên vùng đất hoang hóa vì nhiễm mặn ở xã An Ngãi (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), một trang trại tôm công nghệ cao của nhóm nông dân trẻ Lương Văn Hà đã mọc lên với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm
Bình luận 0
Liều mình nuôi tôm công nghệ cao, nông dân trẻ ở Long Điền thắng lớn - Ảnh 1.

Ao nuôi tôm tại Liên Giang Farm được xử lý sạch sẽ sau vụ thu hoạch tôm để sẵn sàng cho đợt nuôi mới. Ảnh: Quốc Hải

Trước khi nông trại Liên Giang Farm ra đời, khu vực rộng hơn 8ha này chủ yếu là những khoanh ruộng bị bỏ hoang vì nhiễm mặn. 

Tuy nhiên, từ khi những nông dân trẻ ở đây quyết định "liều" thuê lại khu đất này để nuôi tôm theo mô hình CPF Combine, Liên Giang Farm trở thành mô hình nuôi tôm được ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu đánh giá cao khi mang lại hiệu quả kinh tế vượt mong đợi.

Nuôi tôm theo mô hình CPF Combine cho sản lượng gấp 4 lần

Anh Lương Văn Hà, quản lý Liên Giang Farm cho hay, trang trại nuôi tôm công nghệ cao này là tài sản chung của nhóm anh em trong gia đình anh.

"Cách nay 3 năm, mấy anh em tôi quyết định mỗi người góp chút tiền để mở Liên Giang Farm. Tổng vốn huy động được là 13 tỷ và quyết định đổ dồn vào mô hình CPF Combine", anh Hà nhớ lại. 

Theo anh Hà, thời điểm đó quyết định này là khá liều lĩnh bởi số vốn bỏ ra không nhỏ, mà anh chưa biết nhiều về mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Rất may, khi ngỏ ý muốn đầu tư xây dựng khu nuôi tôm theo công nghệ này, anh đã được các cán bộ thủy sản của C.P Việt Nam hỗ trợ thiết kế mô hình nuôi tôm khoa học, xây dựng quy trình xử lý nước bài bản, đảm bảo nước sạch cho nuôi tôm, giúp khống chế dịch bệnh… 

Theo đó, trên diện tích 8ha, có 1,3ha được sử dụng làm ao nuôi tôm (15 ao), còn lại là các ao xử lý nước.

Liều mình nuôi tôm công nghệ cao, nông dân trẻ ở Long Điền thắng lớn - Ảnh 2.

Anh Lương Văn Hà, quản lý Liên Giang Farm (bên phải), đang kiểm tra độ lớn của tôm nuôi... Ảnh: Quốc Hải

Tháng 6/2019, Liên Giang Farm thả vụ tôm đầu tiên. Kết quả thành công vượt mong đợi khi mỗi lứa tôm năng suất thu được lên tới gần 70 tấn/ha. Nhờ đó, chỉ sau hai vụ đầu tiên, nhóm của anh đã thu hồi được nguồn vốn đầu tư.

"Từ khi triển khai nuôi tôm đến nay, chúng tôi đã nuôi 15 vụ tôm, trong đó thắng được 14 vụ, chỉ thua có 1 vụ do lúc đó là dịp sau Tết, thiếu nhân lực chăm sóc nên tôm nhiễm bệnh không kịp xử lý", anh Hà nói.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện toàn tỉnh có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là trên 5.913ha. Trong đó có 19 tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích khoảng 409ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và Thành phố Bà Rịa, Thành phố Vũng Tàu…

Cũng theo anh Lương Văn Hà, thành công của Liên Giang Farm là nhờ được các cán bộ kỹ thuật của C.P Việt Nam hỗ trợ kiểm soát nguồn nước, ao nuôi hàng ngày để diệt khuẩn, đồng thời kiểm tra khoáng chất để bổ sung vào thức ăn cho tôm. 

Đặc biệt, nguồn tôm giống chất lượng cao do C.P cung cấp đã giúp tôm không chỉ đạt năng suất cao mà còn đạt kích cỡ lớn. Đây chính là yếu tố quyết định đến tính cạnh tranh của con tôm, mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi.

"Hiện nay, cơ sở nuôi 3 vụ, với sản lượng thu hoạch khoảng 200 tấn/năm. Nuôi tôm theo công nghệ cao giúp tăng sản lượng gấp 4 lần so với nuôi tôm truyền thống và bảo vệ được môi trường do kiểm soát được các chỉ tiêu về giống, thức ăn, nguồn nước", anh Hà nói thêm.

Liều mình nuôi tôm công nghệ cao, nông dân trẻ ở Long Điền thắng lớn - Ảnh 4.

Anh Lương Văn Hà, quản lý Liên Giang Farm (thứ 2 từ trái sang) bắt tay cảm ơn sự hỗ trợ về kỹ thuật từ cán bộ của CP Việt Nam. Ảnh: Quốc Hải

Nhờ quy trình nuôi nghiêm ngặt, sản lượng đạt cao cùng với giá thành tốt (khoảng 200.000 - 220.000 đồng/kg, tôm size 30 con/kg), sau khi trừ chi phí (khoảng 90-100.000 đồng/kg), lợi nhuận thu được của Liên Giang Farm vào khoảng trên dưới 20 tỷ đồng/năm.

"Nếu nuôi lên tầm size 18-20 con/kg thì giá thành còn cao hơn, lợi nhuận tăng rất nhiều", anh Hà nói thêm.

Mở rộng áp dụng mô hình CPF Combine

Ông Nguyễn Hồng Thuấn, Trưởng phòng Kinh doanh lĩnh vực thủy sản khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai - Công ty Cổ phần C.P Việt Nam cho biết, hiện nay 90% diện tích nuôi tôm ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai áp dụng mô hình CPF Combine.

Khu vực ương nuôi tôm, các ao được lót bạt, hệ thống cung cấp oxy, mái che,… nhằm đảm bảo điều kiện cho tôm nuôi phát triển tốt nhất, hạn chế tác động của thời tiết, dịch bệnh. Việc quản lý môi trường trong quá trình nuôi được thực hiện theo phương thức Probiotic farming, tức sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc kháng sinh.

Khu vực xử lý chất thải có hệ thống biogas được ứng dụng để xử lý chất thải từ đáy ao. Nước thải được xử lý và tái sử dụng, không ảnh hưởng đến môi trường. Nguồn khí từ hầm biogas được sử dụng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

Liều mình nuôi tôm công nghệ cao, nông dân trẻ ở Long Điền thắng lớn - Ảnh 6.

Cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần C.P Việt Nam kiểm tra sự phát triển của tôm trong ao nuôi... Ảnh: Quốc Hải

Anh Thuấn cho biết, mô hình nuôi tôm này giúp người nuôi xoay vụ nhanh, các ao nuôi có thời gian nghỉ, công tác vệ sinh hệ thống ao; quản lý, chăm sóc tôm nuôi được thuận lợi, hạn chế dịch bệnh, tôm nuôi phát triển tốt, tôm thu hoạch đạt kích cỡ lớn, năng suất cao, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm, giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững.

"Do mô hình nuôi tôm CPF Combine có nhiều ưu điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên rất nhiều trang trại nuôi tôm lớn trên cả nước đã áp dụng mô hình này. Chỉ tính riêng hai tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu và Đồng Nai, có đến 90% diện tích nuôi tôm đều đang áp dụng công nghệ này", ông Thuấn nói.

Cũng theo ông Thuấn, đặc điểm mô hình này là giúp cho việc xuất khẩu tôm rất thuận lợi do đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc của nhà nhập khẩu, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu tôm.

"Tôm nuôi theo mô hình này đạt trọng lượng lớn, có thể tới 18 con/kg. Từ đó dễ dàng cạnh tranh với các nước xuất khẩu tôm khác và đây cũng là phân khúc mà Việt Nam đang nắm ưu thế tuyệt đối trên thị trường xuất khẩu tôm", ông Thuấn chia sẻ thêm.

Mô hình CPF Combine là mô hình nuôi tôm công nghệ cao có xuất xứ từ Thái Lan và đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Theo đó, mô hình được chia làm 3 khu chính, gồm: Khu vực xử lý nước đầu vào, khu vực ương nuôi tôm và khu vực xử lý chất thải. Tại khu vực xử lý nước đầu vào, nước từ ao chứa sẽ chạy qua hệ thống xử lý nhanh, sau đó nước được bơm qua các ao sẵn sàng và cấp cho hệ thống ao nuôi. Toàn bộ khu này được lót bạt đáy và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem