Lo ngại một trong những thực phẩm đắt nhất thế giới bị làm giả từ sợi mì, sợi miến, Cục Chăn nuôi nói gì?

P.V Thứ năm, ngày 02/03/2023 11:38 AM (GMT+7)
Liên quan đến thông tin hiện tượng tổ yến nhập lậu, đại diện Cục Chăn nuôi khẳng định, các nhà nhập khẩu nhập yến thô về chế biến chứ không phải người ta nhập sợi mỳ, sợi miến.
Bình luận 0

Tại Diễn đàn kết nối nông sản 970 do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NNPTNT) và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc tại Việt Nam (ACIAR) phối hợp tổ chức mới đây, một đại biểu băn khoăn: “Khi một hộ nuôi yến tham gia truy xuất nguồn gốc và một không tham gia, vậy giá bán sản phẩm tổ yến có khác nhau không? Hiện nay, hiện tượng yến nhập lậu rất phổ biến, Cục Chăn nuôi có ý kiến gì về vấn đề này?.

Trả lời câu hỏi này, ông Đỗ Văn Hoan – đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) khẳng định, những năm qua sản phẩm yến của nước bạn vẫn được nhập về thị trường Việt Nam phục vụ tiêu thụ nội địa. 

"Chúng tôi không nắm được chính xác số liệu nhập khẩu là bao nhiêu nhưng qua thông tin nắm được, chúng tôi nhận thấy người nhập khẩu tổ yến từ các nước về còn nhiều hơn những đầu mối thu mua ở trong nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đánh giá một cách công bằng là họ nhập khẩu yến thô về chế biến chứ không phải người ta nhập sợi mỳ, sợi miến về đâu", ông Hoan nói.

Lo ngại một trong những thực phẩm đắt nhất thế giới bị làm giả từ sợi mì, sợi miến, Cục Chăn nuôi nói gì? - Ảnh 1.

Tổ yến nhập khẩu từ nước ngoài chủ yếu là tổ yến thô. Ảnh: SKĐS.

Cũng theo ông Hoan, để tránh những nghi ngờ này, các nhà kinh doanh cũng phải chỉ rõ cho người tiêu dùng đó là tổ yến thật chứ không phải nhập lậu, không phải tổ yến giả. 

"Khâu chế biến tổ yến quan trọng. Anh chế biến còn bao nhiêu phần trăm yến chuẩn, tức là nước dãi của con chim yến là 100% hay 70%... cũng như lọ nước yến nhà sản xuất cho bao nhiêu % dãi nước yến trong đó, nó mới cấu thành nên giá trị sản phẩm", ông Hoan khẳng định.

Về giá tổ yến hiện nay, đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng: Đối với sản phẩm yến sào, hiện nay giá bán được quyết định bởi hai yếu tố, thứ nhất là chất lượng sản phẩm, thứ hai là lòng tin của người mua đối với người bán.

Ông Hoan lấy dẫn chứng: “Tôi có thể chi ra 3 triệu/kg yến sào đối với sản phẩm mà người ta thu hái ở nhà yến rồi sơ chế cho tôi mang về dùng. Còn nếu ở ngoài thị trường bán 2 triệu/kg, mà tôi không biết sản phẩm lấy từ đâu thì tôi không thể mua được loại yến giá rẻ đó. Như vậy, việc truy xuất hay không truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nó không tạo nên giá bán của sản phẩm”.

Đôi khi việc truy xuất là bắt buộc theo quy định của pháp luật cũng như yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay cán bộ cấp xã vẫn phải đi đếm, tự thống kê nhà yến và thu thập tài liệu để báo cáo về Bộ.

Nhà nước muốn khuyến khích, muốn mở hệ thống cơ sở dữ liệu để cho nhà chăn nuôi tự nguyện đăng ký khai báo, nhưng vẫn phải bắt buộc bằng biện pháp hành chính, thì các cơ sở mới đăng ký.

Theo thống kê, đến hết năm 2022, số lượng nhà yến trên toàn quốc là 23.665. Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang (2.995), Bình Định (1.722).

Bên cạnh những thuận lợi, việc nuôi chim yến vẫn đối diện với nhiều khó khăn như: việc gây nuôi còn mang tính tự phát, phong trào, chưa có định hướng phát triển dài hạn; việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định; kiếm soát dịch bệnh đối với chim yến còn nhiều bất cập về kiến thức dịch tễ học; thiếu tính liên kết của một ngành hàng, chưa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; thiếu hướng dẫn khi xây dựng nhà nuôi yến nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và sản lượng tổ yến…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem