Loạt trắc trở khiến ê-kíp thực hiện chương trình “Dòng sông kể chuyện” phải "trầy da tróc vảy"
Loạt trắc trở khiến ê-kíp thực hiện chương trình “Dòng sông kể chuyện” phải "trầy da tróc vảy"
Hà Tùng Long
Thứ hai, ngày 07/08/2023 13:29 PM (GMT+7)
Chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” - Signature show “The Story of a River” vừa diễn ra tối 6/8 tại Cảng Sài Gòn, Quận 4, TP.HCM. Chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội Sông nước TP.HCM lần I năm.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, chương trình nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện" ngay tại Cảng Sài Gòn, bên dòng sông Sài Gòn như một bản tổng phổ về thiên nhiên, con người của vùng đất được dòng sông dáng cung đàn ôm trọn vào lòng; như một lời tri ân các bậc tiền hiền đã khai hoang mở cõi, lớp lớp cư dân đã đến ngụ cư, lao động, đấu tranh để kiến tạo, trao truyền những di sản của dòng sông cho các thế hệ mai sau.
Chương trình cũng là lời chào của thành phố mang tên Bác - một đô thị sông nước hiền hòa, sống động, trẻ trung, cởi mở và không ngừng sáng tạo, hướng tới tương lai; là thông điệp của thành phố anh hùng, giàu nội lực, bản lĩnh và sẵn sàng hợp tác để cùng bạn bè năm châu tìm hướng phát triển kinh tế dịch vụ trên sông, ven sông, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế từ tài nguyên sông, biển.
Trong 90 phút diễn ra chương trình, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến đã tính toán chuẩn chỉnh từng chi tiết nhằm tái hiện lại một cách sống động nhất các giai đoạn chính của lịch sử khai phá, hình thành và phát triển của TP.HCM gắn với sông Sài Gòn - một trong những trung tâm kinh tế và văn hoá lớn nhất nước; tái hiện sinh hoạt văn hoá và kinh tế, nếp sống trên bến dưới thuyền của cư dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM trong hơn 300 năm qua với 5 chương mang chủ đề: Khẩn hoang, Xây thành, Trên bến dưới thuyền, Thương cảng phồn hoa và Rực rỡ thành phố bên sông.
Chương trình được tổ chức trong không gian độc đáo, lần đầu tiên có ở TP.HCM: "Trên bến" là Cảng Sài Gòn - thương cảng hơn 160 năm tuổi với tầm nhìn hướng về trung tâm Thành phố, có các công trình ghi dấu ấn về sự phát triển thành phố hơn 300 năm qua. "Dưới thuyền" chính là mặt sông Sài Gòn - dòng sông gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM. Không chỉ là một chương trình nghệ thuật, "Dòng sông kể chuyện" - Signature show "The Story of a River" còn là những thước phim sống động được kể trên một dòng sông thật, với bến cảng thật, con người thật, tàu thuyền thật và những câu chuyện chân thật đầy cảm xúc được nâng tầm thành nghệ thuật.
"Dòng sông kể chuyện" - Signature show "The Story of a River" có sự tham gia biểu diễn của hơn 700 diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng chính là cư dân đang sinh sống, làm việc và học tập tại TP.HCM cùng các cư dân làng nghề tại Đồng bằng sông Cửu Long… Tổng biên đạo - NSƯT Thanh Hằng đã dày công dàn dựng những màn vũ đạo vô cùng hoành tráng, sống động, tự nhiên và hấp dẫn. Tham gia biểu diễn trong chương trình còn có các nghệ sĩ, nghệ nhân như: NSƯT Lê Tứ, NSND Út Ty, NSƯT Ngọc Đặng, Duy Kim, Văn Môn, Huỳnh Tuấn; ca sĩ Phương Vy, Ali Hoàng Dương, nhóm nhạc MTV, Rapper Blacka, ca sỹ Như Huỳnh, Nghệ sĩ Bình Trọng, vũ đoàn TA Dance, đoàn Lân Tinh Anh Đường.
"Dòng sông kể chuyện" - Signature show "The Story of a River" là một bức tranh liên hoàn đan kết bởi các loại hình văn hóa, nghệ thuật giải trí, từ dân gian đến đương đại, múa, xiếc, âm nhạc… cùng công nghệ trình diễn tối tân, đã được những người làm chương trình mất rất nhiều ngày "xuyên đêm" chuẩn bị.
Thưởng thức "Dòng sông kể chuyện" - Signature Show "The Story of a River", người dân thành phố vừa thấy choáng ngợp, xúc động, xen lẫn sự tự hào về nơi mình sinh ra và lớn lên. Những du khách đến với TP.HCM cũng thấy hiểu thêm về quá trình xây dựng, phát triển của Thành phố, và thêm yêu mảnh đất phồn hoa này.
Để có chương trình thành công để lại ấn tượng trong lòng khán giả, du khách là công sức của hàng ngàn người trong ê-kíp, nghệ sĩ, diễn viên… Tổng đạo diễn Lê Hải Yến xúc động chia sẻ: "Có một số những yếu tố khách quan nằm ngoài dự tính nhưng thực sự hôm nay chương trình lung linh hơn tất cả bởi tất cả mọi người đã cùng đồng lòng, tâm huyết. Ê-kíp đã cố gắng tới 200% sức lực, và khán giả thì quá tuyệt vời.
Tôi cũng biết ơn mảnh đất này, mảnh đất đã cho tôi có cơ hội được được thể hiện, được thay lời dòng sông kể câu chuyện, để những hình dung của tôi khi tôi đọc những cuốn sử, khi nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, hôm nay đã được thực hiện gần như trọn vẹn với những đau đáu mà tôi muốn đặt để vào.
Tôi cảm ơn dòng sông bởi không phải ngẫu nhiên mà giữa mùa mưa lại có ngày trời quang mây tạnh, thời tiết đẹp đến như vậy để đêm diễn được diễn ra thuận lợi. Và đặc biệt, tôi thực sự cảm ơn thành phố, Sở du lịch, các sở ban ngành đã chỉ đạo sát sao, hỗ trợ hết sức để chúng tôi thực hiện chương trình; cảm ơn những con người của vùng đất này, đầy phóng khoáng, hào hiệp, luôn giàu tinh thần sống tích cực… đã giúp tôi tràn đầy cảm hứng thực hiện chương trình này".
Bối rối, hoang mang vì thực hiện "Dòng sông kể chuyện" trong vòng 1 tháng
Tổng Đạo diễn Lê Hải Yến cho biết thêm rằng: "Đầu tiên là vấn đề thời gian, chúng tôi đã từng có những thời điểm vô cùng hoang mang, bối rối vì thời gian thực hiện quá gấp, chỉ trong vòng 1 tháng với khối lượng công việc khổng lồ, số lượng diễn viên vô cùng lớn là hơn 700 diễn viên. Trong khoảng thời gian 15 ngày, chúng tôi làm việc với cường độ cao liên tục, gần như không có thời gian để ngồi tĩnh tâm hay ngơi nghỉ. Cứ sản xuất, luyện tập, xử lý các vấn đề, điều chỉnh… Thứ hai là yếu tố thời tiết, chúng tôi quá vất vả trong quá trình luyện tập vì TP. HCM đang mùa mưa. Mưa liên tục, diễn viên, ê-kíp gặp mưa, chịu ướt, lạnh hàng ngày nhưng không ai được cho phép mình ốm.
Thứ ba là yếu tố con nước của sông Sài Gòn. Cho dù là chuyên gia giỏi nhất về mặt đường thủy đi chăng nữa thì trước con nước có tiếng là đỏng đảnh này cũng sẽ phải gặp rất nhiều vấn đề. Chúng tôi phải setup rất lâu, cả chục ngày trước khi diễn ra sự kiện. Mà trong chục ngày đó, con nước chưa khi nào ổn định với 1 ngày 2 lần nước lên xuống, lượng bèo lục bình trôi quá nhiều, thậm chí có những ngày nước xiết không thể nào tập nổi.
Có những hôm đúng lúc tổng duyệt thì hệ thống nhạc nước bị gãy, không thực hiện được kỹ thuật. Có những khi tập flyboard không được vì bèo nhiều quá. Mỗi ngày chúng tôi đều phải căn sân khấu một lần vì lệch tâm do nước xiết, dù sà lan làm sân khấu đã dùng những mỏ neo trọng tải mấy chục tấn vẫn không đủ cố định, độ xoay, xê dịch của nó rất cao. Rồi thì diễn viên bị áp lực tập căng thẳng ngày đêm, tập dưới mưa...rất vất vả, nhiều người chịu không nổi.
Chưa kể, 30 chiếc tàu du lịch được huy động cho các phần biểu diễn, diễu hành trong chương trình có giờ chạy khác nhau, rất khó để tập hợp, liên kết; bà con chèo xuồng ở dưới sông cũng không thể tập quá lâu... Khó khăn cứ dồn dập khiến chúng tôi rất áp lực. Phải nói thực sự rằng, để có được một đêm diễn trọn vẹn như đã thấy, đó là một kỳ tích. Kỳ tích ấy có được là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Thành phố, của Sở du lịch, nhờ sự nỗ lực, đồng lòng của tất cả những người tham gia chương trình, và còn nhờ sự ủng hộ của thời tiết, thì chúng tôi mới có thể thực hiện được chương trình một cách trọn vẹn như vậy".
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến tiết lộ thêm, mặc dù chương trình sử dụng rất nhiều yếu tố kỹ thuật và công nghệ như hệ thống ánh sáng, thiết bị khủng, hệ thống âm thanh tối tân, hiện đại… Tuy nhiên, cũng như thông điệp của chương trình, kể về lịch sử hình thành, phát triển của TP.HCM để thấy được sự vĩ đại của con người khi biến một vùng đất hoang vu trở nên trù phú, giàu mạnh… thì ở chương trình, bên cạnh câu chuyện lịch sử, tôn vinh bản sắc văn hoá của TP.HCM, một trong những điều cốt lõi mà kịch bản muốn hướng tới chính là tôn vinh con người nơi đây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.