Nhà tan, vườn nát Phường Kim Long và Thủy Biều từ lâu đã được biết đến là nơi tập trung nhiều nhà vườn bậc nhất ở TP.Huế. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, hệ thống nhà vườn ở các phường này biến mất một cách chóng mặt, lượng nhà vườn nguyên vẹn còn lại chẳng bao nhiêu. Tình trạng chung của hầu hết nhà vườn ở các phường này là bị biến dạng bởi người dân cắt xẻ vườn để bán, nhà bị bán hoặc xuống cấp, cơi nới, xây mới…
Bà Phạm Thị Túy không dám nhận 105 triệu đồng tiền hỗ trợ trùng tu ngôi nhà vườn của mình vì số tiền này quá nhỏ giọt.
Từ năm 2002, trước tình trạng nhà vườn Huế ngày càng mất dần, chính quyền TP.Huế đã tiến hành khảo sát để kiểm tra, đánh giá lại hệ thống nhà vườn của thành phố. Theo kết quả khảo sát, thời điểm đó toàn thành phố còn 7.178 nhà vườn nhưng chỉ có 150 nhà vườn còn nguyên vẹn, số còn lại đều trong cảnh bị biến dạng. Đến tháng 4.2011, Phòng Văn hóa- Thông tin TP.Huế tiến hành thống kê lại thì trong số 150 nhà vườn nguyên vẹn của năm 2002 chỉ còn 52 nhà vườn còn được giữ nguyên.
Và mới đây, khi phòng này khảo sát lại lần nữa thì trong số 52 nhà vườn nói trên chỉ còn 27 nhà vườn nguyên vẹn. Số nhà còn lại đều trong tình trạng hoặc vẫn còn nhà rường và vườn nhưng bị cơi nới, xuống cấp, hoặc đã bị tháo dỡ toàn bộ, xây mới hay bị giải tỏa. Các phường “chảy máu” nhà vườn nghiêm trọng nhất là Phú Hội, Phú Hiệp với 100% nhà rường bị biến dạng, tiếp đến là các phường Thuận Thành, Thuận Hòa, Phú Cát, Phường Đúc…
8 năm bảo tồn được… 1 nhà vườn
Trước nguy cơ nhà vườn biến mất hoàn toàn, năm 2006, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ban hành Quyết định 1183 phê duyệt đề án “Chính sách bảo vệ nhà vườn Huế”, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nhà vườn Huế. Theo đề án này, 150 nhà vườn cổ tiêu biểu còn nguyên vẹn lúc đó nằm trong danh sách được đầu tư bảo tồn trong giai đoạn 2006-2010. Tuy nhiên, sau khi ra đời, đề án này chỉ nằm trên giấy do đến năm 2009 UBND tỉnh mới ban hành Quyết định 2434 quy định chính sách quản lý, bảo vệ nhà vườn Huế và đến các năm 2010, 2011 tỉnh mới có Hội đồng thẩm định nhà vườn và Quỹ bảo vệ nhà vườn.
Sau 8 năm kể từ khi Quyết định 1183 được ban hành, mới chỉ có duy nhất 1 nhà vườn Huế được bảo tồn. Đó là nhà vườn Thường Lạc Viên (nhà thờ Tả quân Lê Văn Duyệt) ở số 20 Phú Mộng, phường Kim Long.
|
Như vậy, khi thời hiệu của Quyết định 1183 đã hết thì tỉnh mới ban hành chính sách cụ thể bảo vệ nhà vườn và bộ máy thực hiện công việc này mới ra đời. Mặt khác, theo Quyết định 2434, mỗi chủ nhà vườn được hỗ trợ không quá 105 triệu đồng để trùng tu, tôn tạo nhà và tạo lập vườn. Mức hỗ trợ này chỉ như muối bỏ bể, bởi để bảo tồn mỗi nhà vườn đòi hỏi phải có kinh phí rất lớn, nên phần nhiều chủ nhà vườn không dám nhận sự hỗ trợ này.
Ông Trần Thanh- Phó Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin TP.Huế, kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế cho biết: Việc Quyết định 1183 bị “treo” và mức hỗ trợ trùng tu nhà vườn nhỏ giọt đã khiến rất nhiều nhà vườn có giá trị bị biến mất. Theo ông Thanh, mặc dù Quyết định 1183 đã hết thời hiệu, nhưng để cứu những nhà vườn có giá trị còn lại trước khi quá muộn, cơ quan chức năng của thành phố vẫn thực hiện quyết định này nhưng hiệu quả không đáng kể.
Cụ thể, đến nay, sau 8 năm kể từ khi Quyết định 1183 được ban hành, mới chỉ có duy nhất 1 nhà vườn Huế được bảo tồn. Đó là nhà vườn Thường Lạc Viên (nhà thờ Tả quân Lê Văn Duyệt) ở số 20 Phú Mộng, phường Kim Long. Một nhà vườn khác là nhà vườn Xuân Viên Tiểu Cung ở số 28/1 Phú Mộng cũng thuộc diện được hỗ trợ bảo tồn như nhà vườn Thường Lạc Viên nhưng không thành do chủ nhà… từ chối.
Bà Phạm Thị Túy- chủ nhân của nhà vườn Xuân Viên Tiểu Cung cho biết: Mặc dù nhà của bà đã xuống cấp nặng nề nhưng bà không dám nhận hỗ trợ trùng tu do số tiền được hỗ trợ quá nhỏ giọt. “Gia đình tui khó khăn, trong khi để trùng tu ngôi nhà ni phải tốn ít nhất 800 triệu đồng, nếu chỉ được hỗ trợ 105 triệu đồng thì không giải quyết được gì”- bà Túy cho hay. Lời của bà Túy cũng là tâm sự chung của rất nhiều chủ nhân của những ngôi nhà vườn khác ở TP.Huế đang đứng trước nguy cơ bị biến mất vì xuống cấp.
Ông Trần Thanh cho biết, chính sách bảo vệ nhà vườn Huế được xây dựng trên thời giá năm 2006 nên đến nay mức hỗ trợ theo chính sách này không còn phù hợp với thực tế, khiến nhiều chủ nhà vườn không dám nhận hỗ trợ. Theo ông Thanh, vừa qua cơ quan ông đã đề nghị tỉnh điều chỉnh mức hỗ trợ bảo vệ nhà vườn Huế để kịp thời cứu những nhà vườn đang đứng trước nguy cơ biến mất. Theo đó, đối với những nhà vườn có giá trị đặc biệt được đề nghị nâng mức hỗ trợ trùng tu lên 1 tỷ đồng/nhà, những nhà loại 1 hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/nhà và nhà loại 2 không quá 300 triệu đồng/nhà. Tuy nhiên, đến nay đề nghị này chưa được tỉnh thông qua.
Mới đây UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế lại ban hành kế hoạch chi tiết xây dựng đề án “Chính sách bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế”. Đề án này nhằm xây dựng kế hoạch và phương án trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết mới về chính sách quản lý, bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2014-2020. Việc Quyết định 1183 gần như không phát huy hiệu quả đã khiến các chủ nhà vườn hoài nghi về tính khả thi của đề án đang được xây dựng này.
“Đề án này sẽ không “sa lầy” nếu như xây dựng được bộ máy chuyên trách, đơn giản hóa được thủ tục và quan trọng nhất là việc quy định mức hỗ trợ trùng tu nhà và tạo lập vườn phải sát thực tế”- ông Thanh nói.
An Sơn (An Sơn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.