Lợi ích nhóm trong dồn điền đổi thửa: Tiêu cực do thiếu dân chủ

Thứ sáu, ngày 13/12/2013 07:06 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV NTNN, một số ý kiến cho rằng, để hạn chế tiêu cực khi DĐĐT, các địa phương cần tăng cường việc giám sát, thực hiện đúng quy chế dân chủ đối với người dân.
Bình luận 0
Cần xử lý triệt để,nghiêm minh

Thưa TS Nguyễn Duy Lượng (ảnh) – Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội ND Việt Nam, đã có nhiều thôn, xã làm sai trong công tác DĐĐT mà nông dân (ND) luôn là người chịu thiệt nhiều nhất. Vậy Hội sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi của ND?

Nhiều tiêu cực  trong DĐĐT ở Hà Nam khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi.
Nhiều tiêu cực trong DĐĐT ở Hà Nam khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi.

- Tôi cho rằng, các địa phương để xảy ra tiêu cực một phần là do thiếu dân chủ, phần vì trình độ, năng lực quản lý của cán bộ cơ sở còn hạn chế, dẫn đến hiểu sai, hiểu chưa đúng và trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Ngoài ra, việc tiếp thu ý kiến và giải quyết kiến nghị của người dân còn chậm, thiếu linh hoạt, thậm chí chủ quan duy ý chí, dẫn đến sai lầm. Trách nhiệm của các cấp hội là giám sát, nếu phát hiện phải báo cáo với cấp trên, kiên quyết bảo vệ quyền lợi của người dân.

img

Nhưng có một thực tế, dù chúng ta đã có quy định là người dân được tham gia giám sát trong quá trình DĐĐT, nhưng khi người dân phát hiện tiêu cực và tố cáo, thì lại bị lãnh đạo địa phương đe dọa, thậm chí trù dập. Theo ông, cần xử lý việc này ra sao?


"Quan điểm của tôi là, phải xử lý triệt để, nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm, lợi dụng trục lợi trong DĐĐT, cũng như xây dựng nông thôn mới”.
Ông Nguyễn Duy Lượng

- Quan điểm của tôi là phải xử lý triệt để, nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm, lợi dụng trục lợi trong DĐĐT, cũng như xây dựng nông thôn mới (NTM). Có như vậy mới làm cho dân tin và giúp cho việc DĐĐT được hiệu quả, góp phần tiến tới sản xuất lớn.

Không chỉ có tiêu cực trong DĐĐT, ở nhiều địa phương còn phát sinh rất nhiều tiêu cực trong xây dựng NTM. Điều này phải chăng là do chúng ta thực hiện chưa đầy đủ quyền làm chủ, giám sát của người dân?

- Nếu các địa phương để xảy ra tiêu cực, trục lợi như báo nêu thì chắc chắn có nguyên nhân từ sự thiếu dân chủ, thì như tôi đã nói ở trên, quan điểm của Hội là phải xử lý dứt điểm, nghiêm minh các tập thể, cá nhân, theo tinh thần sai đến đâu, xử lý đến đó. Để làm được điều này, chúng ta cần phải đẩy mạnh sự quán triệt trong Đảng, Hội ND… về chủ trương xây dựng NTM và DĐĐT. Mặt khác, cần tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy chính quyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, thực hiện chương trình phải gắn với tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn…

Sẽ tăng cường giám sát


Trao đổi với NTNN, ông Tăng Minh Lộc (ảnh)- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) cho rằng, để hạn chế tiêu cực trong quá trình thực hiện DĐĐT, cần tăng cường sự giám sát của ngay cộng đồng nông thôn ở đó. Theo ông Lộc, bản chất của DĐĐT là một chủ trương đúng để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ do các thửa ruộng nằm phân tán. Thực tế, hiểu một cách đơn giản, DĐĐT là đổi ruộng cho nhau, chứ không phải là rũ hết ruộng đất ra để chia lại, chẳng hạn như một người này có 5 mảnh ở 5 nơi khác nhau, nay chúng ta gom lại thành một mảnh để đổi cho nhau.

img

Khi tiến hành DĐĐT, có một nguyên tắc là phải tiến hành họp dân để bàn bạc. Song ở nhiều địa phương, việc này lại không được thực hiện đầy đủ. Theo ông, đây có phải là nguyên nhân dẫn tới “lợi ích nhóm” trong DĐĐT?

- Thực tế cho thấy, trong thời gian qua có rất nhiều địa phương thực hiện tốt công tác DĐĐT như Thái Bình, Nam Định, Hà Nội… Thậm chí, như Hà Nội (dù còn một số nơi có tiêu cực), họ còn làm vượt cả kế hoạch, từ đó tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa tốt hơn. Song đúng là ở một số nơi đã có xảy ra tiêu cực, điều này là khó tránh khỏi, vì còn phụ thuộc vào trình độ và bản chất của cán bộ địa phương như thế nào. Có thể có những cán bộ “xấu” chỉ muốn nhận ruộng đẹp hay muốn lấy thêm diện tích cho mình, với những trường hợp đó thì thực sự chúng ta không thể lường trước được.

Thêm nữa, một vấn đề tiêu cực rất dễ nảy sinh khi tiến hành DĐĐT, đó là trước đây do chúng ta đo vẽ diện tích thửa ruộng bằng tay, nên diện tích không chuẩn, nay khi tiến hành đo lại bằng máy, chắc chắn sẽ nảy sinh những thắc mắc liên quan đến diện tích thực của mỗi hộ, cũng như tiêu cực (nếu có) khi cán bộ địa phương lợi dụng điều này để đo tăng diện tích cho ruộng nhà mình.

Vậy theo ông để hạn chế những tiêu cực trong DĐĐT, chúng ta cần thực hiện theo những nguyên tắc nào?


- Điều đầu tiên chúng ta cần thực hiện là phải công khai mảnh, thửa ruộng sẽ DĐĐT và phải thực hiện DĐĐT có nguyên tắc, có hội đồng giám sát. Đặc biệt, phải tạo được cơ chế giám sát theo đúng quy chế dân chủ, công khai và minh bạch. Một nguyên tắc nữa chúng ta cần thực hiện là số ít phải phục tùng số đông, bởi trong DĐĐT không thể tránh khỏi có ý kiến này, ý kiến khác. Mặt khác, việc bốc thăm, gắp phiếu để nhận ruộng cũng cần thực hiện công khai và có sự giám sát của chính người dân.

Ngọc Lê- Việt Tùng (thực hiện) (Ngọc Lê- Việt Tùng (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem