Lợi ích nhóm trong dồn điền đổi thửa: Ép buộc và lừa dân

Thứ tư, ngày 11/12/2013 07:02 AM (GMT+7)
Không công bố quy hoạch, không cắm mốc giới đường, kênh mương, tự ý trừ lại đất, “dụ” dân ký vào giấy trắng, rồi lập văn bản khống... đó là những việc khuất tất ở xã Xuy Xá (Mỹ Đức, Hà Nội).
Bình luận 0
Sau DĐĐT lại tăng thửa

Theo Quyết định 16 ngày 6.7.2012 của UBND TP.Hà Nội, Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí khi cơ sở thực hiện DĐĐT. Ngày 18.9.2012, UBND huyện Mỹ Đức có Quyết định số 1048 phê duyệt quy hoạch Chương trình xây dựng NTM của xã Xuy Xá. Không biết do hiểu sai, hay vì áp lực tiến độ mà lãnh đạo xã Xuy Xá đã bảo người dân rằng, nếu không DĐĐT sang năm 2014 sẽ không được hỗ trợ.

UBND xã Xuy Xá điều lực lượng để “cưỡng chế” việc đo ruộng của gia đình bà Trần Thị Tuyến.
UBND xã Xuy Xá điều lực lượng để “cưỡng chế” việc đo ruộng của gia đình bà Trần Thị Tuyến.

Ngay sau đó, các thôn rầm rộ họp bàn để triển khai DĐĐT và hiện đã có 10/11 thôn hoàn thành gắp phiếu, đang chia ruộng cho dân. Tuy nhiên, Sở NNPTNT Hà Nội đã có hướng dẫn ghi rõ: “... Ruộng sau chuyển đổi phải tiếp giáp với đường giao thông nội đồng, nhằm đảm bảo tính công bằng, thuận tiện cho tất cả các hộ gia đình, cá nhân...”. Tuy nhiên, lãnh đạo xã Xuy Xá đã làm ngược lại và không công bố bản đồ quy hoạch về các thôn.

Phần vì thôn, xã thúc ép, phần vì tin lãnh đạo xã, nên sau vài cuộc họp, người dân đã nhất trí gắp phiếu. Tuy nhiên, khi đi nhận ruộng, họ mới biết cánh đồng sau DĐĐT không có đường, kênh mương thủy lợi; thôn, xã cũng không cắm mốc, phóng tuyến trừ lại để làm đường và kênh mương sau này. Do đó, khi bà con không nhận ruộng, thôn, xã bèn “ép” đảng viên nhận trước, những hộ còn lại thì bị “đe” nếu không nhận ruộng thì xã không ký xác nhận khi xin giấy tờ, không xác nhận vay ngân hàng... Vì sợ bị trù úm nên nhiều hộ đành ấm ức nhận ruộng.

Ông Lê Văn Kim – Đội trưởng đội sản xuất số 4, thôn Nghĩa nói: “Trước đây nhà tôi có 3 thửa (720m2), đáng lẽ DĐĐT chỉ còn 1 thửa, nhưng gia đình tôi vẫn phải nhận 2 thửa cách nhau hơn 1km và bị thiếu 24m2. Nếu không nhận, họ bảo sẽ không cho xin giấy tờ, con cái đi học sẽ phê là không chấp hành...”. Bà Hoàng Thị Khả ở đội 4, thôn Đoài chán nản: “Thôn chỉ họp qua loa, rồi ép người dân đi gắp phiếu, nhận ruộng. Vì thôn không làm đường, kênh mương nội đồng nên tôi phản đối. Khi tôi lên thôn, xã hỏi thủ tục vay ngân hàng, họ bảo không chấp hành không cho vay”.

Ông Trần Văn Miền - thành viên Ban đo đạc đội 10, thôn Nghĩa khẳng định, lãnh đạo thôn không chia ruộng trên bản đồ mà chia trực tiếp trên thực địa, do đó có nhiều hộ trước đây 2 thửa, sau khi chia thành 3 thửa, thậm chí 4 thửa, như hộ bà Trần Thị Sáu, Nguyễn Văn Quyên... “Tôi đã nhiều lần góp ý cần trừ lại đất để làm đường, kênh mương, nhưng trưởng thôn đều gạt đi” – ông Miền nói thêm.

Phóng viên đã nhiều lần gọi điện, hẹn gặp làm việc nhưng ông Nguyễn Minh Đức – Trưởng thôn Nghĩa từ chối và nói: “Tôi làm đúng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, không có gì phải giải thích”. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Tiến Phước – Phó Chủ tịch UBND xã Xuy Xá cho rằng, xã đã công khai tất cả các bản đồ quy hoạch, quyết định ở hội trường thôn. Về việc không trừ đất để làm đường, kênh mương nội đồng, ông Đức lý giải: “Do kinh phí xã hạn hẹp, quỹ đất 5% còn ít, hơn nữa người dân không đồng tình góp đất nên xã không đủ khả năng làm. Chúng tôi thống nhất DĐĐT trước, sau này có điều kiện sẽ làm sau”.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Tuyến ở đội 10 khẳng định: “Chúng tôi chưa yêu cầu bê tông hóa đường, kênh mương mà chỉ yêu cầu cắm mốc giới. Ông Phước bảo người dân không chịu bỏ đất ruộng để làm đường, kênh mương là không đúng. Trong các cuộc họp, chúng tôi đã nêu ý kiến, nếu xã thiếu đất, chúng tôi sẵn sàng cắt ruộng để làm”.

Buộc dân phải gắp phiếu nhận ruộng


Không chỉ “ép” người dân nhận ruộng, lãnh đạo thôn Nghĩa, cụ thể là Trưởng thôn Nguyễn Minh Đức, Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Phương, ông Hoàng Văn Quang (trùm xứ họ) và ông Nguyễn Quang Đoàn (xã viên) còn mang giấy trắng đến 48 hộ có đất nằm trong khu vực dự kiến sẽ mở rộng nghĩa địa để “dụ” họ ký vào, sau đó mới viết nội dung biên bản. Ông Nguyễn Minh Chiêu ở đội 10 - người được xã viên cử đi đo ruộng kể: “Ông Đức, ông Quang và ông Đoàn cầm giấy trắng đến nhà tôi bảo ký vào. Tôi bảo không có nội dung tôi không ký thì họ nói để lập sau. Ký đổi đất sang nơi khác để làm nghĩa địa thì tôi đồng ý, nhưng lãnh đạo thôn lại không thỏa thuận với những hộ có ruộng ở nơi chúng tôi chuyển đến, mà cứ giao tù mù, dẫn đến một mảnh ruộng 2 chủ, xảy ra tranh chấp”.

Ông Lê Văn Sang – Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức khẳng định: Việc xã Xuy Xá DĐĐT nhưng không công bố quy hoạch, không cắm mốc, phóng tuyến đường, kênh mương nội đồng là sai. Huyện không chỉ đạo xã trừ lại 30m dọc đường 419. Quan điểm của huyện là đất của người dân đến đâu, chia đến đó. Nếu sau này đường mở ruộng, Nhà nước sẽ đền bù cho dân.

Đáng nói là khi người dân phản ánh, lãnh đạo thôn không sửa sai mà một mực ép dân làm theo “kế hoạch”. Ông Nguyễn Văn Kim (đội 10) cho biết: “Thôn không hề thỏa thuận mà tự ý cắt ruộng của nhà tôi giao cho ông Nguyễn Quang Đoàn có ruộng ở khu vực mở rộng nghĩa địa về. Cạnh nhà tôi, các hộ bà Nguyễn Thị Tình, Phạm Văn Nhiệm, Nguyễn Văn Vũ... cũng trong cảnh tương tự”. Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Tiến Phước nói: “Làm gì có chuyện đó. Chúng tôi họp dân, tất cả 48 hộ đều tự nguyện. Cả thôn chỉ còn 3 hộ không gắp phiếu”.

Do bất bình trước những việc làm khuất tất của lãnh đạo thôn Nghĩa và UBND xã Xuy Xá, 75 hộ dân đã không gắp phiếu, nhưng trước áp lực, thậm chí đe dọa của lãnh đạo thôn, xã, các hộ đành ngậm ngùi gắp phiếu. Chỉ còn hộ bà Trần Thị Tuyến, Trần Thị Thực và Nguyễn Thị Khung là đấu tranh đến cùng. Bà Tuyến nói: “Tôi đấu tranh là để đòi quyền lợi, sự công bằng. Nếu thôn, xã công bố quy hoạch, cắm mốc giới đường, kênh mương nội đồng rõ ràng, chúng tôi sẵn sàng nhận ruộng”.

Xung quanh việc DĐĐT, người dân nơi đây còn phát hiện xã đã tự ý cắt 30m tính từ mép đường 419 ra ruộng (khoảng 7.361m2) của người dân trừ lại để... bán đấu giá. Về vấn đề trên, ông Phước cho biết: “Chúng tôi làm theo chỉ đạo của cấp trên. Hơn nữa đường 419 đã cắm mốc giới nên chúng tôi chỉ chia ruộng cho dân từ mốc giới”. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi các giấy tờ, văn bản về việc quy hoạch mở rộng đường 419 thì ông Phước cho hay: “Huyện cũng chưa có giấy tờ nào mà chỉ nói mồm là sắp tới sẽ mở rộng đường 419”.

Dân và chính quyền xô xát

Đầu tháng 9.2013, tại cánh đồng Bòng Trong, xã Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) đã xảy ra vụ tranh cãi, xô xát giữa hàng trăm người dân với một số cán bộ Ban DĐĐT và Công an xã Cổ Đô, do người dân bức xúc trước những việc làm mờ ám, có dấu hiệu tư lợi của một số cán bộ địa phương. Đơn kêu cứu của bà Dư Thị Thuận ở đội 2, thôn Cổ Đô và 2 thành viên trong Tổ kiểm kê tài chính thôn Cổ Đô (nhiệm kỳ 2007 – 2010) cùng hàng trăm hộ dân thôn Cổ Đô gửi Báo NTNN đều phản ánh về việc khi tiến hành DĐĐT, chính quyền xã Cổ Đô, Ban Chỉ đạo DĐĐT xã đã làm sai nguyên tắc và quy trình hướng dẫn của Sở NNPTNT Hà Nội.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Thủy - Bí thư Đảng ủy xã Cổ Đô đã chỉ đạo sai nguyên tắc về thành lập Tiểu ban DĐĐT, giao cho bà Nguyễn Thị Thiết – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Cổ Đô làm Trưởng tiểu ban DĐĐT thôn Cổ Đô (theo văn bản hướng dẫn của Sở NNPTNT Hà Nội, không cho phép Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp điều hành Tiểu ban DĐĐT ở các thôn, xóm).


Người dân phản ánh: Từ lập Ban Chỉ đạo DĐĐT sai quy trình, dẫn đến xây dựng đề án DĐĐT cũng sai. Cụ thể, xã không tiến hành rà soát lại số hộ, số khẩu được giao đất theo Nghị định 64/1993; không thông báo công khai tại UBND xã, nhà văn hóa thôn. Khi tổ chức họp dân triển khai công tác DĐĐT ngày 15.5.2011, chỉ có chưa đến 100 người dân tham dự nhưng Ban Chỉ đạo DĐĐT xã khai là 350 người...
Trần Quang


Việt Tùng (Việt Tùng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem