Chẳng hạn, giá một nồi lẩu mắm Dạ Lý cỡ bốn người ăn, ở TP Cần Thơ gần 500.000 đồng, làm “xót đều hai con mắt”.
Hoặc quay ra vườn trái cây Vàm Xáng, thị trấn Phong Điền, TP Cần Thơ, thưởng thức lẩu mắm hủng hỉnh (mắm các loại cá vụn nhỏ: sặt, rô, bống tre...) quá đã! Tuy nhiên, tiền nghe ca cổ còn đắt hơn nồi lẩu, không dưới 200.000 đồng/người/giờ. Thắc mắc, “ca lẻ” bỉu môi, liếc xéo, giọng chì chiết: “Đờn ca tài tử Nam bộ đã được U-Nét-Cô (UNESCO) công nhận là di sản thế giới rồi, sao so bì với... mắm được?!” – Bó tay!
“Xì-Gòn” vui hơn! Bắt đầu với lẩu mắm cù lao, rừng rực lửa than, ở 140/13 Trần Huy Liệu, P.15, Q. Phú Nhuận, TP.HCM. Quạt gió mát rượi, đưa luôn tiếng nhạc không lời thánh thót vuốt ve. Miễn phí tất.
Phải công nhận, đạm cá sặt khi được lên men “một cách kỳ bí”, hiệp với tinh dầu sả tươi, nước xương hầm và nhiều loại cá, tôm, thịt tươi liền dậy mùi thống khoái. Vị nước hơi mặn, song khách có thể gọi thêm tô nước dùng ngọt tự nhiên, giá bằng ly trà đá ở nhà sang tại quận nhất: 10.000 đồng.
Dễ thương hơn, rổ rau lớn gấp 2 – 3 lần nồi lẩu, có gần chục loại hạp với mắm: rau nhút, bắp chuối, đậu bắp... Là lạ, có thêm những lá mồng tơi xanh mượt, lớn gần bằng bàn tay. Tổng cộng 200.000 đồng/lẩu, cỡ 3 – 4 người ăn no, giữ xe không tính tiền. Chơi đẹp!
Đã vậy, anh bạn đi cùng vốn là tay sưu tầm mắm có hạng, bình thản nói: Khách 8X, 9X sẽ không mê quán này. Nước cốt mắm phải loãng và thanh hơn. Ăn tiền là mùi mắm phải... quật cường hơn nữa.
Đành lấy mình làm chuột bạch, nếm thử tô bún mắm ở nhà hàng Ngon chính hiệu trên đường Pasteur, quận 1, TP.HCM. Đúng là thơm nức nở! Dường như, đầu bếp phối ít nhất từ hai loại mắm và biết cách xử lý để màu nước trong, độ mặn – ngọt hài hoà, hậu vị thanh hơn. Có cả miếng chả cơm tấm dẽ dặt, “má” hồng hồng ham vui tắm... mắm.
Người ăn sẽ no mùi, mát mắt trước khi sướng miệng. Lặng lẽ nhìn dòng xe cộ trước mặt hối hả trôi, rồi giật mình thấy tin nhắn mới quá nhiều. Tốn 60.000 đồng, cho một khởi đầu ngày mới thật thú vị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.