Về miền Tây ăn lẩu mắm

Thứ sáu, ngày 04/02/2011 07:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ khi nào lẩu mắm đã trở thành món ăn quen thuộc của người Việt ta. Nhưng để thưởng thức được hết vị ngon đặc sắc của nó thì phải về vùng sông nước Tây Nam bộ.
Bình luận 0

Lẩu mắm có xuất xứ từ dân Khmer, cùng gốc với bún mắm - một loại nước mắm kho làm nước lèo ăn bún hoặc ăn rau. Qua thời gian, món mắm kho được người dân miền sông nước Nam bộ biến tấu thành lẩu mắm có nét đặc trưng rất độc đáo với nguyên liệu chế biến từ cá đồng, cá sông và rau đồng.

 img
 

Lẩu mắm dễ nấu đấy! Nhưng chẳng phải cứ muốn là có nồi lẩu ngon, ăn một lần nhớ mãi hương vị miền Tây ngay đâu! Mắm dùng để nấu lẩu phải đỏ và thơm, thường là mắm cá sặt hoặc mắm cá linh của miệt Cà Mau, Châu Đốc là ngon nhất.

Cá bỏ lẩu là cá đồng, cá sông tươi, có thể chọn cá bông lau, cá lóc, cá rô, cá cạch, óc bưu (ốc bươu)... Vào mùa nước nổi, có thêm dĩa cá linh non thì không chê vào đâu được. Nhiều nơi còn có tôm, mực, nghêu, cá kèo...

 img
Sửa soạn món lẩu mắm. Ảnh: Hoàng Mai

Để cho sáu người ăn, cần 300g mắm để nấu nước lẩu. Mắm lọc bỏ xương lấy nước. Cho tỏi băm, sả, ớt vào nồi sấy vàng, cho thịt ba dọi vào xào thơm, tiếp tục đổ nước mắm vào, nấu sôi lên, nêm một ít đường, bột ngọt.

Để thưởng thức hết vị ngon của lẩu mắm thì khi ăn phải kèm với rau - Đặc sắc chính là ở điểm này! Phải là rau vườn, rau đồng, phải phong phú chủng loại và chỉ có ở vùng sông nước miền Tây, như rau muống, rau nhút, kèo nèo, rau đắng, rau má, lục bình, rau chân vịt, cải trời, bông so đũa, bông bí, bông súng, bông điên điển, bắp chuối, đậu rồng, ngó sen, khổ qua, cà phổi, nấm rơm…

Để mùi mắm dịu, ngọt tự nhiên, nên lấy một nắm sả đập dập bỏ vào nấu. Tiếp theo, cho cá vào chụng (trần) để nồi nước mắm có vị ngọt, rồi vớt ra dĩa, tiếp tục bỏ cà phổ, khổ qua (cắt miếng vừa ăn) và nấm rơm vào. Cuối cùng là múc ra lẩu để lửa liu riu.

Ăn lẩu mắm thường kèm với bún, khi ăn chụng rau vào và gắp ra liền cho rau vừa tái ăn sẽ ngon hơn. Ăn lẩu mắm ngon nhất khi rau phong phú. Món này ngày càng được ưa chuộng vì người ăn ngon miệng mà không sợ nóng và lên cân.

Đến miền Tây, không cứ vào hàng, quán xá mới thưởng thức được lẩu mắm đặc sản, mà hầu như nhà nào cũng có thể chế biến rất ngon món ăn này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem