Hình ảnh về ung thư đại trực tràng.
Mới đây, nhạc sĩ Trần Lập đã từ trần tại nhà riêng sau 4 tháng chiến đấu kiên cường với căn bệnh ung thư đại trực tràng ở tuổi 42 khiến nhiều người thương tiếc vì anh ra đi quá trẻ.
Chia sẻ về căn bệnh ung thư đại trực tràng, PGS.TS Hoàng Công Đắc (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) cho biết, bệnh ung thư đại tràng đứng thứ 5 trong các bệnh ung thư gây tử vong nhiều nhất sau ung thư phổi, gan, dạ dày, ung thư vú. Trong đó, bệnh ung thư đại trực tràng chiếm 50% số bệnh nhân bị ung thư đại tràng. Đây là vùng hay bị viêm nhiễm mãn tính dẫn tới ung thư.
PGS.TS Hoàng Công Đắc cho biết, nếu phát hiện sớm, bệnh ung thư đại trực tràng sẽ điều trị khỏi.
Bệnh thường có các dấu hiệu rối loạn đường tiêu hóa từ miệng đến hậu môn như ợ chua, bị rát sau xương ức, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đau bụng từng cơn đau quặn, phân lầy nhầy mũi máu thì cần đến bệnh viện chuyên khoa thăm khám và điều trị.
Thông thường, các biểu hiện trên hay gặp ở bệnh kiết lỵ. Tuy nhiên, nếu trong quá trình điều trị kháng sinh nhưng bệnh kiết lỵ không đỡ, bệnh nhân nên nghĩ đến ung thư và đi khám sớm để điều trị kịp thời.
“Bệnh ung thư đại trực tràng nếu phát hiện sớm sẽ điều trị khỏi được nhưng nếu phát hiện muộn sẽ rất khó điều trị, đây là bệnh di căn rất nhanh” – PGS Đắc nói.
Trao đổi về tình hình ung thư ở Việt Nam, PGS.TS Lê Đình Roanh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát hiện sớm ung thư chia sẻ, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 150 nghìn trường hợp ung thư mới phát hiện, trong đó, có 75 nghìn trường hợp chết vì bệnh ung thư. Dự báo đến năm 2020 mỗi năm có 200 nghìn trường hợp mới mắc và 100 nghìn trường hợp tử vong vì ung thư.
Trên Thế giới, theo thống kê, số người mới mắc ung thư năm 2008 là 12,7 triệu người, đến năm 2012 tăng lên 14,1 triệu người và số ca tử vong vì ung thư năm 2008 là 7,6 triệu người. Dự đoán đến năm 2030 sẽ có thêm 27 triệu người mới mắc ung thư, có khoảng 17 triệu ca tử vong và dự tính sẽ có 75 triệu người sống chung với ung thư.
Độ tuổi mắc ung thư ở trên thế giới thường từ 60 - 80 tuổi nhưng ở Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư tăng dần từ 45 – 60 tuổi ở cả 2 giới. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam chỉ chiếm 10% trong tất cả nguyên nhân gây tử vong. So với Trung Quốc, tỉ lệ tử vong do ung thư là 21%, Nhật Bản là 27% do ung thư.
Hiện nay, các nhà khoa học cũng chưa xác định được nguyên nhân gây ung thư nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư như tác động từ môi trường không trong sạch, ô nhiễm nguồn nước, khí thải, ô nhiễm bầu khí quyển. Mặt khác, mật độ dân cư cao nên lây nhiễm vi khuẩn, vi rút nhanh hơn.
Thực phẩm không đảm bảo chất lượng, có chất bảo quản, hun khói, sử dụng chất tăng trưởng, thực phẩm bị ô nhiễm, có thuốc trừ sâu, không rõ nguồn gốc xuất xứ,… cũng là yếu tố có nguy cơ gây ung thư.
Chế độ ăn nhiều thịt, nhiều chất béo như thịt bò, thịt có màu đỏ… cung cấp nhiều chất vào cơ thể. Nếu cơ thể không hấp thu hết sẽ sinh ra nhiều chất oxy hóa và có nguy cơ gây ra đột biến tế bào.
Ngoài ra, ăn nhiều thực phẩm muối, lên men như thịt hộp, cà muối, dưa muối, xúc xích, tương,… đều là thực phẩm có chứa chất bảo quản, lên men, nấm mốc sẽ không tốt cho sức khỏe. Yếu tố gia đình cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới ung thư, nếu trong gia đình có người mắc ung thư thì sẽ có tỷ lệ di truyền nhất định.
PGS Roanh khuyến cáo, để phát hiện sớm cũng như điều trị kịp thời ung thư, nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần.
PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) nói: “99% Ung thư đại trực tràng không phải thể di truyền, không phải là do bố mẹ truyền cho con mà là do ăn uống, ngẫu nhiên…. Chỉ có 1% ung thư đại trực tràng là do di truyền”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.