Mỗi nhà một vườn rau, vùng dân tộc Raglai ở Ninh Thuận, người khỏe, làng xanh, sạch, đẹp
Mỗi nhà một vườn rau, vùng đồng bào dân tộc Raglai ở Ninh Thuận, người khỏe, làng xanh, sạch, đẹp
Đức Cường
Thứ sáu, ngày 07/04/2023 06:02 AM (GMT+7)
Dù mới ra đời nhưng mô hình “Mỗi gia đình một mảnh vườn” ở xã miền núi Phước Chính, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) đã thu hút sự tham gia của nhiều người dân địa phương. Từ đó, giúp đồng bào dân tộc Raglai nơi xã nghèo hình thành thói quen trồng rau sạch để cải thiện bữa ăn, xây dựng cảnh quan sân vườn xanh-sạch-đẹp.
Việc triển khai thực hiện mô hình "Mỗi gia đình một mảnh vườn" vừa giúp người dân có rau sạch để cải thiện bữa ăn, vừa tăng thêm thu nhập để nâng cao chất lượng sống, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng tươi đẹp.
Rau sạch cải thiện bữa ăn gia đình Raglai ở Ninh Thuận
Một trong những hộ tiên phong thực hiện mô hình là bà Ka Dá Thị Huê, dân tộc Raglai ở thôn Suối Rớ, xã Phước Chính.
Dẫn chúng tôi mục sở thị vườn rau xanh mướt phía sau nhà, bà Ka Dá Thị Huê cho biết, khu vườn này trước đây chỉ được trồng ít bắp còn lại là đất trống mọc đầy cỏ dại.
Thế nhưng hơn một tháng trở lại đây, bà đã cải tạo toàn bộ 200 mét vuông khu vườn để chuyển sang trồng đủ loại rau xanh như: dền, cải, mồng tơi…
Được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương về giống và kỹ thuật chăm sóc, bà Huê tận dụng phân chuồng ủ với rơm rạ để cải tạo đất. Đồng thời, sử dụng nguồn nước giếng sẵn có để tưới rau bằng hệ thống phun sương nên vườn rau phát triển xanh tốt.
"Trước đây, nhà mình thường hay lên rừng hái rau hoặc phải mua rau về ăn nên bữa có, bữa không. Từ khi trồng rau, ngày nào cũng có rau sạch cho cả nhà ăn. Phần rau dư còn có thể để lại cho anh em, hàng xóm hoặc đem bán để kiếm thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình...", bà Ka Dá Thị Huê cho hay.
Cũng như bà Huê, chị Chamaléa Thị Nguyệt ngụ cùng thôn Suối Rớ đã bắt đầu trồng rau và thu hái được những lứa rau đầu tiên.
Vừa hái rau cải để chuẩn bị cơm trưa, chị Nguyệt vừa cho biết, từ khi UBND xã phát động mô hình "Mỗi gia đình một mảnh vườn"và được cán bộ Hội Nông dân và ngành nông nghiệp xã hướng dẫn chăm sóc, gia đình chị đã dọn phần đất bỏ trống sau nhà để trồng rau.
"Từ lúc trồng ra xanh đến giờ, mình thấy nhà mình xanh, đẹp hơn. Không gian sống trở nên sạch sẽ hơn, gia đình cũng có thêm nguồn rau sạch để ăn và bán lấy tiền để mua thêm nhu yếu phẩm nên cả nhà ai thích...", chị Nguyệt cho biết.
Nhiều bà con dân tộc Raglai ở xã Phước Chính cho biết, trước đây các hộ dân thường đi hái rau rừng để sử dụng trong các bữa ăn. Từ khi tham gia mô hình "Mỗi gia đình một mảnh vườn" mọi người đã bắt đầu nhận thức được về sử dụng rau sạch để an toàn cho sức khỏe gia đình.
Theo ghi nhận của Dân Việt, phong trào và mô hình này được rất nhiều người ủng hộ bởi ai cũng thấy rõ rau trồng trong vườn nhà, hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên an toàn tuyệt đối, có lợi cho sức khỏe cho mình và người thân…
Mô hình "Mỗi nhà một mảnh vườn" tại xã vùng cao Phước Chính, tỉnh Ninh Thuận. (T/h: Đức Cường)
Đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững
Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Phước Chính, mô hình "Mỗi gia đình một mảnh vườn" được triển khai trên địa bàn xã nhằm giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tích cực cho cuộc sống. Bà con hiểu rõ lợi ích của việc trồng rau sạch rồi sẽ tích cực lao động sản xuất, đặc biệt là cải thiện dinh dưỡng trong từng bữa ăn.
Cũng theo ông Hoàn, để nhân rộng mô hình, chính quyền địa phương cũng đã chọn các cán bộ thôn, làng làm thí điểm để tạo hiệu ứng cho người dân học tập. Ngoài ra, cấp ủy và chính quyền địa phương cũng hỗ trợ hạt giống, vật tư nông nghiệp và hướng dẫn kỹ thuật để người dân thực hiện ban đầu.
"Đây là mô hình dễ làm, dễ thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phù hợp với sức dân và gắn với đời sống hàng ngày nên người dân hưởng ứng nhiệt tình. Tuy chỉ mới phát động từ đầu năm nhưng đến nay đã nhân rộng được trên 20 hộ dân trên địa bàn xã...", ông Hoàn cho hay.
Được biết, song song với việc trồng rau, UBND xã Phước Chính cũng cũng vận động các hộ dân trồng các loại cây ăn trái, kết hợp với chăn nuôi vườn – ao - chuồng để tăng thêm thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Mẫu Thái Phương - Bí thư huyện ủy Bác Ái cho biết, thông qua việc hình thành các mô hình sản xuất, cải thiện bữa ăn gia đình như mô hình "Mỗi gia đình một vườn rau" sẽ góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương xã Phước Chính nói riêng và toàn huyện nói chung.
Việc này giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước xóa bỏ tập quán sản xuất truyền thống kém hiệu quả để chuyển sang mô hình mới phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Qua đó, góp phần đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên ổn định cuộc sống.
Huyện Bác Ái (Ninh Thuận) là một trong 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai (chiếm gần 90% dân số). Toàn huyện có 09 xã với 38 thôn, trong đó 31 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Những năm qua tình hình kinh tế - xã hội và đời sống người dân các xã trên địa bàn huyện Bác Ái đã từng bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên, cơ bản xóa được nhà tạm bợ, không còn hộ thiếu đói.
Riêng trong năm 2022 vừa qua, tổng giá trị sản xuất toàn huyện ước đạt 1.753 tỷ đồng, đạt 100 % kế hoạch. Trong đó, giá trị sản xuất ngành Nông - Lâm - Thủy sản đạt hơn 640 tỷ đồng; Công nghiệp – xây dựng hơn 730 tỷ đồng và Thương mại - Dịch vụ đạt hơn 376 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn 21,7 tỷ đồng, đạt 204,7%; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,6%.
Đến nay, hộ nghèo toàn huyện đã giảm còn 34,7% và hộ cận nghèo giảm còn 8,7%. Theo kế hoạch đến năm 2025, toàn huyện Bác Ái có ít nhất 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (Phước Đại và Phước Hòa). Đến 2030, thêm 3 xã đạt xã nông thôn mới (Phước Trung, Phước Tiến, Phước Bình).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.