Mời trầu đầu Giêng cho môi thắm, duyên nồng

Tiến Đạt Thứ bảy, ngày 07/03/2015 08:00 AM (GMT+7)
Người xưa vốn có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Mời trầu không chỉ riêng có trong dịp cưới, hỏi mà quê tôi Tiên Yên, Quảng Ninh) xưa kia và ngày nay vẫn giữ phong tục mời trầu đầu Giêng khi có khách viếng thăm.
Bình luận 0

Ở quê tôi trong những dịp tết, hội Xuân, cùng với bánh kẹo, thuốc nước tiếp đãi thịnh tình khách đến chơi nhà, nhà nào cũng có sẵn cơi trầu têm cánh phượng mời khách. Lệ mời trầu đầu Xuân thường được các gia đình để qua Rằm tháng Giêng để mời khách xa gần.

Người quê tôi quan niệm rằng mời trầu đầu xuân cho môi thắm duyên nồng, cho ai ăn vào cũng gặp vận đỏ may mắn cả năm, khách đường xa thì vạn lộ bình an, người buôn bán thì xuôi chèo mát mái, công việc hanh thông, người tri thức thì học hành đỗ đạt, người nông tang thì mùa màng bội thu. Ai cũng mong cho vận đỏ, vận son cùng khách trong cả một năm mới may mắn, thuận lợi.

img
Đĩa trầu mời khách trong lễ cưới, hỏi, hội Xuân (Ảnh: Tiến Đạt)

Và cũng vì thế, từ xưa theo lệ làng, hầu như nhà nào cũng có hàng cau trước ngõ và ngoài bờ giậu thêm vườn trầu. Ngay từ thủa niên thiếu, con trẻ đã được dạy cách têm trầu, lựa cau, ngoài đôi mươi các nam thanh nữ tú đều sành têm và học cách ăn trầu.

Nội tôi kể rằng ngày nội cỡ mười tuổi đã được cố ngoại dạy cho cách lựa cau buồng bánh tẻ, lá trầu vàng tươi để têm ra miếng trầu ngon mời khách. Nội hoài niệm những năm khốn khó tết đến xuân về thiếu thốn đủ bề thì miếng trầu đầu xuân là tấm thịnh tình mời khách viếng thăm. Nên nhà nào cũng để dành buồng cau ngon nhất gọi là cau bánh tẻ vừa tới hạt, không non, không già cùng những lá trầu tươi nhất vừa ngả vàng để têm ra những miếng trầu thơm mời khách. Cơi trầu têm ngày cuối năm được chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo bởi người quê tôi quan niệm để thể hiện tâm tình của chủ nhà và đức tính người têm, đặc biệt nhà có phụ nữ.

Nội kể rằng cố ngoại vốn là người kỹ tính nên dạy cho nội từ nếp ăn, nếp mặc và cả cách têm trầu. Cố nói với nội rằng miếng trầu không phân biệt sang hèn, no đủ hay khốn khó nhưng thể hiện tính nết của người têm và gia chủ mời trầu. Cau bổ đều nhau, vôi quệt vừa vặn, miếng trầu xếp ngay ngắn xoay đều trong đĩa là người cẩn thận, tỉ mỉ và ngăn nắp. Còn nếu cơi trầu xộc xêch, cau bổ phần to phần nhỏ, vôi tràn ra ngoài là người thiếu chu toàn và hoang phí. Đặc biệt nhà nào có thiếu nữ thường rất quan tâm việc này. Nội thừa hưởng sự cẩn thận của cụ cố từ thuở xưa nên thường dạy con cháu từ những điều nhỏ nhất và cả việc làm ra một cơi trầu ngày tết, ngày hội làng với nội cũng rất cầu kỳ.

Đầu xuân, khách đến chơi, chủ nhà sẽ mời những miếng trầu ngon nhất, khách vui vẻ nhận miếng trầu cho môi thắm, duyên nồng tình cảm thêm đậm đà, thắm thiết. Với người quê xưa, cơi cau, lá trầu không mang đến sự giàu nghèo, nhưng người ta gửi vào đó những tình cảm sâu nặng, thịnh tình và mong muốn vun đắp gìn giữ nó. Cả người gửi và người nhận đều trân trọng món quà đầu xuân như trân trọng những tình cảm tốt đẹp giữa hai bên.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem