Món ngon từ loài rau choai ở U Minh

Hai Miệt Vườn Thứ năm, ngày 11/09/2014 06:30 AM (GMT+7)
Như một sự hữu duyên thiên lý, ngay từ những ngày đầu dân tứ phương về mảnh đất tận cùng trời Nam khẩn hoang lập nghiệp, họ đã gặp thứ dây leo mọc hoang với sự tái sinh khủng khiếp: dây choại, dân gian đọc trại thành chạy! Cũng không biết chừng chạy để chỉ sự lan tỏa nhanh chóng của thứ cây này (?).
Bình luận 0
Chả thế mà mọi người dân miền sông nước Cửu Long giang không ai lạ gì câu ca xưa:

Rủ nhau lên đất bảy làng/ Hái rau choại đá, nhổ bàng về đương

Choại đá luộc chấm nước tương/ Bàng thì đương nóp người thương tôi nằm

Thiên nhiên vùng đất Tây Nam bộ với mênh mông những cách đồng ngập nước. Dọc theo các triền sông, rạch các loại cây to như tràm, vẹt, bần, bình bát, trâm bầu, … mọc xanh rờn. Bám quanh theo những thân cây lớn đó là cóc kèn, choại, …

img
Choại mọc dày đặc ven sông

Choại thuộc họ dây leo, thân bò đến đâu thì bám rễ đến đó, sống được trong vùng bưng, trũng nhờ bộ rễ có sức hút nước mạnh, đặc biệt rất thích nghi với vùng đất nhiễm phèn. Rau choại có nhiều loại. Dựa vào những đặc điểm và môi trường sống của nó, dân gian gọi bằng những cái tên khác nhau: Choại đá, choại vườn, choại rừng, chột lụi, rau ván… Tất cả các loại rau choại trên đều ăn được, tuy nhiên mỗi loại có những mùi vị riêng.

Hễ công việc đồng áng tạm khuây khoa, cứ việc xách rổ ra vườn, đi dọc mé sông hái đọt choại, chỉ thoáng qua là đủ ăn cho cả nhà năm người. Có điều, người đi hái cũng cần cảnh giác bởi loại rắn lục có độc tố thường hay sống lẫn trong đám choại bò chằng chịt.

Rau choại đá toàn thân có màu xanh đọt chuối, mọc thành bụi, lá già to cao trông tựa lá dương xỉ rất đẹp; ăn có vị chát, đắng. Với vị chát đặc trưng của rau choại đá, người ta thường dùng nó để nấu món canh chua với cá rô đồng, cơm mẻ. Đây là món ăn đặc trưng của vùng đất U Minh (giáp giữa Kiên Giang và Cà Mau).

Bắc nồi nước sôi trụn sơ chột non của choại đá rồi trút ra rổ cho ráo nước choại sẽ bớt đắng, chát. Bắc nồi nước khác có cơm mẻ nấu sôi, thả cá rô đồng vào, nước sôi lại, vớt bọt, nêm nếm vừa ăn mới thả rau choại đã trụn nước vào. Bên nồi cơm nóng, chén canh chau rau choại cham với muối, ớt pha với chính nước canh chau ấy thì no lòng người miền quê biết dường bao.

img
Rau choại luộc

Choại rừng toàn thân và lá đều có màu xanh nhạt pha lẫn chút hồng, lá non có màu hồng thẫm. Loại này hái về luộc chấm với mắm kho, cá kho, … Dây choại rừng già còn được người dân bứt về, phơi khô làm dây bên lộp, bên đăng. Thứ dây rừng chịu nước một hai mùa vẫn trơ trơ.

Choại vườn có thân cao, to, thường mọc chen theo những bụi tre gai, liếp dừa, trong vườn cây tạp, dọc mé sông, thích nghi ở những vùng nước ngọt, nhiễm phèn nhẹ. Đọt rau choại vườn mập mạp, vị ngọt, ăn rất giòn, ngon hơn choại rừng. Loại choại này đem xào với tép bạc, chấm nước tương thì ngo ngọt khó gì bằng.

img
Choại xào tép

Những bậc cao niên ở miền Tây Nam bộ thỉnh thoảng còn kể cho con cháu nghe, ngày trước khi ông bà đến đây, dừng chân trú ngụ vùng đất mênh mông vẳng vẻ này, lúa thóc hiếm hoi, nhiều khi phải ăn cháo cho qua mùa giáp hạt. Khi ấy, trong nồi cháo không có bông súng, củ co thì phải có đọt choại độn mới … đủ no lòng.

Dấu ấn của món ăn ngày đầu mở cõi của người bình dân, nay dường như phảng phất đâu đó trong món canh kiểm. Bí rợ, chuối xiêm, dừa khô, khoai môn, khoai mì, … nấu chung rồi nêm đường. Nhưng không dừng ở đó, nhiều lúc người ta còn đọt choại non thêm vào.

Có lẽ chất nhớt, vị chan chát đã trở thành thứ đặc trưng gắn liền với đời sống của người bình dân, khiến họ không thể nào quên được vậy. Nó như lời bộc trực của một chàng trai nào đó bày tỏ gia cảnh với người mình ngỏ ý:

Đói lòng hái choại về ăn/Cháo rau qua bữa ngại ngần chi em! – Ca dao
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem