Nông dân một ấp ở Cà Mau làm nghề gì mà xóa trắng hộ nghèo, nhà nào cũng phấn khởi làm giàu?

Hoàng Hạnh - Thể Trần Chủ nhật, ngày 03/12/2023 06:28 AM (GMT+7)
Từ nguồn vốn vay của các Chương giảm nghèo bền vững, người dân ở ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) đã áp dụng phát triển nhiều mô hình đem về thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm, góp phần xóa trắng hộ nghèo.
Bình luận 0

Ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) nằm trên lâm phần rừng tràm, có xuất phát điểm thấp, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Nông dân một ấp ở Cà Mau làm nghề gì mà xóa trắng hộ nghèo, phấn khởi vương lên làm giàu ?   - Ảnh 1.

Cơ sở hạ tầng trong ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) được nhà nước đầu tư đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa của người dân với các vùng lân cận, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Ảnh: Thể Trần

Nhưng trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn kịp thời của các cấp, các ngành, cộng với ý thức tự vươn lên của người dân đã tạo sự thay đổi ở ấp 12.

Việc này là do ấp đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, phát huy hết nội lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, đưa ấp 12 trở thành một trong những ấp khá giàu của huyện, đến nay ấp đã lần thứ hai xoá trắng hộ nghèo.

Chia sẻ về niềm vui, phấn khởi của người dân trong ấp 12 ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Đồng Khởi cho biết, từ khi được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đời sống của bà con trong ấp ngày càng được nâng lên rõ nét.

"Cụ thể là từ khi con lộ 7 kênh được nâng cấp, mở rộng đấu nối liền mạch với xã Biển Bạch, xã Tân Bằng của huyện Thới Bình, việc trao đổi giao thương hàng hoá tốt hơn trước rất nhiều. 

Ngoài ra, có lộ lớn thông thoáng xe 4 bánh đi được nên người già, người bệnh cần cấp cứu gấp cũng thuận tiện", ông  Khởi nói. 

Nông dân một ấp ở Cà Mau làm nghề gì mà xóa trắng hộ nghèo, phấn khởi vương lên làm giàu ?   - Ảnh 2.

Ông Danh Săn phấn khởi khi được nhà nước hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi heo, xây dựng được mô hình ổn định nên gia đình ông viết đơn xin thoát nghèo. Ảnh: Thể Trần

Theo bà con, khi hàng hoá được lưu thông, sản phẩm nông nghiệp của người dân làm ra được tiêu thụ ổn định đã kích thích nhu cầu sản xuất của nông dân.

Nhờ vậy mà nhiều mô hình kinh tế mới được người dân trong ấp quan tâm đầu tư nhân rộng như: Mô hình nuôi heo hướng nạc, mô hình nuôi thỏ, nuôi bồ câu, mô hình nuôi rắn ri tượng, nuôi lươn không bùn… mang về nguồn thu nhập từ 50 -70 triệu đồng/năm; cá biệt có mô hình mang về nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Không chỉ mạnh dạn đầu tư sản xuất, người dân trên địa bàn ấp còn chủ động, sáng tạo trong việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. 

Nếu như trước đây bà con trong ấp xem cây tràm là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế gia đình thì những năm gần đây, khi cây tràm rớt giá, bà con đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây keo lai thâm canh kết hợp trồng chuối để lấy ngắn nuôi dài.

Nông dân một ấp ở Cà Mau làm nghề gì mà xóa trắng hộ nghèo, phấn khởi vương lên làm giàu ?   - Ảnh 3.

Nhờ được vay từ nguồn vốn giảm nghèo bền vững của nhà nước, gia đình chị Trần Thị Pha, ấp 12 xã Khánh Thuận, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) đầu tư vào mô hình trồng màu đem về nguồn thu hàng chục triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Thể Trần.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng ấp 12 cho biết, mô hình trồng cây keo lai kết hợp trồng chuối hiện mang lại hiệu quả khá cao. 

Cây chuối sau một năm là bắt đầu cho nguồn thu ổn định hàng tháng đủ trang trải cuộc sống gia đình, đến khi thu hoạch keo lai cho thu nhập từ 180 -200 triệu đồng/ha. 

Ngoài ra, chính quyền ấp 12 còn phân công đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế gia đình. 

Đến nay, ấp có 48 hộ vay vốn với tổng dư nợ hơn 1,4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này, người dân đã tập trung cải tạo đất phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi và mua bán nhỏ để phát triển kinh tế gia đình.

Nông dân một ấp ở Cà Mau làm nghề gì mà xóa trắng hộ nghèo, phấn khởi vương lên làm giàu ?   - Ảnh 4.

Mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế đang trở thành phong trào của người dân ở ấp 12 nói riêng và huyện U Minh nói chung. Ảnh: Thể Trần

Ông Nguyễn Minh Đạo cho biết, trước đây gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, năm 2020 gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng chính sách, có vốn ông đầu tư chăn nuôi và mua bán tạp hoá nhỏ, nhờ vậy mà điều kiện kinh tế gia đình dần được cải thiện, hiện gia đình ông đã trả hết nợ và cũng viết đơn tình nguyện xin thoát nghèo. 

Hay như hộ ông Danh Săn người đồng bào dân tộc Khmer, chỉ có mảnh đất nhỏ khoảng 200 m2 quanh nhà để vợ chồng ông trồng màu lo cho cuộc sống hàng ngày. 

Năm 2023, từ nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gia đình ông Săn được hỗ trợ 3 con heo giống và thức ăn để thực hiện mô hình nuôi heo thương phẩm.

"Qua hơn 2 tháng nuôi, hiện đàn heo của gia đình phát triển tốt, đạt trọng lượng hơn 70kg, hứa hẹn sẽ cho gia đình tôi nguồn thu nhập khá khi xuất chuồng, nhờ có được mô hình kinh tế này nên gia đình tôi đã tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo", ông Săn nói.

Ông Phạm Quốc Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cho biết, năm 2023, ấp 12 có 4 hộ nghèo, qua việc giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp, các ngành, cũng như ý thức tự vươn lên của người dân, đến nay các hộ này cơ bản đủ điều kiện để thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới. 

Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà ở, vốn, để các hộ này phát triển mô hình kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững.

         

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem