Ngành học này không bao giờ sợ lỗi thời, 100% sinh viên ra trường có việc làm ngay

Cẩm Thạch Thứ bảy, ngày 12/08/2023 12:22 PM (GMT+7)
Sinh viên học ngành Công nghệ ô tô có cơ hội việc làm rộng mở, sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay. Tuy nhiên, để có mức lương cao thì sinh viên cần phải được đào tạo bài bản về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng làm việc.
Bình luận 0

Ngành Công nghệ ô tô là gì?

Công nghệ ô tô hay ở một số trường đại học, cao đẳng khác còn gọi là ngành Kỹ thuật ô tô là ngành học tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực như: Cơ khí, tự động hóa, điện – điện tử và công nghệ chế tạo máy, chuyên về khai thác, sử dụng và quản lý dịch vụ kỹ thuật ô tô, điều hành sản xuất phụ tùng, lắp ráp, cải tiến và nâng cao hiệu quả sử dụng; trang bị cho sinh viên sẽ những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về cơ khí ô tô, về máy động lực, hệ thống truyền động, truyền lực, cơ cấu khí, hệ thống điều khiển.

Từ đó, các sinh viên theo học có khả năng áp dụng những nguyên lý kỹ thuật cơ bản, kỹ năng thực hành cao và các kỹ năng liên quan đến ô tô vào thực tế công việc.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Công nghệ ô tô là ngành học không bao giờ sợ thất nghiệp trong hiện tại và cả tương lai, kéo theo nhu cầu nhân lực của ngành sẽ ngày một gia tăng.

Ngành Công nghiệp ô tô tại Việt Nam trong những năm gần đây có tốc độ phát triển rất nhanh. Dự báo của Bộ Công Thương gần đây cho hay, tiềm năng thị trường ô tô đến năm 2025 đạt mức khoảng 800-900.000 xe/năm, trong đó dòng xe dưới 9 chỗ (phân khúc xe gia đình và xe cá nhân) sẽ tăng trưởng mạnh, chiếm trên 70% thị trường.

TS Lê Danh Quang, Trưởng khoa Công nghệ ô tô, Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội cho rằng, ngành Công nghệ ô tô là ngành hot, do thực tế xã hội mật độ ô tô cao, nhu cầu nhân lực đáp ứng cho ngành nghề này cũng tăng theo. Khi ra trường 100% sinh viên có việc làm.

Một ngành học không bao giờ sợ lỗi thời, 100% sinh viên ra trường có việc làm ngay - Ảnh 1.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều học sinh, sinh viên trường nghề đã được tham gia hội nghị tuyển dụng việc làm. Ảnh: (lao động học ngành Công nghệ ô tô) - N.T

Mức lương ngành Công nghệ ô tô bao nhiêu?

Theo thông tin từ Trường Cao đẳng công nghệ Bách khoa Hà Nội, là ngành khát nhân lực nên sinh viên ngành Công nghệ ô tô sau khi ra trường có thể nhanh chóng có việc làm và đảm nhận các vị trí sau đây:

Kỹ sư thiết kế tại các nhà máy, trung tâm nghiên cứu của các tập đoàn ô tô trong nước và quốc tế.

Kỹ sư vận hành hệ thống tại các nhà máy sản xuất phụ tùng, phụ kiện và lắp ráp ô tô – máy động lực.

Kỹ sư tại các tập đoàn công nghiệp, công ty trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo ô tô và xe chuyên dụng, vận tải và khai thác các thiết bị xe-máy công trình, dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng.

Kỹ sư tư vấn, thiết kế, vận hành, giám sát tại các phòng kỹ thuật, phòng sản xuất, phòng nghiên cứu và phát triển, phòng thiết kế các cơ sở sản xuất, thiết kế, sửa chữa ô tô – máy động lực, các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, trạm sửa chữa ô tô.

Kỹ sư kỹ thuật tại các cơ quan quản lý nhà nước về phương tiện giao thông đường bộ và công nghiệp ô tô.

Giảng dạy kỹ thuật, tại trường dạy nghề, các trường đại học kỹ thuật, cao đẳng kỹ thuật trên khắp cả nước.

Nhân viên kinh doanh tại các doanh nghiệp, công ty tập đoàn kinh doanh ô tô, máy động lực, phụ tùng ô tô…

Mức lương ngành Công nghệ ô tô phụ thuộc vào năng lực chuyên môn và kinh nghiệm từng người. Tuy nhiên, những sinh viên mới ra trường thu nhập nhận được khoảng 7-9 triệu/tháng.

Với những người có kinh nghiệm trong nghề, thợ cứng mức lương trung bình từ 9 – 12 triệu. Riêng những kỹ sư thâm niên kinh nghiệm trên 5 năm, hay cấp quản lý, quản đốc mức lương có thể lên đến 20-40 triệu/tháng).

Để có mức lương cao thì sinh viên cần phải được đào tạo bài bản về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng làm việc.

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Phó Trưởng bộ môn Ô tô và xe chuyên dùng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thực tế, 100% sinh viên ra trường đều có việc làm sau 6 tháng và không ít người được tham gia vào quá trình thiết kế, sản xuất xe hơi của những thương hiệu ô tô lớn trên toàn cầu.

Thầy Lê Đức Triệu - Trưởng khoa Động lực, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội chia sẻ, chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung và các khoa công nghệ ô tô hiện nay đang đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy với 25% - 30% lý thuyết - 70% thực hành. Chất lượng đội ngũ giảng viên cũng được chú trọng với các thầy cô kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao; hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại giúp sinh viên có cơ hội thực hành, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp,... cơ hội thực hành, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp,...

Là sinh viên năm thứ 2 ngành Công nghệ ô tô tại Cao đẳng Trường Cao đẳng công nghệ Bách khoa Hà Nội, Lê Quốc Khánh (quê Phú Thọ) cho Dân Việt biết, từ năm lớp 12, Khánh đã "nhắm" đây là ngành nghề hot trong tương lai nên đăng ký xét học bạ vào trường. Nam sinh này cho hay, sau tốt nghiệp, có thể xin việc vào các hãng, các tập đoàn sản xuất ô tô, hoặc nếu không, sẽ về quê mở garage sữa chữa ô tô riêng để thỏa mãn ước mơ làm chủ.

Các trường đào tạo ngành Công nghệ ô tô/Công nghệ kỹ thuật ô tô

Hiện nay, trên cả nước có nhiều trường đào tạo ngành Công nghệ ô tô/Công nghệ kỹ thuật ô tô. Điểm chuẩn đầu vào tùy thuộc vào uy tín cũng như danh tiếng của trường. Có thể kể đến như: Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Công nghiệp Hà Nội; Đại học Giao thông vận tải; Đại học Công nghệ Giao thông vận tải; Đại học Hàng hải; Đại học Sao Đỏ; Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng; Đại học Bách Khoa – ĐHQG TP.HCM; Đại học Công nghiệp TP.HCM; Đại học Sư phạm Kỹ thuật – ĐHQG TP.HCM...



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem