Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Thị trấn Cái Ðôi Vàm (huyện Phú Tân) được xem là “thủ phủ” tỉnh Cà Mau về con cá khoai, và cá khoai Cái Ðôi Vàm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ nhiều năm nay.
Thế nhưng, hơn 2 năm trở lại đây, trên vùng biển Cà Mau, nguồn cá khoai cạn kiệt, những người làm nghề sản xuất sản phẩm từ con cá khoai bắt buộc phải nhập nguyên liệu từ các nước khác để “giữ nghề”, với niềm hy vọng những chuyến biển sau, thuyền sẽ đầy ắp cá khoai về bến…
Hơn 2 năm nay, các cơ sở tại thị trấn Cái Ðôi Vàm phải nhập hàng từ các nước như Indonesia, Ấn Ðộ... để chế biến, có nguồn hàng cung ứng cho các đại lý trong nước.
Có thâm niên hơn 20 năm làm nghề kinh doanh các mặt hàng khô, chị Thái Thị Phần, Khóm 4, cho hay: "Khi cá khoai được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, những người kinh doanh như chúng tôi vui lắm vì sản phẩm có thương hiệu, có nguồn gốc, người tiêu dùng rất an tâm sử dụng.
Theo đó, đầu ra mặt hàng này tăng, nhất là vào các dịp Tết. Nhưng khoảng hơn 2 năm trở lại đây, nguồn cá khoai tươi đứt đoạn.
Ðể giữ mối, những doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi hùn với nhau tìm nguồn hàng cá khoai từ nước ngoài”.
Các chủ kinh doanh ở đây cho biết, nguồn cá khoai mua từ các nước tuy giá cả không đắt nhưng không ngon bằng cá tại địa phương vì đã qua đá nhiều ngày, khi rã đông làm khô, vị cá không còn ngon.
Những giàn cá khoai như thế này giờ rất hiếm thấy ở thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau). (Ảnh chụp năm 2022).
Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Ðôi Vàm, lo ngại: “Thời gian gần đây, nguồn cá khoai trên địa bàn thị trấn giảm nghiêm trọng, sản lượng cá khoai năm sau giảm hơn năm trước.
Việc nhập cá khoai từ các nước lân cận chỉ là giải pháp tạm thời. Ðiều đáng lo là nhãn hiệu tập thể có thể giữ vững được trong thời gian tới hay không?”.
Theo nghề “cha truyền con nối”, anh Lữ Tấn Lợi, Khóm 3, có hơn 40 năm kinh nghiệm với nghề “bà cậu” nhưng chưa bao giờ gặp cảnh thất mùa liên tục như những năm gần đây.
Anh Lợi chia sẻ: “Làm nghề biển thì có con nước vầy, con nước khác cũng là chuyện bình thường, nhưng chưa bao giờ nguồn lợi thuỷ sản giảm như những năm qua.
Hằng năm, mỗi mùa cá khoai ngư dân ở đây xem như “hốt bạc”, nhưng giờ thì không còn nữa. Cứ hy vọng con nước sau gỡ gạc, nhưng nhiều con nước trôi qua, những hộ đánh bắt như chúng tôi đều chung cảnh thua lỗ”.
Đa phần các hộ dân thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau có chung niềm tin chuyến biển sau sẽ trúng cá khoai hơn chuyến biển trước.
Trước đây, khi phương tiện khai thác vào, ngoài cân cho bạn hàng thì anh Lợi còn nguồn hàng để sang lại cho các vựa ở địa phương làm khô, nhưng giờ khan hiếm, thậm chí đôi khi không có nguồn cân cho bạn hàng.
Mùa cá khoai tầm từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch, nhưng năm nay, đến giờ này gần hết mùa mà những người làm nghề khai thác cá khoai trên địa bàn thị trấn vẫn than “chưa thấy gì”.
Hộ nào cũng cảm thán: "Giờ làm nghề biển này chỉ dừng lại ở mức sống được, chứ nói làm giàu từ biển thì chắc không thể rồi!".
Anh Lợi bộc bạch: “Nguồn lợi sụt giảm, giá nguyên vật liệu tăng cao, giá xăng dầu đội lên, có khi đánh bắt cả con nước vào không đủ bù lỗ. Nếu Nhà nước không can thiệp thì những người dân còn chịu khổ hơn nữa”.
Thị trấn Cái Ðôi Vàm có 232 phương tiện khai thác thuỷ sản và có gần 50 phương tiện khai thác ven bờ. Ðây là những phương tiện “3 không”: không đăng ký, không đăng kiểm, không được cấp giấy phép hoạt động, nhưng vẫn ra vào khai thác thuỷ sản.
Ngư dân cửa biển Cái Ðôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) duy trì nghề làm khô cá đù, cá mai, cá rún...
Ông Kha bộc bạch: “Biên phòng quản lý nhưng không thể cấm các phương tiện này ra khơi khai thác, vì nếu không ra khơi thì họ sống bằng nghề gì? Ðây là cái khó hiện nay. Giờ khai thác thuỷ sản theo hình thức huỷ diệt, ở đâu cũng có.
Vấn đề cấp bách hiện nay là cần khôi phục và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trước khi quá muộn. Với góc độ ở địa phương, tôi mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân bám biển. Tuy nhiên, việc khai thác phải đi kèm với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản”.
Ông Kha so sánh, như ở nước ngoài, người ta có mùa khai thác, mùa nghỉ để tạo điều kiện cho các giống thuỷ sản vào bờ sinh sản, còn ở Việt Nam thì chúng ta khai thác quanh năm, đây cũng là yếu tố dẫn đến làm giảm nguồn tài nguyên biển.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Cái Ðôi Vàm tăng cường tuần tra, không cho các phương tiện thuỷ nội địa khai thác với hình thức huỷ diệt.
Và câu chuyện bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phát triển kinh tế biển tại địa phương vẫn còn loay hoay, chưa tìm được hướng đi thích hợp. Kế hoạch thì nhiều nhưng chỉ nằm trên giấy vì không có kinh phí triển khai, nên dù có muốn thì cũng “lực bất tòng tâm”.
“Những năm trước, ghe biển Kiên Giang vào cửa biển này nhiều lắm, nhưng giờ không còn phương tiện nào vì cửa biển đã cạn.
Ðịa phương đã rất nhiều lần đề xuất nạo vét nhưng chưa được phê duyệt. Nếu cửa biển Cái Ðôi Vàm được nạo vét sẽ thu hút được lượng lớn ghe tàu có công suất vào neo đậu, thì thị trấn phát triển hơn về dịch vụ hậu cần nghề cá, giúp người dân phát triển kinh tế hơn, đồng thời cũng giúp các phương tiện khai thác gần bờ chuyển đổi sang nghề khác như vận chuyển hàng hoá chẳng hạn”, ông Kha cho biết.
Thị trấn biển giờ không còn nhộn nhịp, sầm uất như trước, những người làm nghề khai thác thuỷ sản buồn hiu khi hỏi về những chuyến biển gần đây.
Dẫu đang đối diện "mùa biển mặn", nhưng trong ánh mắt ngư dân vẫn ánh lên niềm tin mãnh liệt vào những chuyến biển khả quan sắp tới...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.