Mỹ từng âm mưu ngăn cản Liên Xô tổ chức Olympic ra sao?

Thanh Trung Thứ tư, ngày 19/02/2020 19:31 PM (GMT+7)
Trong ý đồ cô lập và muốn đốt lên một ngọn lửa Olympic khác ở bên ngoài biên giới Liên Xô, các đồng minh thân cận của Mỹ như Anh, Italia đều có sự ủng hộ rất hiệu quả đối với đề xuất...
Bình luận 0

Hồi năm 2004, tờ Sunday Telegraph (Anh) đã công bố các tài liệu được giải mật của Chính phủ và Quốc hội Mỹ những năm 80, trong đó có các bằng chứng về việc Washington không chỉ tìm mọi cách ngăn chặn việc tổ chức Olympic mùa hè thứ 22 tại Moscow mà còn có ý đồ tổ chức một cuộc thi đấu thể thao giống như Olympic tại Bờ Biển Ngà ở châu Phi nhằm đối kháng với Liên Xô.

img

Gấu Misa-biểu tượng của Olympic Moscow 1980.

Có điều kế hoạch thâm hiểm này không thể thực hiện được và Bờ Biển Ngà cũng không có được cơ hội là nước châu Phi đầu tiên tổ chức Olympic.

Cùng với những bất đồng trong Chiến tranh Lạnh, hơn nữa, việc Liên Xô đưa quân sang Afghanistan đã tạo ra sự phản đối trong cộng đồng quốc tế. Một số đã tiến hành các biện pháp ngăn cản việc tổ chức Olympic tại Liên Xô. Điều này làm cho người Mỹ rất hí hửng, nhất là khi họ đang muốn tìm mọi cách hạ thấp và làm mất uy tín, ảnh hưởng của Liên Xô đối với khu vực và thế giới.

Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tìm mọi cách để thực hiện ý đồ ngăn chặn Liên Xô tổ chức Olympic một cách có hiệu quả. Trước đó, ông ta đã chỉ đạo các quan chức chính phủ và Bộ Ngoại giao Mỹ đi diễn thuyết để khuyên Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) thay đổi địa điểm đăng cai. Theo đó, có thể chuyển địa điểm tổ chức Olympic đến Athens, Hy Lạp hoặc Canberra, Australia. Mặt khác, Jimmy Carter hy vọng thông qua việc  này có thể kích động, cổ súy cho các quốc gia đang phát triển có lập trường trung lập tham gia vào hàng ngũ các nước ngăn cản Moscow tổ chức Thế vận hội 22.

Sau những động thái ngoại giao này, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã đi du thuyết đến một đất nước trước đây là thuộc địa của thực dân Pháp, Bờ Biển Ngà, nằm ở khu vực Trung Tây Phi để khuyên nước này đứng ra tổ chức một cuộc thi thể thao tương tự như Olympic.

Tháng 2/1980, quốc hội Mỹ gửi đến cho cơ quan ngoại giao Mỹ tại Bờ Biển Ngà bản vong lục yêu cầu đại diện ngoại giao của nước này đưa ra đề nghị trên đối với chính phủ Bờ Biển Ngà.

Sở dĩ, Mỹ lựa chọn Bờ Biển Ngà do đây là nước có tình hình kinh tế, chính trị tương đối ổn định ở châu Phi và tổng thống đương nhiệm của nước này khi đó có lập trường thân Mỹ, các nước phương Tây và chống đối Liên Xô.

Trong ý đồ cô lập và muốn đốt lên một ngọn lửa Olympic khác ở bên ngoài biên giới Liên Xô, các đồng minh thân cận của Mỹ như Anh, Italia đều có sự ủng hộ rất hiệu quả đối với đề xuất.

Trong hoàn cảnh đó, Quốc hội Mỹ hy vọng sẽ phát triển Olympic tại 4 hoặc 5 nơi đăng cai và mỗi châu lục sẽ có một nơi tổ chức. Tài liệu còn cho thấy Chính phủ Mỹ đã mất rất nhiều tâm sức thuyết phục IOC với ý đồ làm cho tổ chức này tin rằng, nếu như một cuộc thi đấu thể thao được tổ chức tại  một nước bên ngoài Liên Xô, thì các vận động viên Liên Xô sẽ không bị ngăn cản tới đó thi đấu.

Ngoài Bờ Biển Ngà, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ còn gửi công điện mật đến cho các sứ quán Mỹ tại Rome, Tokyo và Bắc Kinh để yêu cầu các đại sứ này đẩy mạnh việc vận động ngoại giao con thoi đối với các nước Italia, Nhật và Trung Quốc đồng đăng cai và tổ chức đại hội thể thao tương tự Olympic theo kế hoạch của Mỹ.

Có điều, các tài liệu, văn bản của Chính phủ Mỹ không nói rõ vì sao rốt cuộc họ lại từ bỏ kế hoạch này và cũng không nói rõ quy mô họ tổ chức một đại hội thể thao dự định tại Bờ Biển Ngà. Nhưng theo các nhà phân tích, kế hoạch không có tính khả thi vì dù thế nào đi chăng nữa Bờ Biển Ngà không thể so sánh với một siêu cường thời đó như Liên Xô được.

Tài liệu còn cho thấy, để tổ chức cho Olympic này tại Moscow, Liên Xô đã chi khoảng hơn 9 tỷ USD và đã lập kỷ lục thế giới về ngân sách đầu tư cho Olympic. Các sân vận động cỡ lớn của Mosco tăng từ con số 50 ban đầu theo kế hoạch lên gần 70, các bể bơi nhân tạo từ 30 lên 60, các nhà thi đấu từ 1.300 được tăng lên hơn 1.600. Ngoài ra, Moscow đã cải tạo các công trình kiến trúc của thành phố, hoàn thiện mạng lưới giao thông và tất cả cái này thì Bờ Biển Ngà không thể tưởng tượng ra chứ nói chi đến chuyện tự mình xây dựng và đầu tư được những công trình này để phục vụ cho một đại hội thể thao quy mô cỡ quốc tế.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem