Mỹ: Ukraine cạn kiệt vũ khí, hoàn toàn phụ thuộc vào đồng minh

Đăng Nguyễn - France24 Thứ sáu, ngày 10/06/2022 13:40 PM (GMT+7)
Ukraine đã cạn kiệt vũ khí do Liên Xô trước đây và Nga ngày nay sản xuất, phụ thuộc hoàn toàn vào các vũ khí do đồng minh cung cấp, nguồn tin quân sự Mỹ cho biết.
Bình luận 0

img

Binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa chống tăng NLAW do Anh cung cấp.

Từng là một phần trong Liên Xô, quân đội Ukraine và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này được đào tạo, sản xuất vũ khí theo tiêu chuẩn Nga, từ các vũ khí cầm tay cho đến vũ khí hạng nặng như máy bay, xe tăng, lựu pháo.

Hơn 3 tháng kể từ khi xung đột nổ ra, kho vũ khí của quân đội Ukraine đã được sử dụng hết hoặc bị phá hủy trong các cuộc giao tranh, nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, theo France24.

Giới chức Ukraine từng nói lên sự thật rằng ngành công nghiệp quốc phòng của nước này đã tê liệt hoàn toàn. Nguyên nhân do Nga liên tục giáng đòn phá hủy các nhà máy sản xuất vũ khí, cơ sở bảo trì xe bọc thép trên lãnh thổ Ukraine.

Hôm 6.6, quân đội Nga thông báo phá hủy nhà máy cơ khí luyện kim ở tỉnh đông bắc Kharkiv, nơi được cho là chuyên sửa chữa xe thiết giáp của quân đội Ukraine.  

Hồi tháng 4, Cộng hòa Czech tuyên bố nước này sẽ sửa xe tăng và phương tiện quân sự hư hỏng cho Ukraine. Tuy nhiên, việc đưa xe bọc thép sang sửa chữa ở CH Czech và đưa các vũ khí này quay trở lại chiến đấu mất rất nhiều thời gian.

Ngược lại, Nga có ưu thế về ngành công nghiệp quốc phòng, có thể thay thế phụ tùng vũ khí ngay tại chiến trường, bao gồm cả động cơ xe tăng.

img

Pháo tự hành M109A3 do Mỹ sản xuất, được Na Uy cung cấp cho Ukraine.

Các vũ khí hệ Liên Xô mà Ukraine dự trữ hoặc được viện trợ đã được sử dụng hết, một quan chức Mỹ giấu tên nói, theo France24.

“Hiện tại, các lực lượng Ukraine không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang sử dụng vũ khí của Mỹ và NATO”, nguồn tin nói thêm.

Điều này đặt ra một số lo ngại, rằng liệu các binh sĩ Ukraine có thể sử dụng vũ khí phương Tây một cách hiệu quả chỉ trong vài tuần huấn luyện hay không, cũng như nguy cơ các công nghệ vũ khí nhạy cảm rơi vào tay Nga.

Dưới sự bảo trợ của 40 thành viên trong Nhóm liên lạc với Ukraine, các quốc gia đồng minh đang phối hợp hỗ trợ để các lực lượng Ukraine nhận được vũ khí, đạn được, thiết bị một cách liên tục, không bị gián đoạn, một quan chức quân đội Mỹ cho biết.

Nhưng giới chức Mỹ nhấn mạnh rằng, một số vũ khí hiện đại sẽ không được chuyển giao nhanh cho Ukraine, vì các đồng minh muốn đảm bảo rằng quân đội Ukraine sẽ sử dụng cẩn thận, không phung phí.

Mỹ và đồng minh cũng không muốn chứng kiến các vũ khí chuyển cho Ukraine được chất đầy trong kho và bị Nga nã tên lửa phá hủy.

Trong gói hỗ trợ mới nhất trị giá 700 triệu USD, Mỹ cung cấp cho Ukraine các hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS, 1.000 tên lửa chống tăng Javelin và 4 trực thăng Mi-17. Gói hỗ trợ còn bao gồm 15.000 đạn pháo, 15 xe bọc thép hạng nhẹ và đạn súng trường.

“Chúng tôi vẫn đang cung cấp vũ khí cho Ukraine một cách ổn định”, quan chức Mỹ thứ hai nói.

Ukraine muốn đưa ngay các hệ thống pháo phản lực HIMARS vào chiến đấu, nhưng Washington nói sẽ chỉ chuyển giao khi binh sĩ Ukraine nắm rõ cách sử dụng.

“HIMARS là hệ thống vũ khí tầm xa phức tạp”, đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nói. “Chúng tôi muốn chắc chắn rằng binh sĩ Ukraine biết cách sử dụng hiệu quả”.

Trong thời gian tới, giới chức Mỹ sẽ cân nhắc về việc cung cấp cho Ukraine các máy bay không người lái vũ trang MQ-1C Gray Eagle.

MQ-1C Gray Eagle hiện đại hơn nhiều so với mẫu UAV Bayraktar TB2 mà Ukraine mua của Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi chiếc MQ-1C có thể mang theo tối đa 8 tên lửa hoặc 4 quả bom hạng nhẹ, khả năng hoạt động liên tục trong 25 giờ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem