Ngậm ngùi con cá basa đi vào... cổ tích

Bảo Hoàng Thứ bảy, ngày 06/12/2014 07:17 AM (GMT+7)
Những năm 1990, sau khi thịt cá basa philê tìm được đường xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đã mở ra thời cơ vàng cho người nông dân An Giang- xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. 
Bình luận 0

Với mức giá cá basa xuất khẩu 8USD/kg, làng bè cá mới mọc lên san sát bên sông Hậu, các nhà máy, chế biến tấp nập ra đời.

Thế là phát triển tự phát, chèn ép lẫn nhau, cạnh tranh tự do dẫn tới không bảo đảm chất lượng, khâu giống có nhiều gian dối. Nông dân đề nghị, lãnh đạo tỉnh An Giang đề nghị Nhà nước phải quản lý, ngành nông nghiệp phải quản lý. Nhưng không ai nghe. Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, xót xa: Họ nói “thị trường là tự do, Nhà nước không can thiệp”. Tiếp nữa, khi nhu cầu cá basa tăng nhanh, khách hàng ở Mỹ gợi ý, một số Việt kiều ở Mỹ gợi ý đưa cá tra vào nuôi đội lốt cá basa để kiếm lời. Cá tra dễ nuôi, năng suất lại cao đã nhanh chóng “đè bẹp” cá basa - loài cá vốn dĩ thịt thơm ngon nổi tiếng trên thế giới này chỉ có Việt Nam nuôi thương phẩm thành công.

Vậy là bất chấp có quy hoạch hay không có quy hoạch; đất trồng rau hay đất 2 lúa, nông dân cứ thế chặt – chém, lấp – đào ao nuôi cá tra, kiếm tiền cho bằng được, quy hoạch để lại sau… Thế là rộ lên thành phong trào từ tỉnh An Giang đến khắp các tỉnh ĐBSCL, các nhà máy cũng bị cuốn vào cuộc, thi nhau vay vốn đầu tư. Đến năm 2000 toàn miền sinh ra kiểu cạnh tranh “tự hủy diệt” không chỉ người nuôi cá mà cả doanh nghiệp cũng “đi đêm” chào giá thấp.

Bây giờ tại An Giang, quê hương của cá basa cũng chẳng còn. Con cá basa “trời” ban cho miền sông Tiền, sông Hậu cũng không còn, con cá basa đã đi vào cổ tích. Và rồi ngày mai tương lai nông nghiệp, những đặc sản nổi tiếng mang thương hiệu Việt như: Hạt tiêu, nước mắm Phú Quốc, bưởi Năm Roi, thanh long, cà phê Ban Mê Thuột, chè Thái Nguyên…mãi còn hay cũng theo đường cá basa đi vào cổ tích?

Nông dân ta luôn lương thiện, sáng tạo, cần cù. Còn ngày nay, họ đang bị ảnh hưởng nhiều thói xấu. Tất cả bắt nguồn từ sự chụp giật, tranh thủ tối đa, bất kể hậu quả. Căn bệnh này đang lây lan rộng trong toàn xã hội, nhưng với nông dân thì hậu quả thật đau lòng! Nhìn rộng ra, chúng ta phải nhìn sâu xa và giải quyết vấn đề theo nguyên nhân từ bên trong chính sách. Nhưng việc làm được ngay bây giờ là từ trong Đảng, bộ máy nhà nước; trong các tổ chức kinh tế, xã hội. Đó là, mọi thất bại phải có người chịu trách nhiệm cụ thể. Người chịu trách nhiệm cho thất bại ấy phải tự nhận trách nhiệm và ra đi, nhường chỗ cho những người đủ phẩm chất, năng lực và uy tín được nhân dân ủy nhiệm, đứng ra lãnh lấy trọng trách trước nhân dân, trước sự phát triển của ngành, địa phương, lĩnh vực, đất nước...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem