Tuy nhiên, trên thực tế, việc tham gia của nhiều chính sách trên đã tạo ra sự chồng chéo và bộc lộ những hạn chế, đòi hỏi cần có sự tháo gỡ.
Một lĩnh vực hàng chục công trình giống nhau
Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (còn gọi Chương trình 135) bắt đầu từ năm 1998 đã thực sự gây ấn tượng cho người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế. Bởi lẽ, qua các giai đoạn I, II, III đã và đang được triển khai, Chương trình 135 đã phát huy tốt hiệu quả của một chính sách giảm nghèo toàn diện, bền vững ở vùng đồng bào DTTS với sự đầu tư toàn diện từ hệ thống cơ sở hạ tầng đến việc hỗ trợ sản xuất, sinh kế cho đồng bào…
Tuy nhiên, năm 2008, Chương trình 30a hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo ra đời với nội dung gần như tương tự. Cụ thể, phần trọng tâm nhất của chương trình cũng bao gồm danh mục hỗ trợ sản xuất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Như vậy có sự chồng chéo trong quá trình triển khai thực hiện là điều không tránh khỏi.
Nhờ lồng ghép các chương trình chính sách, người dân ở xã Ka Lăng, huyện Mường Tè có nước sạch để sử dụng.
Bên cạnh đó, nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo lĩnh vực, theo ngành cũng bị trùng lặp do có nhiều bộ, ngành cùng tham gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường trùng với chính sách về nước sinh hoạt của Chương trình 134; Chính sách đào tạo nghề của Chương trình 1956 trùng với đào tạo nghề của Chương trình 30a cũng như các chính sách đào tạo nghề của các tổ chức hội, đoàn thể… như Quyết định 755 về dạy nghề cho người nghèo thiếu đất sản xuất, Quyết định 1019 về dạy nghề cho người khuyết tật...
Bà Ðoàn Thị Hậu - Ủy viên Thường trực HÐND tỉnh Lạng Sơn nêu dẫn chứng: "Trên địa bàn Lạng Sơn có rất nhiều cơ quan, đoàn thể cùng tham gia dạy nghề: Ðoàn Thanh niên tỉnh cũng phân bổ dạy nghề, Hội Phụ nữ, Sở LÐTBXH cũng dạy nghề, ngành giáo dục cũng dạy nghề... Mỗi cơ quan làm một kiểu, thiếu phối hợp khiến kết quả nửa vời, không hiệu quả”.
Về tình trạng chồng chéo chính sách, ông Lệnh Thế Hội - Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cho biết: “Tại địa phương, một xã đặc biệt khó khăn hiện có hàng chục chương trình hỗ trợ trên cùng một lĩnh vực. Đơn cử, trên cùng một địa bàn có nhiều chương trình hỗ trợ thủy lợi khác nhau, dẫn đến việc mỗi chương trình lại xây một công trình thủy lợi, hết sức manh mún, không hiệu quả. Trong khi nếu các chương trình đó lồng ghép vào một dự án thủy lợi chung thì hệ thống thủy lợi sẽ được xây dựng kiên cố hơn, đem lại hiệu quả cao hơn.”
Thiếu sự phối hợp
Ông Sơn Phước Hoan - Thứ trưởng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc:
Đã đến lúc chúng ta phải hoạch định, xây dựng chính sách một cách bài bản, chuyên nghiệp và có lộ trình dài hạn. Việc đó thể hiện ở chỗ Ủy ban Dân tộc là cơ quan hoạch định, quản lý. Theo đó, các bộ, ngành nên phối hợp thực hiện, ví dụ như đối với chính sách cử tuyển, Bộ GDĐT nên chuyên về đào tạo học sinh. Hay đối với chính sách đào tạo nghề, Bộ LĐTBXH cần chú trọng trong việc đào tạo cho tốt… Như vậy sẽ tránh được chồng chéo trong xây dựng chính sách từ đó phát huy tốt hiệu quả của các chính sách dân tộc.
|
Sự chồng chéo chính sách về nội dung, đối tượng thụ hưởng đã ảnh hưởng
trực tiếp đến hiệu quả của chính sách, và đối tượng chịu thiệt thòi
không ai khác chính là đồng bào DTTS. Mới đây, tại buổi làm việc với
UBDT về chính sách giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, ông Đỗ Mạnh Hùng -
Phó Chủ nhiệm ủy Ban Các vấn đề xã hội, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội đã thẳng thắn nêu ra: “Các chính sách của chúng ta
toàn diện về mọi mặt nhưng hiệu quả bị hạn chế vì nhiều chính sách trùng
nhau về nội dung.
Trước đó, qua kiểm tra, giám sát và làm việc với Bộ LĐTBXH, chúng tôi thấy nội dung Chương trình 30a cơ bản trùng với Chương trình 135. Do vậy, đoàn giám sát sẽ kiến nghị hợp nhất và giao cho UBDT quản lý”. Còn theo ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, sự chồng chéo này một phần là do chưa có sự phân định rõ trong thiết kế các chương trình, dự án. Các chính sách được nhiều bộ, ngành đề xuất ban hành và nhiều cơ quan cùng thực hiện, nhưng thiếu sự phối hợp.
“Sự chồng chéo về chính sách đã dẫn đến sự dàn trải nguồn lực đầu tư trong khi khả năng bố trí ngân sách nhà nước còn hạn chế. Chính sách giảm nghèo cần phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn; đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, có các chính sách giảm nghèo chung, có chính sách giảm nghèo đặc thù cho từng vùng khó khăn, nhóm người nghèo DTTS, người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, các chính sách giảm nghèo phải thường xuyên được tổ chức rà soát, đánh giá, mang tính hệ thống để người nghèo, đồng bào DTTS tiếp cận thuận tiện, hiệu quả hơn; những chính sách qua thực hiện thấy bất hợp lý phải khẩn trương sửa đổi”- ông Đàm nói.
Lê San (Lê San)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.