"Ngành y lo cho người sống, sao lo cho người chết được?"

Diệu Thu Thứ ba, ngày 13/12/2016 20:07 PM (GMT+7)
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh lên tiếng về vụ người nhà khiêng xác bệnh nhân từ bệnh viện về nhà.
Bình luận 0

img

Hình ảnh hai người đàn ông khiêng xác bệnh nhân từ bệnh viện gây phản cảm cho xã hội

Chiều 11/12, hình ảnh hai người đàn ông khiêng thi thể người thân được cuốn chiếu trên đường và vừa đi vừa khóc trên một trang mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận.

Khi nhìn những hình ảnh này, nhiều người bày tỏ: “Thế kỷ 21 rồi sao lại còn có cảnh tượng này?”, “vai trò của Bộ Y tế ở đâu? Bệnh viện và bác sĩ đâu? Sao để dân khổ thế này…”

Chia sẻ với phóng viên, GĐ Bệnh viện Đa khoa huyện Lạc Sơn, ông Bùi Văn Vanh phân trần: “Chúng tôi cũng thấy việc cuốn chiếu, khiêng thi thể về là rất phản cảm nhưng gia đình họ ở gần bệnh viện, chỉ cách khoảng hơn 1km, lại quyết tự đưa về nên cũng rất khó”.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng lên tiếng về những hình ảnh này.

Ông Khuê nói: Trong y tế, không có quy định bệnh viện phải đưa xác về nhà. Với bệnh nhân tử vong tại bệnh viện có quy chế kiểm thảo tử vong. Bệnh viện có nhà tang lễ, xe tang bảo đảm vệ sinh môi trường theo quy định pháp luật. Theo đó, bệnh viện chỉ có thể giải thích, chứ không có nhiệm vụ chở xác người bệnh về gia đình.

“Nhiều người hỏi tôi, xe cứu thương để làm gì? Xe cứu thương là dành để cấp cứu người bệnh chứ không phải chở người chết. Ngành y lo cho người sống chứ làm sao lo cho người chết được”, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm cho biết, hình ảnh hai người đàn ông khiêng thi thể bệnh nhân tử vong là một sự vi phạm vệ sinh môi trường và phản cảm về mặt xã hội.

Chuyên gia lý giải, việc tự vận chuyển một mầm bệnh ra cộng đồng có nguy cơ dẫn đến lây lan, phát tán mầm bệnh trong cộng đồng. Hơn nữa, Luật Giao thông cũng quy định các phương tiện vận chuyển hành khách thông thường không được vận chuyển tử thi.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, thông thường, bệnh viện không có nhiệm vụ vận chuyển tử thi. Tuy vậy, tại bệnh viện, đôi khi có tình trạng người nhà bỏ mặc tử thi. Lúc này, bệnh viện phải đi chôn nên nhiều khi bệnh viện phải hỗ trợ xe (tức là đã xén vào đời sống của nhân viên).

Qua những sự việc này, bác sĩ Cấp đề xuất, cần có những chính sách hỗ trợ cho người dân nghèo. Ngoài ra, cần phải có sự phối hợp từ phía bệnh viện, chính quyền điạ phương…. Trong trường hợp, nếu người nhà bệnh nhân cố tình không tuân thủ, cần cả sự vào cuộc của Cảnh sát môi trường.

PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao phổi TƯ cho biết, nhiều người nói xe cứu thương chở bệnh nhân tử vong về nhà. Nhưng thực tế, chỉ xe cứu thương có đèn xanh mới được phép chở xác chết còn xe có đèn ủ màu đỏ mà chở bệnh nhân tử vong là sai quy định về đảm bảo môi trường.

Theo PGS.TS Vũ Xuân Phú, cái khó của các bệnh viện làm sao vừa phải đảm bảo hành lang pháp lý nhưng không làm khó người bệnh, hỗ trợ được bệnh nhân tốt nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem