Ngày mới ở bản Lụng Cuông

Nguyễn Văn Chiến Chủ nhật, ngày 15/09/2019 18:13 PM (GMT+7)
“Ngày trước, cả vùng đất Chiềng Nơi, Phiêng Pằn, Phiêng Cằm, Nà Ớt (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đầy rẫy cây thuốc phiện, đi triệt phá cả tháng không hết. Nhưng bây giờ thì tìm mỏi mắt cũng không thấy đâu…” - Già bản Lụng Cuông - Lù A Dạng bảo vậy.
Bình luận 0

Kí ức buồn dưới cánh rừng Lụng Cuông

Khi con gà rừng bên phía cánh rừng bản Xà Vịt le te cất tiếng gáy báo hiệu ngày mới thì ông Dạng cũng bật dậy, đến ngồi bên bếp lửa. Vào mùa này, bản vùng cao như Lụng Cuông chẳng mấy khi có nắng trời nên dù là lúc 4 - 5 giờ sáng hay 8 - 9 giờ sáng thì không gian cũng tối mờ bởi lớp sương mù dày đặc đang bám chặt quanh bản.

Tôi cũng rón rén dậy theo, kéo ghế ngồi cạnh ông Dạng để tranh thủ chút thời gian quý báu khi đi cơ sở. Với vùng cao, những cán bộ người Mông, có mấy chục năm công tác liên tục ở một địa bàn, lại rành tiếng phổ thông như ông Dạng thì là một kho tư liệu rất quý.

img

Ở những xã vùng sâu, vùng cao như Nà Ớt (Mai Sơn, Sơn La) có nhiều diện tích trước từng trồng cây thuốc phiện nhưng giờ đây là cây ăn quả, cây công nghiệp đã cho thu hoạch cao. Trong ảnh là vườn cà phê xanh tốt của ông Lù a Dạng.   Ảnh: V.C

"Nhà nước mình làm ăn cũng khoa học lắm, một mặt kiên quyết vận động dân bỏ trồng cây thuốc phiện, triệt phá diện tích tái trồng, cai nghiện miễn phí cho người nghiện hút chất ma túy…”.

Già bản Lụng Cuông Lù A Dạng

Ông Dạng bảo: “Cũng chính vì tôi rành tiếng phổ thông, lại nhiệt tình trong công việc, đã nhận việc là làm và luôn hoàn thành với sự cố gắng cao nhất nên những năm làm cán bộ chủ chốt ở các xã: Phiêng Pằn, Nà Ớt, tôi liên tục được phân đến với những điểm nóng như: Tranh chấp đất đai, tái trồng cây thuốc phiện, nhiều người nghiện lâu năm phải vận động bỏ thuốc… Đây là địa bàn dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn như: Mông, Sinh Mun, Khơ Mú… nên tính phức tạp của nó càng cao bởi người dân hiểu biết hạn chế”.

Theo ông Dạng thì dải 4 xã vùng cao của huyện Mai Sơn này gồm: Nà Ớt, Phiêng Pằn, Phiêng Cằm, Chiềng Nơi trước đây là một trong những vựa cây thuốc phiện của huyện Mai Sơn. “Ngày ấy, việc trồng và sử dụng nhựa cây thuốc phiện với bà con vùng cao không chỉ đơn giản là một thói quen mà còn là một nét văn hóa. Có điều, đấy là cái văn hóa lạc hậu, cái văn hóa cần phải xua đuổi bởi xã hội đã tiến bộ rất xa rồi” - ông Dạng nói.

Ông Dạng thừa nhận mình cũng đã từng trồng, thu hoạch và bán không ít thuốc phiện: “Nhưng ngày ấy, phần lớn thuốc phiện là có Nhà nước thu mua. Số thuốc phiện người dân giữ lại không nhiều, chỉ có một số người dùng để hút vì đã nghiện; còn lại thì dùng làm thuốc chữa bệnh, dùng làm sính lễ khi đi hỏi, cưới; khi làm ma chay… Chính tôi cũng vì không có nhiều thuốc phiện và bạc trắng để hỏi vợ nên không lấy được người mình yêu”.

“Không có Nhà nước thì đâu có hôm nay”

img

Thế hệ trẻ ở Lụng Cuông, Nà Ớt (Mai Sơn, Sơn La) hôm nay biết chăm lo làm giàu cho mình từ nghề nông nhưng không phải từ cây thuốc phiện như thế hệ ông, bà của họ.

Câu chuyện về quá khứ buồn gắn với loài cây ma mị mang tên anh túc của ông Dạng chỉ dừng lại khi hơi sương ngoài hè đã loãng dần, trời lờ mờ sáng. Tôi theo chân ông ra khu vườn ngay phía sau nhà. Đập vào mắt tôi là những luống rau xanh ngắt kề bên vườn cây cà phê cao tới đầu người, sai trĩu quả. Tiếng gà mẹ gọi con lục tục bên chuồng gà sát với gian bếp.

Ông Dạng tự hào: “Chính trong những ngày đi tuyên truyền, vận động người dân chuyển hướng sản xuất, xóa bỏ cây thuốc phiện mà tôi học hỏi được những cách làm ăn này đấy. Nhà nước mình làm ăn cũng khoa học lắm, một mặt kiên quyết vận động dân bỏ trồng cây thuốc phiện, triệt phá diện tích tái trồng, cai nghiện miễn phí cho người nghiện hút chất ma túy…”.

 Bên cạnh đó, Nhà nước lại đưa giống cây trồng, con vật nuôi cùng những tiến bộ khoa học trong sản xuất vào giúp người dân có nguồn thu mới tốt hơn, bền vững hơn, văn minh hơn. Hàng trăm hộ dân ở những bản trong vùng cao này bỏ được cây thuốc phiện, có cuộc sống nó ấm hơn là nhờ những chính sách của Nhà nước.

Ông Hoàng Mạnh Phúc -nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nà Ớt, tâm sự: “Ngày trước, cây lúa nương, cây ngô giống cũ có năng suất thấp nên thu nhập từ cây thuốc phiện trở thành nguồn thu chính của nông dân. Nhưng bây giờ, Nhà nước đưa cán bộ khuyến nông vào “3 cùng” với nông dân; hỗ trợ nông dân từ giống cây trồng, vật nuôi tới vốn ưu đãi, đào tạo nghề, phát triển cơ sở hạ tầng, kích thích hàng hóa nông sản phát triển nên chẳng ai muốn quay lại cái thời tăm tối - thuốc phiện trồng quanh nhà như xưa nữa. Bây giờ, đến trẻ nhỏ nó cũng biết cây thuốc phiện là loại “cây giết người” rồi đấy”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem