Ngày Nhà giáo online

Mỹ Hằng Thứ bảy, ngày 20/11/2021 09:23 AM (GMT+7)
Ngành giáo dục có lẽ là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, bởi cách ly, phong toả đã làm gián đoạn việc dạy và học thời gian dài ở khắp mọi miền.
Bình luận 0

1/Cách đây vài hôm, chị bán rau quen ngoài chợ bảo, mua nốt cho chị mấy mớ cải này chị bán hết hàng cho nhanh, về còn giúp con gái trông trẻ. Nhà chị ở một làng ven sông Hồng ngay ngoại thành Hà Nội. Con gái chị là cô giáo mầm non tư thục, gặp dịch Covid-19 phải nghỉ dạy hàng tháng trời hết đợt dịch nọ đến đợt dịch kia. Mãi vừa rồi, hết chỉ thị 16++, cô nhận trông thêm 3-4 đứa trẻ hàng xóm, cùng với hai đứa con cô, mỗi đứa mấy chục nghìn mỗi ngày. Phòng trông trẻ đã lắp sàn gỗ, điều hoà, cũng tốn một khoản nhưng dù sao hai tháng nay cô giáo trẻ cũng đỡ căng thẳng khi có một khoản thu nhập nhỏ xinh. Dịch dã, hàng chục nghìn cô giáo mầm non tư thục loay hoay đủ cách để kiếm sống, chờ ngày được đi dạy trở lại. 

2/ Tối qua, tôi hỏi những người bạn mình là giảng viên đại học, giờ bạn lo gì nhất? Bạn bảo, lo nhất là dạy mà cứ như nói chuyện với bức vách. Buổi đầu dạy online cũng lơ ngơ, buổi thứ hai mới điều chỉnh được và lôi kéo sinh viên tương tác. Dạy online áp lực hơn khi buổi dạy được ghi hình, mà sợ nhất nói hớ là sinh viên có thể cắt ghép clip đưa lên mạng xã hội. 

Nhưng các bạn cũng bảo, giờ khoảng cách thầy trò gần gũi chia sẻ hơn, xưa cứ xa vời vợi, học sinh sợ thầy cô nữa. Sinh viên năm thứ nhất, không đến trường được, chưa gặp thầy cô, chỉ học online, nhưng vẫn làm clip tặng các thầy cô nhân Ngày Nhà giáo. Covid làm thầy trò xa về khoảng cách vật lý, nhưng dù thế nào bọn trẻ vẫn nhận ra sự tâm huyết, trách nhiệm của những người thầy khi đứng lớp.

Ngày Nhà giáo online - Ảnh 2.

Lớp học online của cô Trần Thị Thiên Lý, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Ảnh : NVCC.

Rồi những giờ học online của  các con tôi. Giờ đã là năm học thứ ba, mỗi năm là chừng một học kỳ, bọn trẻ không được đến trường trọn vẹn. Bọn trẻ cấp 1 cũng biết so sánh mẹ ơi con muốn đến trường gặp các bạn, con không thích học online. Cô giáo thật sự vất vả với mấy chục đứa trẻ còn chưa kịp vào nề nếp. 

Nhưng cũng chẳng còn cách nào khác, học online là lựa chọn tối ưu khi chưa thể phủ vaccine, kiến thức rơi rớt nhiều nhưng cô trò phải cùng cố gắng, cũng không thể tước quyền được học của bọn trẻ vì nỗi sợ con virus vô hình. 

3/Và những mất mát. Tôi nói chuyện với một chị giáo viên trong TPHCM. Hai anh chị đều là nhà giáo,  cùng mắc Covid-19 và cùng vào viện. Nhưng chỉ có chị trở về. Đến giờ chị vẫn chưa đủ can đảm để nhắc lại nỗi đau của mình. Một gia đình nhà giáo khác đã nghỉ hưu, đồng nghiệp của cô ruột tôi, cũng lần lượt ra đi vì Covid-19. Trường nào trong Thành phố cũng có những thầy cô trở thành F0 và không qua được đại dịch, hoặc có người thân mất trong đại dịch. Thầy cô nào cũng có thể nhắc tới một vài đứa học sinh trong trường trở thành mồ côi.

4/ Ngành giáo dục có lẽ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì Covid-19, và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ bởi sự gián đoạn trong việc dạy và học. Báo cáo của UNICEF nói có tới 1,6 tỷ trẻ em trên toàn cầu phải hứng chịu những thiệt hại về giáo dục. Có lẽ cũng phải hàng chục triệu thầy cô bị ảnh hưởng.  

Ở mình, cứ nói đây là cơ hội giảm tải kiến thức trong chương trình, nhưng có những khoảng trống không bao giờ bù đắp được trong việc trao truyền kiến thức, nhận thức, kết nối cảm xúc giữa thầy và trò.

Chỉ có thể mong, đây là lúc bọn trẻ biết yêu thương nhiều hơn, học được bài học về sự hụt hẫng khi không được đến trường, hay bài học về lòng biết ơn tất cả những người đã hy sinh thời gian, sức lực, tâm huyết, tính mạng trong cuộc chiến với đại dịch.

Đây cũng là lúc để thầy trò học cách thích ứng với khó khăn, khủng hoảng. Đấy là những cô giáo phải đi bán hàng online, thậm chí chạy chợ bán rau, những thầy giáo phải chạy thêm làm shipper trang trải cho cuộc sống, thế nhưng giờ lên lớp vẫn chỉn chu, vui vẻ với học trò. Đấy là những thầy cô lớn tuổi phải làm quen với công nghệ, số hoá bài giảng, xử lý các lỗi kỹ thuật, nghĩ cách lôi cuốn tương tác với bọn trẻ. 

Đấy là việc cả thầy cả trò phải  vượt qua khoảng cách vô tri của những chiếc màn hình máy tính, làm sao để bọn trẻ không bị cuốn vào game hay mạng xã hội, đối mặt với nguy cơ cận thị, mà làm quen với công nghệ nhanh hơn, có ích hơn. Đấy là nỗi sợ hãi, bất an, lo lắng của những người lớn trong đại dịch và cách bọn trẻ cảm nhận nỗi bất an ấy. Nhưng dù có bị cản trở, trì trệ thì ai cũng phải cố gắng vượt qua, vì cuộc sống vẫn tiếp diễn.

Có lẽ chưa từng bao giờ có một ngày 20/11 đặc biệt như năm nay. Năm học mà ngành giáo dục khai trường online, lễ khai giảng, lễ 20/11 chỉ có các thầy cô ở trường với nhau, không nghe tiếng học sinh như một bầy ong. Năm học mà các lớp đầu cấp thầy trò chưa từng gặp mặt trực tiếp.  Khó khăn là lúc để thầy trò trở nên chia sẻ nhiều hơn, mạnh mẽ, linh hoạt hơn, và tình thầy trò tôn sư trọng đạo vẫn nguyên vẹn, dù những lời chúc, những bó hoa chỉ được gửi qua lớp học trực tuyến.

Suốt từ học kỳ hai của năm học trước đến giờ, các thầy cô cứ dọn dẹp trường, phun khử khuẩn chuẩn bị đón học sinh đi học. Nhưng hết đợt nọ đến đợt khác vẫn cứ là tiếp tục giãn cách. Chỉ có đến thời điểm này, khi vaccine bắt đầu được triển khai cho học sinh, hơn bao giờ hết, hy vọng được đến trường đang dần thành hiện thực, để thầy trò trở lại, trưởng thành và "lợi hại hơn xưa".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem