Lãnh đạo bệnh viện bị bỏ tù, mọi sai lầm đều do họ?

Quốc Phong Thứ sáu, ngày 12/11/2021 08:31 AM (GMT+7)
Các bác sỹ nếu thực sự giỏi chuyên môn thì nên chăng chỉ để họ chuyên tâm với chuyên môn, và có thể bố trí làm đến chức phó giám đốc phụ trách chuyên môn của bệnh viện? Còn giám đốc bệnh viện, cần nhìn ở góc độ khác, thiên về quản trị doanh nghiệp nhưng cần hiểu biết sâu về chuyên ngành y.
Bình luận 0

Ngành y tế nước nhà rất giống với nhiều ngành khác trong xã hội hôm nay qua việc bổ nhiệm, đề bạt lãnh đạo tại các cơ quan nhà nước. Người ta luôn viện dẫn rằng việc bổ nhiệm, đề bạt đã tuân thủ"đúng quy trình" của công tác tổ chức cán bộ. Thế nhưng, trong thực tiễn, không ít người vướng vào sai phạm, thậm chí còn mắc vòng lao lý, như hàng loạt trường hợp cán bộ cấp cao ngành y vừa rồi, từ đó cho ta thấy rất rõ những điểm hạn chế.

Sự việc này do nhiều nguyên nhân. Không thể phủ nhận, về cơ bản, lỗi lầm mà họ phạm phải thường do chính họ đã thiếu đi sự tu dưỡng, rèn luyện để rồi có lúc bị sa ngã vì bả vật chất cám dỗ. Song, nhiều khi cũng do năng lực làm công tác quản lý của họ hạn chế, không được đào tạo để làm lãnh đạo mà chỉ thuần tuý được bầu, được bổ nhiệm vì giỏi chuyên môn. Nhiều khi cứ tưởng, phàm đã là người giỏi nghề, có uy tín thì sẽ làm gì cũng thành công. 

Vài tuần qua, nóng hổi câu chuyện về "bàn tay vàng" Nguyễn Quang Tuấn, vị giáo sư tiến sĩ (GS, TS) tài năng về phẫu thuật tim mạch của nước nhà bị cơ quan Công an khởi tố do vi phạm nghiêm trọng quy định về tổ chức đấu thầu trong thời gian ông còn đang nắm giữ trọng trách Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. 

Đây là thời điểm ông đã được bổ nhiệm sang làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai để thay cho một "sự cố" khác của ngành y tế. 

GS, TS, BS Nguyễn Quang Tuấn là người rất giỏi về chuyên môn, nên báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực viết về ông, vừa lấy làm tiếc cho một tài năng phẫu thuật xuất sắc, chuyên chữa bệnh cứu người, vừa trách ông vì sao lại sai lầm nên nỗi này?

Giá như ông không làm lãnh đạo để rồi bị dính sai phạm thì sẽ tốt cho dân, bởi ông sẽ còn cứu chữa cho không biết bao con người nữa khi"đôi bàn tay vàng" kia đang độ sung sức nhất của nghề nghiệp.

Thật tiếc cho ông với tương lai rộng mở ở phía trước, từng được tín nhiệm tham gia Quốc hội khoá 14 mà đến khóa 15, ông phải tự rút đơn xin không tham gia dù cận ngày cử tri bỏ phiếu. Thế mới biết, không phải cứ giỏi chữa bệnh cứu người thì làm quản lý người ta đều giỏi . 

Tại Việt Nam, nhiều người thừa nhận một thực tế rằng, có quan điểm nếu giám đốc Bệnh viện tay nghề không giỏi hoặc chuyên môn không cao thì nhân viên sẽ không phục và sẽ khó lãnh đạo. Trước luồng tư tưởng kiểu này, cơ quan quản lý cấp trên đã hướng theo cách tìm người lãnh đạo giỏi chuyên môn. Đó là cách nghĩ không hẳn đã đúng, thậm chí phiến diện và càng tệ hơn khi bổ nhiệm họ nếu trước đó không đào tạo nghiệp vụ quản lý cho họ. Họ cũng không phải không biết một thực tế, thầy thuốc nếu càng giỏi chuyên môn thì càng khó làm lãnh đạo, quản lý.

Ấy thế mà những hiện tượng này vẫn diễn ra. 

Thực tế, người giỏi chuyên môn không đồng nghĩa với việc người đó sẽ thành một nhà quản lý tốt, một lãnh đạo giỏi. Đó là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt. 

Cơ chế hiện nay cho phép bệnh viện được tự chủ nhưng cũng không hoàn toàn rõ ràng càng làm khó cho giới lãnh đạo bệnh viện vốn có uy tín cao bởi chuyên môn, giờ được giao nhiệm vụ quản lý. Trường hợp của GS.TS Nguyễn Quang Tuấn có lẽ là một ví dụ điển hình. Việc sai phạm đến mức nào và có tư lợi hay không của BS Quang Tuấn chưa có cáo trạng đầy đủ, công chúng mới chỉ biết rằng ông đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng .

Một trường hợp khác cũng là giám đốc bệnh viện và vừa bị bắt hôm 7/11 là ông  Nguyễn Minh Quân, người là Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Thủ Đức (nay là Bệnh viện TP.Thủ Đức) từ năm 2007 khi mới 34 tuổi. Với 14 năm đảm trách cương vị giám đốc, ông đã rất sáng tạo, rất giỏi quản lý vì cơ ngơi bệnh viện ngày một phát triển, vận hành ngày một khoa học, có uy tín và được nhìn nhận như "một hiện tượng của ngành y tế".

Vậy mà rồi ông Quân cũng vi phạm pháp luật do dính dáng đến tham nhũng tiêu cực . 

Theo điều tra ban đầu đã xác định, Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức Nguyễn Minh Quân và cộng sự đã thông đồng, câu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật Đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP.Thủ Đức, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Trong trường hợp này, tôi  cho rằng, vị giám đốc nọ đã sa sút đạo đức, phẩm chất rồi mắc sai phạm. Còn nếu xét về cung cách quản lý, sau 14 năm làm lãnh đạo và đưa bệnh viện tiến xa như một điển hình của ngành thì đâu phải do thiếu hiểu biết.

Đất nước ta đang rất thiếu các cơ sở đào tạo công tác quản lý, đặng giúp cho người thuộc diện quy hoạch về nhân sự có kiến thức nhất định trước khi ngồi ghế lãnh đạo. Khoảng hai chục năm nay đã có Trường Hành chính Quốc gia song hành cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Song, hình như mô hình đạo tạo nói trên vẫn chưa phải là hoàn hảo vì không chuyên sâu? 

Được biết, Trường Đại học Thăng Long Hà Nội – một trường ĐH tư, cách đây hàng chục năm, cũng như Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh cách đây mấy năm, đã đi tham khảo mô hình đào tạo của các nước tiên tiến để về xây dựng nên một chuyên ngành riêng về quản lý bệnh viện. Các cử nhân sau khi tốt nghiệp tại trường, họ sẽ có một trình độ chuyên môn về quản trị, quản lý trong ngành y.

Ngay tại chính ĐH Y Hà Nội cũng có một chuyên khoa đào tạo thạc sĩ (chuyên khoa cấp 2) cho cán bộ quản lý y tế. Song, cho dù là trình độ thạc sĩ thì cũng chưa thể làm nổi vai trò lãnh đạo nếu như cơ chế quản lý nhà nước với đơn vị sự nghiệp có thu không được đổi thay tận gốc. Nên chăng, khi đã đổi mới cơ chế cho bệnh viện được tự chủ thì cần có cung cách quản lý khác. 

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa trả lời chất vấn trước Quốc hội những nội dung liên quan đến ngành Y sáng 10/11, có khoảng 10% số bệnh viện công trong cả nước đã thực hiện tự chủ, trong đó có 6% là tự chủ hoàn toàn.

Nếu như vậy thì Nhà nước cũng nên xây dựng mô hình hoạt động của bộ máy trên có nên theo hướng Ban giám đốc bệnh viện sẽ có tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc kiêm nhiệm giám đốc từng lĩnh vực như giám đốc chuyên môn, giám đốc tài chính, giám đốc kỹ thuật, giám đốc hành chính nhân sự v.v… để những người này tự chịu trách nhiệm là chính. Nếu không, sớm muộn thì ông giám đốc bệnh viện cũng sẽ rất phiền toái và luôn bị luật pháp quy đủ trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra vì đụng đâu là sai đó. 

Các bệnh viện công lập của nước ta hiện nay đều có cung cách quản trị  kiểu cũ. Dù anh là bác sĩ giỏi về chuyên môn, có uy tín cực cao trong anh chị em, được anh chị em trong bệnh viện tin tưởng đến mấy thì cũng không thể nói trước bất cứ điều gì.   

Các bác sỹ  nếu thực sự giỏi chuyên môn thì nên chăng chỉ để họ chuyên tâm với chuyên môn, và có thể bố trí làm đến chức phó giám đốc phụ trách chuyên môn của bệnh viện đó thì có tốt hơn là làm giám đốc? Có như vậy chúng ta  mới có thể  tận dụng hết tài năng của họ vào việc  khám chữa bệnh. Còn giám đốc bệnh viện, cần nhìn ở góc độ khác, thiên về quản trị doanh nghiệp nhưng cần hiểu biết sâu về chuyên ngành y. 

Có lẽ sau sự cố ngành y bị khủng hoảng bởi nguồn nhân lực lãnh đạo bệnh viện, đã đến lúc Bộ Y tế và Bộ Nội vụ nên cất công đến ĐH Thăng Long Hà Nội và ĐH Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu mô hình đào tạo cán bộ quản lý bệnh viện theo cách này, chứ không chỉ là mô hình đào tạo của ĐH Y Hà Nội mà xem như vậy là đã hoàn chỉnh.

Cái cần nhất với ngành y, đó là họ cần có những cơ chế đặc thù nào? Nếu không, rồi ai làm giám đốc bệnh viện thì cũng có ngày vi phạm pháp luật.

Lâu nay, các lãnh đạo nói chung, lãnh đạo bệnh viện lớn nói riêng, trước khi được "nhắm" đề bạt, thường được đi học bồi dưỡng Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Mình. Việc học này giúp người ngồi ghế lãnh đạo có đủ bản lĩnh chính trị hơn để điều hành đơn vị mình vững vàng.

Thế nhưng, về góc độ quản lý tổng thể một đơn vị cơ sở trong ngành y (cấp bệnh viện) thì cách đào tạo này chưa đủ, có thể vẫn rất chung chung mà thiếu chuyên sâu như cần thiết.

Tại phiên họp kỳ 2 của Quốc hội khoá 15, phát biểu của ĐB QH  Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) tuy rất ngắn nhưng lại đầy nỗi trăn trở về số phận của không ít cán bộ trong ngành y tế thời gian qua. Bà Phong Lan vốn là Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM nên rất thấu hiểu nhiều chuyện trong ngành.

Bà cho rằng, tất cả những gì liên quan đến dịch bệnh chúng ta phải trả giá trong thời gian chính là hệ quả để lại có liên quan đến lỗi chủ quan của mỗi người quản lý và lỗi của cả chủ trương, của chính sách.

Bà Phong Lan nói: "Thực sự ngành nào cũng có những tiêu cực, tích cực... Chúng ta phải làm sao để tạo điều kiện cho các nhân viên y tế, đặc biệt cho các cán bộ quản lý họ có cơ hội, có môi trường để phát triển về y đức chứ không phải là sau đó, lúc xảy ra chuyện thì chúng ta sử dụng các biện pháp hành chính và các thủ tục tố tụng hình sự. Bản thân tôi làm việc trong ngành y tế, tôi rất đau lòng... Ở đây chính là trách nhiệm của quản lý và của cả Chính phủ".

Đã đến lúc Bộ Y tế nên cùng với Bộ Nội vụ ngồi lại để cùng nhau suy nghĩ, đưa ra một mô hình hoạt động hoàn chỉnh hơn với một bộ máy quản lý khác hiện nay. Nên tìm giải pháp nào đó, dù khó, để phân định trách nhiệm sao cho rành mạch hơn, tránh hết sức chuyện khi xảy ra chuyện thì tất cả đều đổ lên đầu người đứng đầu bệnh viện, trong khi mô hình hoạt động của một bệnh viện lại theo hướng tự chủ và không phải là doanh nghiệp thuần tuý. Cho nên cũng không thể máy móc vận hành bệnh viện hoàn toàn như vận hành một doanh nghiệp.  Muốn hạn chế việc mất đi một cách vô ích  những nhà y học tài năng  thì chính nhà nước cần phải nghĩ ra sớm một cơ chế để giúp bệnh viện vận hành đúng nhất,hiệu quả nhất có thể .


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem